Vun vén cho Tết đủ đầy
Cuộc sống hiện đại, dù phong tục, lễ nghi bây giờ đã đơn giản hơn trước, nhưng những ngày cận Tết vẫn là thời gian vất vả với chị em phụ nữ, khi vừa phải sắp xếp công việc, vừa lo chuyện sắm sanh ngày Tết.
Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chị Kim Loan, kế toán trưởng của một DN (hiện ở 479/2/6, Trương Công Định, TP.Vũng Tàu) rủ bạn đi mua sắm bánh kẹo để mang về quê (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) cúng Tết. Chị ghé tiệm tạp hóa lớn trên đường Kha Vạn Cân vì hàng hóa đa dạng và giá rẻ hơn so với nhiều cửa hàng khác. Chị cẩn thận chọn những gói bánh, kẹo có nhiều màu sắc khác nhau để mâm cúng ông bà thêm đẹp trong mấy ngày Tết. Chị nói: “Ba mẹ chồng mất đã lâu nên hàng năm gia đình tôi thường về ngoại ăn Tết. Ở thành phố có nhiều bánh kẹo ngon, mẫu mã đẹp, phong phú nên năm nào tôi cũng được anh em bên ngoại nhờ mua giùm. Để không bị thiếu, tôi thường lên danh sách các món cần mua trước khi đến cửa hàng”, chị Loan nói. Mua xong, chị đóng gói chở về quê trước để gia đình có bánh kẹo dâng cúng ông bà, tổ tiên. “Ngày 27 tháng Chạp, gia đình tôi sẽ về quê chồng (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành), thắp nhang cho ba mẹ chồng rồi mùng 1 Tết sẽ về quê ngoại”, chị Loan cho hay.
Chị Đàm Thị Thiên Lý (69/40/12A, Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu) có chồng làm lái xe cho một DN. Cuối năm, công việc của anh bận rộn, cô con gái duy nhất đã có gia đình riêng nên mọi việc từ công tác đối nội, đối ngoại đến dọn dẹp nhà cửa, sắm Tết đều một tay chị lo liệu. Từ 20 tháng Chạp, chị đã mua chậu lan hơn 3 triệu đồng về chưng nơi phòng khách. Chị dự tính mua thêm mấy bình hoa ly vừa để cúng, vừa để chưng cho đẹp. Khoảng 28 Tết, chị sẽ mua thêm chậu mai vàng và một số loại trái cây chưng mâm ngũ quả nữa là đủ. “Mấy chị em trong nhà mua chung con heo lai rừng, ngày 29 Tết sẽ mổ lấy thịt gói bánh chưng, bánh tét, làm giò thủ; dưa kiệu thì đã muối từ sau rằm tháng Chạp. Tôi cũng vừa đặt một số loại mứt và giò bê do các chị em trong công ty làm. Hàng sẽ được giao từ 27, 28 Tết, vậy là cũng đủ rồi”, chị Thiên Lý nhẩm tính.
Tết năm nay, niềm vui nhân lên khi gia đình chị Ngọc Oanh (36/11, Nguyễn An Ninh) vừa dọn về ngôi nhà mới. Từ một tỉnh miền Trung vào Vũng Tàu lập nghiệp, chồng chị làm việc cho một công ty bảo vệ, còn chị làm giáo viên. Dành dụm suốt hơn 10 năm và vay mượn thêm, vợ chồng chị mới mua được căn nhà này. “Tết này, hai vợ chồng được thưởng gần 20 triệu đồng. Tôi để ra một khoản cho quỹ trả nợ, mua cho con 2 bộ đồ mới, còn lại sắm Tết. Để tiết kiệm và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tranh thủ những lúc rảnh, tôi tự làm tôm khô, bò khô, chả giò, giò thủ và một số loại mứt. Từ đầu tháng Chạp, tôi đã mua giấy dán hình hoa mai, cá chép, chọn mấy chùm đèn nhấp nháy về trang trí, sắm một bình hoa đặt vào phòng khách cho ngôi nhà mới thêm sinh động”, chị Oanh chia sẻ.
Chị Kim Loan (bên phải) chọn mua bánh kẹo, mứt Tết. |
Những ngày cuối năm, chị em phụ nữ dường như ai cũng bận rộn hơn với việc nhà, việc xã hội. Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, mỗi người vẫn cố gắng tính toán, thu vén sao cho gia đình có một cái Tết cổ truyền vừa ấm cúng, đủ đầy lại tiết kiệm và ý nghĩa. “Cuộc sống hiện đại, chị em phụ nữ càng thể hiện vai trò khéo léo của mình khi vừa sắp xếp công việc cơ quan, vừa lo việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa, tranh thủ sắm Tết. Theo tôi, chị em nên khéo léo sắp xếp những công việc phù hợp cho chồng, con cùng làm như trang trí, dọn dẹp nhà và sắm Tết. Việc này vừa giúp chị em bớt vất vả, vừa tạo sự gắn kết, trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình. Và, cái Tết nhờ đó cũng ý nghĩa hơn với mỗi người”, chị Lý nói.
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN