Đồng chí Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ Tỉnh: Phòng ngừa, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc
Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2018 tại BR-VT diễn ra từ ngày 1-5 đến ngày 31-5 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”. Nhân dịp này, đồng chí Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo BR-VT về công tác ATVSLĐ tại BR-VT.
Đoàn kiểm tra ATVSLĐ tỉnh kiểm tra thực tế tại Trung tâm Phân phối khí Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ 1, TT.Phú Mỹ, huyện Tân Thành) |
* Phóng viên: Đề nghị đồng chí cho biết Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018 có những hoạt động chính nào?
- Đồng chí Đặng Minh Thông: Trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai Luật ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của người dân; đồng thời thúc đẩy các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai các chương trình hành động cụ thể phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động.
Theo sự phân công của UBND tỉnh, Sở LĐTBXH (cơ quan thường trực của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh) là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ như: tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các DN; tổ chức đợt kiểm tra liên ngành việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ tại 15 DN trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội thảo “Tăng cường phòng ngừa và kiểm soát yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc”; huấn luyện về ATVSLĐ; gia đình công nhân bị tai nạn lao động…
* Đồng chí đánh giá như thế nào về công tác ATVSLĐ tại BR-VT thời gian qua?
- Thời gian qua, công tác bảo đảm ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Qua thực tế các đợt thanh, kiểm tra cho thấy, các DN đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức, triển khai thực hiện quy định về ATVSLĐ. Trong đó, nhiều DN đã tăng cường công tác huấn luyện ATVSLĐ, kiểm định kỹ thuật an toàn đối với các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Việc thực hiện chế độ, chính sách về ATVSLĐ nghiêm túc hơn thông qua việc trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cá nhân, tổ chức thời giờ nghỉ ngơi và làm việc hợp lý cho người lao động… Trong những năm qua, số vụ tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh có giảm. Tuy nhiên, ngoài kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Hoạt động ATVSLĐ dù chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tình hình tai nạn lao động vẫn diễn biến khá phức tạp. Một số DN còn thờ ơ với công tác ATVSLĐ, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại. Việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về ATVSLĐ chưa nghiêm. Theo tôi, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nhận thức của một bộ phận người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ vẫn còn hạn chế.
* Trước thực trạng này, theo đồng chí cần có những biện pháp nào?
- Thực tế, việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của nhiều DN hiện vẫn còn chưa nghiêm, nhất là ở những DN vừa và nhỏ. Thậm chí, có nhiều DN thực hiện các quy định chỉ để đối phó sự kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước. Nhằm tăng cường công tác ATVSLĐ, hạn chế số vụ tai nạn lao động, cần tăng cường áp dụng các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, chủ động phòng ngừa và kiểm soát rủi ro, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATVSLĐ kết hợp với hoạt động thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATVSLĐ. Ngoài ra, cả người lao động và người sử dụng lao động cần nhận thức và làm tốt hơn công tác huấn luyện về ATVSLĐ, trong đó chú trọng cả huấn luyện lý thuyết lẫn thực hành; đồng thời từng bước xây dựng văn hóa an toàn lao động trong DN. Bên cạnh đó, các DN, đơn vị sản xuất kinh doanh cần chủ động đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại, tiên tiến và an toàn hơn, từ đó nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người lao động; cải thiện tốt điều kiện lao động.
Bên cạnh đó, DN cần phải chủ động cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức đoàn thể và người lao động triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua về ATVSLĐ trong DN và phải xác định phòng ngừa là nguyên tắc cơ bản trong thực hiện công tác ATVSLĐ hiện nay.
Thông qua các hoạt động thực tế tại DN, cơ sở sản xuất kinh doanh cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, hy vọng rằng công tác ATVSLĐ sẽ tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật xảy ra.
* Xin cảm ơn đồng chí!
TUYẾT MAI
(thực hiện)