.

"Dọn lòng" đón năm mới

Cập nhật: 10:09, 09/02/2018 (GMT+7)
Minh họa của MINH SƠN.
Minh họa của MINH SƠN.

Còn vài ngày nữa là đến Tết Mậu Tuất. Vòm cây bên đường từng ngày lặng lẽ trút đi những chiếc lá cằn cỗi. Rồi một sớm mai, mở mắt dậy, ngước nhìn lên trời xanh, ta đã thấy lộc mới tươi non chi chít như sao trời vừa nhú. 

Thiên nhiên đã tự “dọn lòng” để chào đón ngày mới, mùa mới theo quy luật tuần hoàn ngàn đời vạn kiếp. Còn chúng ta thì sao? Có lẽ những ngày cuối năm cũng là lúc “về thu xếp lại”, loại bỏ những gì đã cũ để từng ô, ngăn của đời sống thông thoáng hơn.

Nhìn qua kia, thừa biết tủ chứa quần áo đã đầy, có lúc mở tủ chọn lấy cái áo, cái quần cho phù hợp cuộc tiệc tùng, họp hành nào đó mà nhiều lần đứng thừ người chẳng biết chọn thế nào. Sáng Chủ nhật, lấy hết mọi thứ ra, sắp xếp, phân loại, đặt riêng từng phần. À, cái này còn mới, sang năm mặc lại. Những cái đã cũ, hôm nào gửi về quê cho người nghèo. Có lúc nhìn những vật dụng cũ mà lòng bồi hồi. Chiếc áo này, đôi vớ nọ, cà vạt kia chẳng nhớ ai đã tặng hay mình đã mua nhân dịp nào? Biết đâu có thể do cô người yêu tặng. Nói khẽ thôi, cô ấy ngày xưa mình yêu lắm nay đã có chồng, định cư nước ngoài, chẳng biết hiện nay sống ra sao? 

Nghĩ thế, bất giác buột miệng hát vu vơ: “Mắt biếc năm xưa nay đâu…”. Chỉ dám hát khe khẽ trong cuống họng, nhỡ vợ nghe được mà đoán hiểu nỗi niềm bấy lâu giấu kín trong lòng thì mệt. Sợ vợ đến thế là cùng, nghĩ thế bèn tủm tỉm cười. Rồi, bước xuống bếp. Chao ôi, bao nhiêu thứ cũ kỹ, lỉnh kỉnh chật một góc nhà vậy mà lâu nay chẳng hề gai mắt chút nào. 

Cứ như thế, cả một ngày sắp xếp lại, tự mình thấy rằng, phải loại bỏ đi những gì không cần thiết. Có thể bán ve chai, cũng có thể đem cho nhà hàng xóm như san sẻ tình cảm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”. Cô bé nghèo bên cạnh nhà, nhận lấy con búp bê đã cũ, những trang sách đã nhàu mà mắt sáng rực, cảm ơn rối rít, tự dưng trong lòng thật cảm động. Mình cảm thấy dường như ánh nắng tốt tươi hơn mọi ngày. Những chia sẻ ấy, chẳng to tát gì nhưng rồi từ người cho đến người nhận đều hân hoan, sung sướng chẳng khác gì nhau. Khi đã cho đi nhiều thứ, trong nhà dường như thoáng đãng hơn đấy chứ? Mà cũng phải thôi, ngày cuối năm rồi, phải dọn dẹp lại mọi thứ cho ngăn nắp.

Ý thức “về thu xếp lại” như thế vẫn chưa đủ. Tôi xin kể một câu chuyện: Có một bà quý phái nọ than phiền cái khăn tay của bà rất đẹp nhưng bị vấy mực đen sì, chẳng biết làm thế nào để chiếc khăn trở lại như xưa. Bỏ đi thì không nỡ, xuýt xoa tiếc rẻ nhưng giữ lại bà vẫn không ưng ý lắm. Một họa sĩ bảo hãy đưa chiếc khăn tay ấy và không nói thêm lời nào. Ngày hôm sau, nhận lại chiếc khăn, bà không tin vào mắt mình, nơi vết mực xấu xí ấy, chàng họa sĩ đã biến thành một bức tranh tuyệt mỹ. Thế đấy, có những thứ tưởng đã vứt đi nhưng nếu khéo léo có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật để đời. 

Qua mẩu chuyện này, ta thử soi rọi lại lòng mình, có phải ngay bây giờ, trong lúc này, nhớ đến một gương mặt, sự việc nào đó thì lòng mình lập tức ghét bỏ? Sự ghét bỏ ấy cũng như vết mực trên bức tranh kia, có thể thay đổi được chứ? Đó là điều có thể, nếu mỗi chúng ta biết nhìn lại bằng tấm lòng nhân ái hơn, khoan dung hơn. 

“Về thu xếp lại” cũng là lúc “dọn lòng” của chính mình, loại bỏ đi những tị hiềm ganh ghét nhỏ nhoi đã giăng mắc ngày này qua tháng nọ. Sự u ám ấy, sao không gạt bỏ đi cho nhẹ lòng? Mà trong lòng mỗi chúng ta, sự ngổn ngang ấy, đừng nói thánh nói tướng làm gì, vẫn còn nhiều lắm. Có điều dù đã nhìn ra nhưng có dám sắp xếp lại hay không là chuyện khác.

Nói thêm điều này, chẳng phải là một “triết lý” sâu xa gì nhưng có thể gợi nhiều điều suy ngẫm. Một đứa trẻ rong chơi gần vách núi và ngẫu nhiên hô to: “Ơi”. Lập tức nghe vọng đến tiếng “Ơ…i… ơi”. Nó ngạc nhiên quá, nhìn quanh quất chẳng thấy ai nên gọi to, hỏi lại: “Ngươi là ai?”. Liền nghe tiếng trả lời: “Ngươi là ai?” như trêu chọc. Nó giận dữ trả đũa: “Ngươi là thằng điên”. Lập tức có tiếng trả lời: “Ngươi là thằng điên”. Giận sôi gan, nó về nhà hỏi mẹ và than phiền. Người mẹ từ tốn giải thích đó chỉ là tiếng vọng của chính nó: “Con hãy nhớ rằng, thái độ cư xử của kẻ khác đối với con luôn là tiếng dội lại thái độ của con”. 

Đạo Phật có từ “chấp mê” hiểu theo nghĩa là “khư khư cầm, nắm, giữ cái mối mê muội, lầm lạc”. Vâng, đó là những gánh nặng lâu nay chất chứa trong lòng, sao ta lại không buông, không trút bỏ vì tự nó đã dội lại trong tâm biết bao phiền muộn?

Đã cuối năm rồi. Đã sắp bước sang mùa mới, nắng mới, tình người cũng mới. Và lúc gặp nhau, mọi người thường chúc tụng nhau những lời tốt đẹp nhất. Muốn cùng cảm nhận được từng lời chúc ấy, từ người nói đến người đón nhận phải thoát ra ngoài sự “chấp mê”. Có như thế, mới là sự chân thành lúc kết nối, gắn kết tình người trong nhịp sống hằng ngày.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.