.

Liên tiếp xảy ra cháy rừng

Cập nhật: 19:31, 03/04/2018 (GMT+7)

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy 6 vụ cháy rừng. Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc người dân bất cẩn khi sử dụng lửa ở khu vực có rừng.

1 THÁNG XẢY RA 6 VỤ CHÁY RỪNG

Vụ cháy rừng lớn gần đây xảy ra vào 13 giờ 35 phút ngày 7-3-2018, tại khoảnh 1, khu vực núi Nứa (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu). Sau hơn 4 tiếng đồng hồ, lực lượng chữa cháy gần 100 người mới dập tắt được lửa. Vụ cháy rừng gây thiệt hại hơn 2ha rừng phục hồi tại xã Long Sơn. Cũng trong tháng 3-2018, tại đồi A3 (phường 11, TP.Vũng Tàu) cũng đã xảy ra cháy, gây thiệt hại 1.400m2 rừng. 

Như vậy, chỉ trong chưa đầy 1 tháng, toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy rừng. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nguyên nhân của các vụ cháy này đều là do người dân chưa có ý thức phòng chống cháy rừng, thường xuyên sử dụng lửa bất cẩn ở khu vực rừng. Các hoạt động dễ gây cháy nhất là đốt nương, lấy tổ ong.

Theo ông Phạm Việt Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP.Vũng Tàu, hơn 3.000ha rừng của địa phương nằm xen lẫn với khu dân cư nên có rất nhiều đường dân sinh băng qua. TP.Vũng Tàu lại thu hút nhiều khách du lịch nên việc quản lý, bảo vệ rừng rất khó khăn. Nhiều người dân chưa ý thức hết của việc phòng, chống cháy rừng. Họ thường xuyên tập kết rác thải dễ cháy như túi ni lông, lông gia cầm, giấy… ngay trong và ven rừng. Thời tiết nắng nóng, chỉ cần một mồi lửa nhỏ cũng có thể gây cháy rừng. Hậu quả là chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn TP.Vũng Tàu đã xảy ra 3 vụ cháy, gây thiệt hại khoảng 2,5ha rừng.

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc), tình hình còn phức tạp hơn. Xung quanh khu bảo tồn có nhiều rẫy của người dân. Hầu hết các hộ chưa chú ý đến an toàn trong xử lý thực bì. Ven khu bảo tồn có nhiều điểm du lịch sinh thái mà khách tham quan thường dựng lều, đốt lửa trại nên rất dễ gây cháy rừng.

Lực lượng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu tuần tra, canh gác rừng.
Lực lượng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu tuần tra, canh gác rừng.

TUYÊN TRUYỀN CHƯA HIỆU QUẢ

Trong phòng chống cháy rừng, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân là rất quan trọng. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên, vẫn chưa đem lại hiệu quả thiết thực. Ý thức, kiến thức phòng chống cháy rừng của người dân ở một số địa phương vẫn chưa cao. Do đó, tình trạng cháy rừng vẫn thường xuyên xảy ra. Qua khảo sát, tại TP.Vũng Tàu, huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, một số địa điểm trong, ven rừng vẫn còn tình trạng đốt rác thải, dễ gây cháy lan. Nhiều đoàn khách du lịch vẫn lên núi ăn uống, đốt lửa trại. Tình trạng người dân vào rừng đốt tổ ong, đốt rẫy làm nông nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên.

Do có nằm xen kẽ với khu dân sinh, phát sinh nhiều rác thải sinh hoạt, TP. Vũng Tàu thường xuyên xảy ra cháy rừng. Trong ảnh: Một điểm tập kết rác dễ gây cháy trên đường Lê Ngọc Hân, nơi tiếp giáp với khu rừng phòng hộ Núi Lớn.
Do có nằm xen kẽ với khu dân sinh, phát sinh nhiều rác thải sinh hoạt, TP. Vũng Tàu thường xuyên xảy ra cháy rừng.
Trong ảnh: Một điểm tập kết rác dễ gây cháy trên đường Lê Ngọc Hân, nơi tiếp giáp với khu rừng phòng hộ Núi Lớn.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đang là cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy rừng rất lớn. Do đó, nhằm thực hiện tốt công tác phòng cháy, các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức; vận động đơn vị kinh doanh du lịch, quần chúng nhân dân sống ven rừng cam kết thực hiện tốt các quy định bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu các Hạt Kiểm lâm tham mưu chính quyền địa phương có các biện pháp tuần tra, kiểm soát quyết liệt hơn: Cấm việc sử dụng lửa, mang chất dễ cháy vào rừng; làm việc với các cơ sở thờ tự trong và ven rừng quy định việc đốt hương, vàng mã. Tăng cường tuần tra, canh gác rừng, để loại bỏ các nguy cơ có thể xảy ra cháy rừng. Đồng thời, khi có sự cố cháy rừng phải xác định rõ nguyên nhân, các đối tượng có liên quan để xử lý vi phạm.

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.