Nâng cao ý thức sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn
Sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác bảo đảm ATTP. Nhờ đó, công tác quản lý ATTP ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự chuyển biến tốt về nhận thức, trách nhiệm của từng đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh kiểm tra bếp ăn công nghiệp trên địa bàn huyện Tân Thành. |
NGÀY CÀNG NHIỀU CƠ SỞ THỰC PHẨM ĐƯỢC KIỂM SOÁT VỀ ATTP
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo (BCĐ) ATTP, thời gian qua, nhờ có sự quan tâm chỉ đạo về công tác bảo đảm ATTP của các cấp ủy Đảng, chính quyền nên trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể về quản lý chất lượng ATTP đã được nâng cao. Tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về ATTP từ tỉnh đến cơ sở từng bước được kiện toàn, có sự phân công, phân cấp cụ thể. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 52.372 cơ sở sản xuất, kinh doanh được đưa vào quản lý về ATTP. Cơ quan quản lý, BCĐ ATTP các cấp đã tổ chức hướng dẫn quy trình, giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở để đưa vào hoạt động theo quy định của pháp luật.
Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP được tăng cường. Những trường hợp vi phạm bị xử lý nghiêm qua đó hạn chế được thực phẩm không đạt chất lượng. Riêng trong năm 2017, các đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra được 8.875 cơ sở, xử phạt 243 cơ sở, tăng so với năm 2016, với tổng số tiền phạt khoảng 1,1 tỷ đồng.
Một số cấp ủy địa phương đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, trực tiếp công tác ATTP. Chẳng hạn, tại TP. Vũng Tàu, lãnh đạo Thành ủy tham gia chỉ đạo trực tiếp các đợt thanh, kiểm tra “truy quét thực phẩm bẩn”. Bác sĩ Phạm Văn Lưu, Trưởng Phòng Y tế TP.Vũng Tàu cho biết, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, rốt ráo của Bí thư Thành ủy, đặc biệt là vào những dịp cao điểm, “điểm nóng”, công tác thanh kiểm tra ATTP được tăng cường kể cả ngoài giờ hành chính, ngày lễ, cuối tuần. Kết quả kiểm tra sau mỗi đợt đều được báo cáo nhanh đến Bí thư nắm bắt và có sự chỉ đạo xử lý, điều chỉnh kịp thời.
Bên cạnh đó, các mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi an toàn, xây dựng xã, phường, thị trấn kiểm soát điểm ATTP kinh doanh thức ăn đường phố đã góp phần tạo thêm nhiều địa chỉ uy tín về ATTP cho người tiêu dùng.
TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG VỚI ATTP
Nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với vấn đề ATTP, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Kết luận số 11-KL/TW của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI. Mục tiêu cụ thể của Chương trình là đến năm 2020, toàn tỉnh có 96% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm sản được kiểm tra, cấp chứng nhận đáp ứng quy định về điều kiện ATTP; 95% bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, nước uống đóng chai, nước đá do cấp tỉnh và huyện, thành phố quản lý đáp ứng quy định về ATTP; 100% chợ loại 1, siêu thị, các chợ huyện, chợ thuộc các xã nông thôn mới kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng…
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Chương trình đề ra 3 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội đối với công tác bảo đảm ATTP; đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền giáo dục, tạo sự chuyển biến thực sự về ATTP; nâng cao năng lực và chất lượng quản lý Nhà nước về ATTP.
Triển khai Chương trình hành động, bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo ATTP tỉnh cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý về ATTP, các sở, ban, ngành, địa phương vừa phải đẩy mạnh tuyên truyền về ATTP, vừa nghiêm túc triển khai thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động nói trên phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý ATTP, và trách nhiệm của chủ các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Bài, ảnh: MINH THIÊN