Những người gác đèn ở Trường Sa
Tham gia cùng đoàn công tác của Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải (BĐATHH) Miền Nam đến các trạm hải đăng dịp cuối tháng 4, đầu tháng 5, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn và tinh thần quyết tâm vượt khó của những công nhân gác đèn, góp phần cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Anh Trần Xuân Tiến, công nhân Trạm hải đăng Trường Sa Lớn với công việc vệ sinh bóng đèn hải đăng. |
CUỘC SỐNG NƠI ĐẢO XA
Công ty BĐATHH Biển Đông và Hải đảo (thuộc Tổng Công ty BĐATHH Miền Nam) đang quản lý, vận hành 9 ngọn hải đăng ở các đảo tại quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và 4 nhà giàn DK1. Hiện nay, hơn 50 công nhân đang làm nhiệm vụ tại các trạm hải đăng ở khu vực quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Mỗi người mỗi cảnh, mỗi vùng miền khác nhau, nhưng khi đến Trường Sa, họ đoàn kết như anh em một nhà, ngày đêm tận tụy với công việc, bảo đảm hải đăng luôn tỏa sáng, hướng dẫn lối cho tàu thuyền đi lại an toàn trên vùng biển đảo của Tổ quốc.
Anh Trần Xuân Tiến (SN 1992, quê Thanh Hóa) được nhận vào làm việc tại Công ty BĐATHH Biển Đông và Hải đảo từ tháng 5-2017 và được phân công công tác tại trạm hải đăng An Bang. “Những ngày mới ra đảo, mỗi buổi chiều nhìn ra biển là tôi lại nhớ mẹ, nhớ anh em. Biết được tâm lý của tôi, các anh em trong trạm thường xuyên động viên, xem tôi như đứa em út trong nhà nên tôi dần quen với công việc và cuộc sống mới”, anh Tiến cho hay. Nỗi nhớ nhà vừa nguôi thì tháng 9-2017, anh nhận được tin cha bị tai nạn qua đời, nhưng không thể về quê chịu tang. Nén nỗi đau trong lòng, anh quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi hết đợt công tác, được nghỉ phép, ngày 10-1-2018, anh mới về đến quê nhà thì mộ cha đã xanh cỏ. Trở lại với công việc, anh lại nhận nhiệm vụ tại Trạm hải đăng Trường Sa Lớn từ tháng 3-2018.
Trong số 9 trạm hải đăng Trường Sa, thì cuộc sống của công nhân tại 3 trạm ở các đảo chìm: Đá Lát, Đá Tây và Tiên Nữ gặp khó khăn hơn nhiều. Trước sự tàn phá khắc nghiệt của môi trường biển, cơ sở hạ tầng của các trạm này đã xuống cấp; công nhân thiếu nước ngọt, thực phẩm nên phải trồng rau xanh, câu cá, nuôi gà, vịt để cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Đưa chúng tôi lên Trạm hải đăng Đá Lát, anh Nguyễn Công Chính (SN 1975, quê Thái Bình), công nhân của trạm dặn mọi người đi thật nhẹ nhàng bởi chân móng bê tông trạm đã bị xói lở do sóng biển; cầu thang lên tháp đèn cao hơn 40m đã gỉ sét, có đoạn mục gãy. Trên diện tích khoảng 35m2, là nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ, nấu ăn, làm việc của 4 công nhân. “Mỗi khi trời giông bão, để bảo đảm an toàn tính mạng, tôi lại đưa anh em công nhân di duyển qua nơi đóng quân của lực lượng hải quân đảo Đá Lát trú nhờ vì sợ trạm bị đổ sập”, anh Đỗ Trường Xuân (SN 1971, quê TP.Hải Phòng), Trưởng Trạm hải đăng Đá Lát cho biết.
THẮP SÁNG NIỀM TIN
Giữa biển khơi mênh mông, các ngọn hải đăng như ánh sáng soi đường cho những con tàu qua lại an toàn trong đêm, tránh đi lạc hướng hay mắc cạn tại các đảo chìm. Nó là biểu tượng của niềm tin và còn là biểu tượng khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thấu hiểu được cuộc sống, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn nơi đầu sóng, ngọn gió của các công nhân gác đèn nói riêng, các chiến sĩ bộ đội và người dân đang sinh sống, công tác tại khu vực Trường Sa nói chung, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn hướng về họ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Trong chuyến công tác tại Trường Sa ngày 27-4, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể đã đến thăm Trạm hải đăng Trường Sa Lớn. Bộ trưởng đã biểu dương tinh thần cán bộ và nhân viên Tổng Công ty BĐATHH Miền Nam trong việc khắc phục khó khăn, ngày đêm bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, thực thi quyền và nghĩa vụ quốc gia có biển đối với luật pháp quốc tế, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, các công nhân gác đèn còn nhận được sự quan tâm của hàng triệu người Việt trên mọi miền đất nước và trực tiếp từ Công ty BĐATHH Biển Đông và Hải đảo và Tổng Công ty BĐATHH Miền Nam. Hàng năm, Tổng Công ty tổ chức 7 chuyến vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống, trang thiết bị máy móc, công nhân ra đổi ca đến 13 trạm hải đăng. Những món quà mang hơi ấm, chứa đầy tình cảm nơi đất liền như tiếp sức cho những người gác đèn có thêm động lực để vượt qua khó khăn, yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Anh Trần Văn Ngữ (quê Nghệ An), Trưởng Trạm hải đăng Tiên Nữ, người đã gắn bó hơn 20 năm với các trạm hải đăng ở Trường Sa chia sẻ: “Điều kiện sống và làm việc tại các trạm hải đăng giờ đây đã được cải thiện rất nhiều khi chúng tôi ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của lãnh đạo Công ty, Tổng Công ty. Đặc biệt, từ năm 2008, sóng điện thoại đã phủ khắp các đảo ở Trường Sa, giúp chúng tôi dễ dàng liên lạc với đất liền. Công nhân giờ đây cũng đã có máy phát điện để xem tivi, có dàn karaoke để giải trí, có tủ đông để trữ thức ăn. Điều đó càng giúp chúng tôi có động lực, vững tin vào đất liền, quyết tâm bám trụ nơi biển đảo”.
Chia tay Trường Sa, ai trong đoàn chúng tôi cũng cảm nhận được sự nuối tiếc vì không có đủ thời gian để đến thăm hết các điểm đảo, nơi các chiến sĩ hải quân, công nhân gác đèn và nhân dân đang làm việc, sinh sống. Giữa biển khơi mênh mông đầy sóng gió, những giây phút gặp gỡ hiếm hoi như thế luôn đầy ắp những kỷ niệm.
Tháp hải đăng tại các đảo ở Trường Sa cao từ 30 - 42m, sàn rộng từ 35-100m2, đèn có chu kỳ chớp 10-15 giây, độ chiếu xa trên 12 hải lý. Ca trực của công nhân gác đèn kéo dài 2 tiếng, với các công việc như: Vệ sinh bóng đèn, kiểm tra thiết bị thông tin liên lạc, hệ thống điện năng lượng mặt trời… để bảo đảm đèn hoạt động liên tục từ 17 giờ 30 hôm trước đến 5 giờ 30 sáng hôm sau; nếu mùa giông bão, thời tiết xấu, ảnh hưởng đến tầm nhìn trên biển, hải đăng được thắp sáng liên tục 24/24 giờ. |
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG