Cán bộ là gốc của sự phát triển
Ngày 19-5-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nghị quyết số 26-NQ/TW là sự đổi mới, đột phát của Đảng về công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN; phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCH; tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cán bộ bộ phận một cửa cấp tỉnh tư vấn cho người dân tại bàn hướng dẫn. |
Ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, đảng viên 70 năm tuổi đảng Bùi Kim Ngân (Chi bộ 5, Đảng bộ phường 7, TP.Vũng Tàu) rất phấn khởi và tin tưởng sự đổi mới, đột phá của Đảng trong công tác cán bộ. Đảng viên Bùi Kim Ngân cho rằng, cần chú trọng, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ từ cấp cơ sở trở lên. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần thông suốt, bám sát tinh thần của Nghị quyết; quyết liệt hành động bằng việc làm cụ thể trong xây dựng đội ngũ cán bộ, từ đó, Nghị quyết mới đi vào thực tế và thành công.
Theo ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và người đứng đầu phải sớm xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW. Người lãnh đạo công tác cán bộ phải xem công tác cán bộ là cái gốc của sự phát triển. Do đó, người lãnh đạo công tác cán bộ phải công tâm, khách quan, chọn cán bộ từ cơ sở và có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo bài bản, thường xuyên nhắc nhở, uốn nắn cán bộ. Còn với người cán bộ thì phải vững lý luận Mác-Lênin, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, có đạo đức trong sáng, có học thức, vững chuyên môn và nghiệp vụ, hết lòng vì nước vì dân. Người cán bộ lãnh đạo cấp trên phải là người đã được thử thách, rèn luyện qua phong trào cấp dưới, được người dân tín nhiệm.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, ông Trần Văn Khánh cho rằng, phải thực hiện theo 3 nội dung. Thứ nhất, đối với lực lượng cán bộ hiện có, phải đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của từng cán bộ, từ đó đào tạo, bồi dưỡng thêm và theo dõi, giúp đỡ để trở thành cán bộ tốt; bố trí, chuyển vị trí phù hợp để cán bộ phát huy đúng năng lực, sở trường. Thứ hai, đối với những cán bộ lớn tuổi, làm cho có để chờ về hưu thì có chính sách cho về hưu sớm; bảo đảm đề bạt, bổ nhiệm, bầu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số có đức, có tài. Thứ ba, mạnh dạn luân chuyển cán bộ, đưa cán bộ nguồn từ cấp tỉnh về cấp huyện, từ cấp huyện về cơ sở để thử thách, rèn luyện; phát hiện, chọn cán bộ tốt ở cơ sở, từ trong dân và rút lên cấp trên để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí.
Theo PGS.TS. Vũ Thị Thanh Xuân, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức một cách toàn diện. Đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các mặt còn yếu như kiến thức, kỹ năng quản lý, tin học, ngoại ngữ, luật pháp quốc tế. Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng tăng thời lượng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thực hành, quy trình giải quyết các công việc, các tình huống phát sinh trong thực tiễn gắn với từng vị trí, chức danh cụ thể. Coi trọng việc bồi dưỡng, giáo dục ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng nền văn hóa công sở lành mạnh, nâng cao tính chuyên nghiệp hóa của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đề bạt, bổ nhiệm phải căn cứ công trạng, thành tích công tác và năng lực thực hiện công việc của cán bộ, công chức, viên chức gắn với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Bảo đảm những cán bộ, công chức, viên chức có tài năng, nhiều công trạng, thành tích xuất sắc trong công tác phải được trọng dụng và tạo cơ hội thăng tiến, phát triển. (PGS.TS. Vũ Thị Thanh Xuân, |
PHÚC LƯU – MẠNH THẮNG