.

Những chủ quan chết người khi mang thai

Cập nhật: 18:04, 13/05/2018 (GMT+7)

Ngoài những biến chứng khó có khả năng cứu chữa, thì sự thiếu hiểu biết, không tuân thủ khám sức khỏe, khám thai định kỳ là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến tai biến sản khoa gây tử vong cho cả mẹ lẫn con. Đây là vấn đề đáng lo ngại khi trong thực tế vẫn còn những trường hợp sản phụ thờ ơ, chủ quan với việc khám thai định kỳ.

Bác sĩ thăm khám điều trị cho trẻ sinh thiếu tháng tại BV Bà Rịa.
Bác sĩ thăm khám điều trị cho trẻ sinh thiếu tháng tại BV Bà Rịa.

MẤT CON VÌ MẸ CHỦ QUAN

Bệnh viện (BV) Lê Lợi mới đây đã cứu sống một trường hợp sản phụ bị vỡ tử cung nguy hiểm đến tính mạng, nhập viện vào lúc 0 giờ 40 phút ngày 9-5. Theo đánh giá của các bác sĩ, đây là trường hợp may mắn sống sót, bởi bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, tử cung đã vỡ, nhau bị bong, thai nhi tử vong lọt vào ổ bụng gây tổn thương phúc mạc, bàng quang, xuất huyết ồ ạt. Để cứu sản phụ, ngoài kíp trực đêm hôm đó, BV đã phải huy động thêm bác sĩ ngoài ca trực hỗ trợ phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân. Bác sĩ Hoàng Phước Ba, Trưởng khoa Sản, trực tiếp thực hiện ca mổ cho hay, trước đó, sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ nhưng lại không hay biết để đến BV kịp thời dù nhà chỉ cách BV chưa tới 1km, cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt người nhà mới gọi xe cấp cứu thì đã quá muộn.

Theo bác sĩ Hoàng Phước Ba, vỡ tử cung là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm có tỷ lệ tử vong mẹ và con rất cao khoảng 30-40%. Ngoài những biến chứng khó có khả năng cứu chữa, thì sự thiếu hiểu biết, chủ quan thai phụ không tuân thủ khám sức khỏe, khám thai định kỳ là nguyên nhân gây ra tử vong. Riêng trường hợp kể trên, sản phụ trước đó đã sinh mổ hai lần. Lần mang thai thứ 3 chỉ cách lần sinh thứ 2 có 3 tháng, khi vết mổ cũ chưa kịp lành. Thế nhưng trong quá trình mang thai, sản phụ không đi khám thai định kỳ để có sự hỗ trợ can thiệp sớm của bác sĩ sản khoa. Hơn nữa, do không khám thai nên thai phụ không biết được dấu hiệu và thời điểm dự kiến chuyển dạ của mình để đến BV kịp thời. 

Nhân viên y tế đo huyết áp kiểm tra sức khỏe cho thai phụ tại Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc.
Nhân viên y tế đo huyết áp kiểm tra sức khỏe cho thai phụ tại Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc.

HIỂU ĐÚNG VỀ KHÁM THAI

Trong quá trình mang thai có nhiều nhóm nguy cơ gây nên những bất lợi, thậm chí có thể gây tai biến nguy hiểm đe dọa tính mạng của người mẹ và thai nhi như gây chảy máu, tiền sản giật, sản giật… Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, tại Việt Nam, trong 7 nguyên nhân trực tiếp gây nên tử vong mẹ, băng huyết là nguyên nhân hàng đầu với 41%; sản giật, tiền sản giật là 21,3%; nhiễm khuẩn sản khoa là 16,6%; phá thai không an toàn là 11,5%. Trong số các nguyên nhân gây băng huyết, có thể kể đến rau tiền đạo; đờ tử cung; vỡ tử cung; rách âm đạo, cổ tử cung, tầng sinh môn, đứt cơ vòng. Một số bệnh lý về máu như chảy máu kéo dài, rối loạn đông máu... Tại BR-VT, trong năm 2017, toàn tỉnh có 216 ca tai biến sản khoa, trong đó băng huyết chiếm cao nhất với 208 ca, tỷ lệ 12,4% (trên tổng số ca sinh), sản giật là 5 ca, tỷ lệ 0,3%; có 4 trường hợp tử vong mẹ do tai biến sản khoa, trong đó 1 trường hợp tử vong mẹ do sản giật nặng, 1 trường hợp do người mẹ mắc bệnh xuất huyết não và 1 trường hợp bị rối loạn đông máu. Riêng trong quý I/2018, toàn tỉnh có 15 trường hợp tai biến sản khoa đều do băng huyết.

Việc các bà mẹ chủ quan trong thời kỳ mang thai mang lại nhiều yếu tố nguy cơ tử vong. Có một thực tế là hiện nay nhiều thai phụ chỉ chăm chăm đi siêu âm xem thai ngôi thuận hay ngược, xem giới tính, xem dị tật..., chứ không tuân thủ quy trình các bước khám thai định kỳ. Khảo sát của chúng tôi (PV) tại một phòng siêu âm tư nhân trên đường Lê Lợi (TP.Vũng Tàu), có khá đông thai phụ đến đây để siêu âm thai. Khi được hỏi về lý do siêu âm, phần lớn thai phụ cho biết để xem giới tính, siêu âm 4D kiểm tra dị tật… Trong đó có trường hợp dù đi siêu âm đến 4 lần nhưng chưa lần nào đi khám thai ở bác sĩ sản khoa. Những thai phụ này thường lầm tưởng khám thai là chỉ cần đi siêu âm là đủ, hoặc do ngại đến cơ sở y tế thăm khám thai định kỳ.

Nữ hộ sinh hướng dẫn sản phụ chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Lê Lợi.  Ảnh:  MINH THIÊN
Nữ hộ sinh hướng dẫn sản phụ chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Lê Lợi.

Bác sĩ Hoàng Phước Ba cho biết, siêu âm chỉ là một trong những chỉ định của bác sĩ khi thăm khám thai. Trong quá trình khám thai, ngoài siêu âm, thai phụ còn được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng gồm: Xét nghiệm tiền thai, xét nghiệm sàng lọc… nhằm phát hiện sớm, dự phòng và điều trị kịp thời những trường hợp có bệnh lý bất thường, nguy cơ rối loạn nhiễm sắc thể và các bệnh lây truyền từ mẹ sang con; đồng thời phát hiện và quản lý theo dõi các thai kỳ nguy cơ nhằm hạn chế tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.

Mỗi thai phụ nên khám thai định kỳ ít nhất 4 lần đối với thai kỳ bình thường, còn với những trường hợp nguy cơ thì cần phải theo dõi thăm khám nhiều hơn. Hay khi có những dấu hiệu bất thường như: Ra máu âm đạo, ra nước âm đạo, thai cử động bất thường, tử cung bé hơn tuổi thai... cũng nên đi khám để được điều trị kịp thời. Trong thời gian mang thai, thai phụ cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung vi chất đầy đủ, nghỉ ngơi, lao động nhẹ nhàng, tiêm phòng uốn ván đầy đủ… 

GIẢI PHÁP GIẢM TAI BIẾN SẢN KHOA

Để hạn chế tai biến sản khoa, giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh, thời gian qua, BR-VT đã củng cố, kiện toàn mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ và trẻ em từ tuyến tỉnh đến cơ sở; tăng cường công tác quản lý thai ngay từ tuyến xã, phường nhằm phát hiện sớm thai kỳ nguy cơ để có hướng xử lý và chuyển tuyến phù hợp. Đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khám thai định kỳ, nhận biết được các dấu hiệu bất thường để đến ngay cơ sở y tế và chọn nơi sinh an toàn. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên tuyển dụng, đào tạo bác sĩ sản nhi, đào tạo và đào tạo liên tục cho cán bộ y tế các tuyến về chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, giám sát hỗ trợ sau đào tạo tại các tuyến. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ; tùy theo khả năng thực tế của từng huyện có thể thực hiện được các dịch vụ mổ đẻ, truyền máu, xử lý cấp cứu tai biến sản khoa theo hướng dẫn của Bộ Y tế...

(Bác sĩ Trần Thị Luyện,
Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản tỉnh)

Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.