.

Tăng quy mô nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục: Nên mừng hay lo?

Cập nhật: 18:36, 09/04/2018 (GMT+7)

Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi về cơ chế hoạt động trường mầm non (MN) tư thục vừa được Bộ GD-ĐT công bố, quy mô của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập có thể tăng từ 50 lên đến tối đa 70 trẻ. Nhiều phụ huynh lo lắng về việc này, tuy nhiên đại diện các cơ sở, cơ quan quản lý giáo dục lại cho rằng chủ trương này là phù hợp với tình hình thực tế.

Trong điều kiện các trường MN công lập chưa đủ, các cơ sở MN ngoài tư thục đã góp phần giải quyết nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.  Trong ảnh: Một giờ học của trẻ tại Trường MN Ánh Dương (TP. Vũng Tàu). Ảnh: KHÁNH CHI
Trong điều kiện các trường MN công lập chưa đủ, các cơ sở MN ngoài tư thục đã góp phần giải quyết nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.
Trong ảnh: Một giờ học của trẻ tại Trường MN Ánh Dương (TP. Vũng Tàu).

KHÔNG ÍT BĂN KHOĂN

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Quy chế tổ chức và hoạt động trường MN tư thục để lấy ý kiến. Một trong những điểm đáng chú ý là quy định về quy mô của các nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Theo đó, thay vì được nhận tối đa 50 trẻ như quy định hiện hành, dự thảo lần này cho phép các cơ sở được nhận tới 70 trẻ.

Thông tin này khiến khá nhiều phụ huynh lo lắng. Chị Hoàng Thị Xuân (trú tại phường 7, TP. Vũng Tàu) chia sẻ: “Vợ chồng tôi đang gửi con tại một lớp mẫu giáo gần nhà. Tại đây có tổng số 50 trẻ, mỗi nhóm từ 10-15 trẻ nên các bé được chăm sóc khá tốt. Tuy nhiên, trước thông tin các lớp có thể tăng lên 70 trẻ, tôi lo rằng khối lượng công việc của GV tăng lên, việc trông nom, dạy dỗ các cháu sẽ không được như trước”. Còn chị Trần Kim Huệ (trú tại phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) cũng bày tỏ: “Ở một số nhóm, lớp tư thục, cơ sở vật chất còn hạn chế nhưng nếu được phép, chủ cơ sở sẽ vẫn nhận thêm trẻ vì lợi nhuận. Như thế, điều kiện học tập của trẻ sẽ không được bảo đảm”.

NHIỀU Ý KIẾN TÁN THÀNH

Trái ngược với sự lo ngại của phụ huynh, lãnh đạo các trường MN công lập, chủ cơ sở và cơ quan quản lý giáo dục lại tán thành chủ trương này. Cô Nguyễn Thị Thanh Liêm, Hiệu trưởng Trường MN Phú Mỹ (huyện Tân Thành), cho rằng, một số phụ huynh băn khoăn do chưa hiểu rõ khái niệm quy mô nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, còn nhầm lẫn với số HS trong một phòng học. Cô Liêm nhấn mạnh, “nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục” không phải là nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trong trường MN. Đây là một cơ sở giáo dục MN độc lập, giống như nhà trường, nhưng không đủ điều kiện về cơ sở vật chất và bộ máy quản lý để thành lập trường. Cơ cấu của mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, có thể chia thành một số nhóm, lớp nhỏ hơn. Như vậy, việc tăng quy mô nhóm, lớp tư thục độc lập không có nghĩa là số trẻ trong một phòng học lên tới 70 trẻ. “Hiện nay, quy mô trường lớp của các cơ sở giáo dục MN công lập chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Vì vậy, cùng với các trường MN ngoài công lập, hệ thống nhóm, lớp mẫu giáo độc lập đã góp phần không nhỏ vào việc giảm áp lực cho trường công, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ để phụ huynh yên tâm công tác. Thực tế, tại nhiều địa bàn như khu đô thị, khu công nghiệp, khu đông dân cư... nhu cầu gửi trẻ rất cao, vượt quá quy định về số trẻ. Do đó, việc tăng số lượng trẻ trong các nhóm, lớp mẫu giáo độc lập là phù hợp, góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trong thực tiễn”, cô Liêm nhận định.

Trước thông tin này, chủ các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập cũng đồng tình. Bà Lại Thị Tuyến, chủ cơ sở MN Hoa Mai-Phúc Thảo (phường 10, TP.Vũng Tàu) cho biết, nhiều cơ sở đủ điều kiện trông giữ trẻ với quy mô lớn hơn nhưng vẫn phải hạn chế ở con số 50 trẻ theo quy định của Bộ GD-ĐT. Nếu quy mô nhóm, lớp tư thục độc lập tăng lên, các cơ sở sẽ có thêm nguồn thu để có thể đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, tăng nhân sự. Khi quy mô tăng, các cơ sở cũng phải cân đối lại cơ cấu nhóm lớp cho phù hợp để bảo đảm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, tạo niềm tin cho phụ huynh.

Học sinh Trường MN Anh Đào (huyện Tân Thành) trong giờ vui chơi. Ảnh: TUỆ LÂM
Học sinh Trường MN Anh Đào (huyện Tân Thành) trong giờ vui chơi.
Ảnh: TUỆ LÂM

TĂNG QUY MÔ NHƯNG PHẢI BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG

Bà Hà Thị Thanh Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT cũng khẳng định chủ trương trên là phù hợp với nhu cầu của xã hội, đáp ứng nhu cầu phụ huynh và tạo thuận lợi cho chủ đầu tư khai thác hết công suất của cơ sở vật chất nhóm, lớp. Dù quy mô tăng nhưng các nhóm, lớp tư thục độc lập vẫn phải tuân thủ quy định về diện tích phòng học, sĩ số, mật độ trẻ. Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định mỗi cơ sở nhóm, lớp phải có một tổ trưởng chuyên môn. Tổ trưởng chuyên môn phải có bằng tốt nghiệp từ trung cấp sư phạm MN trở lên, có ít nhất 2 năm công tác liên tục trong giáo dục MN; đảm bảo sức khỏe, tiêu chuẩn nghề nghiệp GV MN theo quy định. Đây là những điều kiện để bảo đảm chất lượng giáo dục khi tăng quy mô nhóm, lớp.

Bà Hà Thị Thanh Thuận cũng cho biết thêm, để chuẩn bị cho những thay đổi trong thời gian tới, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo phòng GD-ĐT các huyện, thành phố tiến hành rà soát, định hướng phân luồng chiêu sinh cho năm học tới; phối hợp với UBND các phường, xã giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục MN căn cứ các quy định của pháp luật. Thời gian tới, các nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục vượt quá quy định về số trẻ sẽ được hướng dẫn thủ tục thành lập trường hoặc buộc phải giảm số trẻ theo quy định. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các địa phương cần quản lý chặt chẽ các cơ sở MN ngoài công lập để bảo đảm an toàn cho trẻ và nâng cao chất lượng giáo dục.

Hiện nay, toàn tỉnh có 333 cơ sở MN tư thục, với 32.007 HS, chiếm 45,6% tổng số HS trong độ tuổi MN đến trường. Trong số đó, có 116 cơ sở độc lập tư thục vượt quá quy định về số trẻ. Cụ thể: TP. Vũng Tàu 53 cơ sở, huyện Tân Thành 21 cơ sở, Châu Đức 16 cơ sở, Xuyên Mộc 7 cơ sở, TP. Bà Rịa 4 cơ sở, Đất Đỏ 2 cơ sở.

HOÀNG DƯƠNG

.
.
.