.
KỶ NIỆM 108 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8-3 (8-3-1910 – 8-3-2018) VÀ 1978 NĂM CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG:

Tạo sự bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ

Cập nhật: 18:41, 05/03/2018 (GMT+7)

Bình đẳng giới nhìn từ góc độ vị thế, vai trò của người phụ nữ ở nước ta trong nhiều thập kỷ qua đã có bước chuyển biến tiến bộ vượt bậc trên mọi phương diện, nhưng vẫn còn đó không ít vấn đề cần được tiếp tục quan tâm.

Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, tặng hoa, quà cho Mẹ Việt Nam  Anh hùng La Thị Biên (xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức).
Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, tặng hoa, quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng La Thị Biên (xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức).

Hàng ngàn năm nhân dân ta phải sống trong cảnh nô lệ, lầm than, trong đó,  tủi nhục và cùng cực nhất vẫn thuộc về thân phận người phụ nữ. Không chỉ bị xã hội coi thường, khinh bỉ, đối xử thậm tệ, mà trong gia đình và xã hội họ không có bất kỳ một chỗ đứng nào. Phụ nữ không còn con đường nào khác là phải tuân theo khuôn phép khắt khe, bất công do xã hội áp đặt và không mảy may được quyền quyết định dù đó là những điều sơ đẳng nhất của một con người.

Cách mạng thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Vấn đề bình đẳng giới, trong đó vai trò, vị thế của phụ nữ được ghi nhận trang trọng trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta “phụ nữ được đứng ngang hàng với đàn ông”, “có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa và gia đình”. Từ đó, phụ nữ bắt đầu được giải phóng mọi xiềng xích, có điều kiện và cơ hội vươn lên làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ xã hội. Và trong cuộc đấu tranh dành chính quyền,  hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, phụ nữ đã sánh cùng với nam giới đóng góp to lớn sức lực, trí tuệ trên lĩnh vực chính trị, lao động sản xuất, phục vụ chiến đấu, chiến đấu, xứng đáng lời khen của Bác: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Đánh đông dẹp bắc làm gương để đời”.  Hàng vạn phụ nữ đã đóng góp xương máu cho sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc; hơn 90 ngàn bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng; nhiều phụ nữ được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực Lượng vũ trang, Anh hùng Lao động và đã có phụ nữ trở thành tướng lĩnh trong Quân đội Nhân dân.

Khi Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 được thông qua và có hiệu lực thì khoảng cách về giới, trong đó phụ nữ được hưởng những điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện quyền, được hưởng thụ  tương xứng với những thành quả phát triển của đất nước và được tự do thể hiện vai trò của mình ngày càng đầy đủ hơn. Phụ nữ hôm nay đã cùng nam giới có mặt, hoạt động và cống hiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Nếu “Đàn ông xây nhà” thì  phụ nữ lại là người “xây tổ ấm”. Người phụ nữ  trở thành mấu chốt trong giữ ngọn lửa hạnh phúc gia đình và là chỗ dựa tinh thần không thể thay thế của chồng con. Với thiên chức làm mẹ, làm vợ họ dành trọn tình cảm của mình chăm sóc, nuôi dưỡng, làm người thầy đầu tiên giáo dục nhân cách, phẩm giá cho con cái và thật đáng khâm phục vì “đằng sau sự thành công của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng của người phụ nữ”. Phụ nữ hôm nay không chỉ “đảm việc nhà” mà họ còn “giỏi việc nước”, không chỉ là “bà nội tướng” mà họ còn tham gia mọi hoạt động chính trị, xã hội. Lần đầu tiên trong Bộ Chính trị phụ nữ chiếm 15,7%;  trong Ban Chấp hành Trung ương  nữ giới chiếm 10%; đại biểu Quốc hội nữ chiếm 24,2%; nhiều phụ nữ đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, tổ chức đảng, chính quyền địa phương các cấp và cũng là lần đầu tiên phụ nữ nắm giữ trọng trách 1 trong 4 vị trí lãnh đạo đứng đầu đất nước. Lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, công nghệ, thể dục, thể thao phụ nữ đã có đóng góp to lớn. Bậc THPT học sinh nữ chiếm 53,54%; bậc ĐH sinh viên nữ đã vượt số lượng sinh viên nam. Số lượng nữ tốt nghiệp ĐH chiếm 36,24% ; thạc sỹ là nữ chiếm 30,95%, tiến sỹ là 25,69%; hàng ngàn phụ nữ được phong hàm Phó Giáo sư, Giáo sư, được nhận những giải thưởng khoa học danh giá; nữ vận động viên dành thứ hạng cao trong thi đấu thể thao cấp quốc gia, quốc tế tăng nhanh và có xu hướng ngày càng vượt trội so với nam giới. Lao động nữ hiện chiếm khoảng 49% thị trường lao động cả nước, trong đó lĩnh vực GD-ĐT phụ nữ chiếm 69%, lĩnh vực KH-CN chiếm 40%; phong trào phụ nữ khởi nghiệp đang lan rộng, hiện nữ là chủ DN chiếm 31,6%  trong tổng số DN cả nước, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động, trong đó  nhiều phụ nữ  xây dựng  DN đủ sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới. Năm 2016, Việt Nam xếp thứ 65/144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới được Liên hợp quốc đánh giá cao sự tiến bộ vượt bậc và bình đẳng giới là 1 trong 3 mục tiêu thiên niên kỷ chúng ta hoàn thành trước thời hạn.

Tự hào “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp rực rỡ”, truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” và thành tựu thực hiện bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ ở nước ta trong nhiều chục năm qua. Nhưng bình đẳng giới vẫn tồn tại trên nhiều lĩnh vực mà phần lớn thiệt thòi vẫn nghiêng về phía phụ nữ. Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn ăn sâu vào suy nghĩ, nếp sống và tồn tại dai dẳng trong xã hội gây ra nhiều hệ lụy cho phụ nữ, trẻ em nữ; tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình mà trong đó trước hết người phụ nữ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất; cơ hội có việc làm ở phụ nữ ít hơn nhưng nguy cơ bị sa thải, thất nghiệp lại lớn hơn nhiều  so với nam giới; lương trung bình của phụ nữ theo thống kê năm 2016 là 4,82 triệu đồng thì nam là 5,48 triệu đồng; việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ở phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế; điều kiện học tập và cơ hội thăng tiến của phụ nữ đang bị cản trở bởi nhiều rào cản: Sự đánh giá không đúng khả năng, sự thành kiến, tư tưởng hẹp hòi với giới nữ trong một bộ phận gia đình, lãnh đạo các cấp, các ngành; tỷ lệ  nữ trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp chưa tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ…

Để giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ, trách nhiệm trước hết thuộc về Đảng và cả hệ thống chính trị, của Hội Phụ nữ các cấp cũng như toàn xã hội, nhưng vấn đề then chốt, có tính quyết định là phụ nữ phải vươn lên tự giải phóng mình như lời Bác dặn: “không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng phụ nữ mà tự mình phải tự cường đấu tranh”, không “ ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải xóa bỏ tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý thức tự cường, tự lập, phải nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật…”.

NGUYỄN QUANG PHI

 
.
.
.