.

Đời sống công nhân tại các KCN: Những khoảng trống cần được lấp đầy

Cập nhật: 19:09, 09/01/2018 (GMT+7)

BR-VT có hơn 45.000 công nhân lao động (CNLĐ) làm việc tại 9 KCN. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất, các công trình phúc lợi, nhà ở, nhà trẻ, thiết chế văn hóa phục vụ đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ đang là những khoảng trống cần được lấp đầy. 

BỨC BÁCH NHU CẦU NHÀ TRẺ

Tình trạng thiếu nhà trẻ khiến CNLĐ khó khăn trong việc tìm chỗ gửi con đã diễn ra từ nhiều năm nay. Thống kê của Công đoàn các KCN cho thấy, trong số 45.000 CNLĐ, có 46,8% là nữ và 70% đang ở tuổi sinh đẻ, phần lớn là người ngoại tỉnh. Hiện nay, có đến 6.500 trẻ trong độ tuổi MN, mẫu giáo là con CNLĐ tại các KCN. Số lượng trẻ đông, trong khi các trường MN công lập gần KCN lại luôn quá tải nên CNLĐ buộc phải gửi con vào trường MN tư thục, nhóm trẻ gia đình với mức học phí cao, tạo thêm sức ép về đời sống. 

Khảo sát tại một số địa bàn tập trung đông CNLĐ như: phường Rạch Dừa (TP.Vũng Tàu), xã Tân Phước, TT. Phú Mỹ và TT.Mỹ Xuân (huyện Tân Thành)… chúng tôi nhận thấy, có rất nhiều nhóm trẻ, lớp MN tư thục có quy mô nhỏ lẻ, tự phát đang tồn tại. Nhiều cơ sở diện tích chật chội không bảo đảm điều kiện chăm sóc, giáo dục cho trẻ nhưng giá học phí khá cao (phổ biến từ 800 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng). Chẳng hạn cơ sở MN Đ.P. ở đường 30-4 (phường 10, TP.Vũng Tàu) đang có khoảng 40 trẻ theo học, trong đó nhiều trẻ là con của công nhân ở KCN Đông Xuyên. Cơ sở MN được cải tạo từ căn nhà ở có diện tích khoảng 100m2, nên không đủ để bố trí không gian vui chơi cho trẻ.

Một lớp học tại cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn phường 10, TP.Vũng Tàu - nơi chăm sóc nhiều trẻ là con của công nhân đang làm việc ở KCN Đông Xuyên.
Một lớp học tại cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn phường 10, TP.Vũng Tàu - nơi chăm sóc nhiều trẻ là con của công nhân đang làm việc ở KCN Đông Xuyên.

Tương tự, cơ sở MN tư thục B.M. ở đường Nơ Trang Long (phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) cũng được cải tạo từ căn nhà ở, nhận trông giữ 30-40 trẻ. Nơi này thường xuyên khóa kín cửa, thiếu ánh sáng, chỉ phụ huynh có con học mới được vào. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, công nhân may giày da tại Công ty TNHH Sản xuất giày Uy Việt (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) cho biết: Chị đang gửi con 5 tuổi ở trường MN B.M, mức học phí 1,3 triệu đồng/tháng, cao gần gấp đôi so với trường công lập. Dù chi phí cao, nhưng chị Nguyệt vẫn phải chấp nhận gửi con vì vợ chồng chị chưa có hộ khẩu tại TP.Vũng Tàu, không thuộc diện ưu tiên gửi con ở trường công lập.

Tình trạng thiếu trường MN tại các địa phương có KCN đang gây rất nhiều khó khăn cho CNLĐ. Chị Nguyễn Thị Giang, công nhân may Công ty TNHH E-TOP Việt Nam (KCN Mỹ Xuân, TT.Phú Mỹ, huyện Tân Thành) cho biết: Sau thời gian nghỉ thai sản, chị phải gửi con đi làm nhưng trường MN công lập chỉ ưu tiên nhận trẻ có hộ khẩu. Vì thế, CNLĐ như chị buộc phải gửi con vào nhóm trẻ gia đình với điều kiện không bảo đảm. Chị Giang không giấu nổi lo lắng: “Nhà trẻ gần KCN hầu như đều quá tải, nhưng gia đình tôi cũng không còn lựa chọn nào khác. Mong mỏi của chúng tôi là có chỗ gửi con bảo đảm, giá cả vừa phải và gần nơi làm việc”.

GIẢI TRÍ: QUANH QUẨN TỪ NHÀ TRỌ ĐẾN NHÀ MÁY

Theo khảo sát của LĐLĐ tỉnh, hiện các KCN thiếu cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao của CNLĐ. Theo thống kê, đến nay, 170 DN trong KCN chỉ có 3 tủ sách, 1 nhà văn hóa, 34 sân thể thao, 2 nhà thi đấu, 1 khu vui chơi phục vụ CNLĐ. Số cơ sở vật chất này là quá ít so với 45.000 CNLĐ hiện có. Vì thế, trong điều kiện thu nhập ít ỏi, CNLĐ rất khó tìm được chỗ giải trí phù hợp. 

CNLĐ vui chơi tại hội trại “Gắn kết và phát triển” do CĐ ngành công thương tổ chức năm 2016.
CNLĐ vui chơi tại hội trại “Gắn kết và phát triển” do CĐ ngành công thương tổ chức năm 2016.

Anh Trần Minh Phụng, Công ty TNHH Xay xát lúa mỳ (KCN Mỹ Xuân A1, huyện Tân Thành) cho biết: “Khi muốn tham gia hoạt động văn hóa, chúng tôi phải đi 6-7km đến Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Tân Thành. Do điểm sinh hoạt quá xa, nên sau giờ làm chúng tôi rất ngại đi. Lâu lâu, anh em muốn tập luyện thì rủ nhau thuê sân bóng đá tự tập. Cuộc sống của chúng tôi chủ yếu khép kín từ nhà trọ tới nhà máy. Sống ở KCN điều kiện vui chơi, giải trí rất ít”.

CNLĐ thuộc nhóm ngành may mặc, giày da, vật liệu xây dựng… thì đời sống văn hóa tinh thần còn hạn chế hơn rất nhiều. Thời gian qua, một số DN có tổ chức hoạt động vui chơi cho CNLĐ nhưng hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của CNLĐ.

Ông Nguyễn Đức Ý, Chủ tịch CĐ Các KCN tỉnh cho biết: thiết chế văn hóa phục vụ CNLĐ tại các KCN hiện còn rất nghèo nàn. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa khu tập luyện thể thao… dành cho CNLĐ là nhu cầu cấp bách. Nhưng để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao và vui chơi giải trí cho CNLĐ cần quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ. Cần phải có sự nghiên cứu, chọn lọc các mô hình, nội dung phù hợp với nhu cầu hưởng thụ của CNLĐ. Đồng thời, phải cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa cho CNLĐ qua các văn bản pháp quy, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị chủ trì hoặc có chính sách hỗ trợ hiệu quả để thực hiện việc xã hội hóa các thiết chế văn hóa thiết yếu theo từng giai đoạn.

Theo dự báo năm 2020, số trẻ là con của CNLĐ sẽ tăng lên gần 9.500 trẻ. Kế hoạch (ngày 17-11-2017) của UBND tỉnh về tổ chức xây dựng trường MN, MG cho các KCN và cụm công nghiệp (CCN) giai đoạn 2017-2020 và sau 2020 xác định: đến năm 2020 cần có thêm 484 nhóm trẻ (1 nhóm trẻ phục vụ khoảng 25 trẻ), tập trung ở huyện Tân Thành (267 nhóm trẻ); kế đến là TP.Vũng Tàu, cần tới 145 nhóm trẻ; huyện Châu Đức 35 nhóm trẻ; huyện Long Điền 12 nhóm trẻ; TP.Bà Rịa cần 11 nhóm trẻ; huyện Đất Đỏ 10 nhóm trẻ; huyện Xuyên Mộc và Côn Đảo mỗi nơi 2 nhóm trẻ. Tỉnh cũng chủ trương thúc đẩy xã hội hóa trong xây dựng trường MN, MG với việc đề xuất các chính sách thu hút nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, DN trong các KCN và CCN.


Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1780-QĐ/TTg, có nêu về việc huy động 3 nguồn lực chính: sự đầu tư của chính quyền địa phương, đóng góp của các DN, nguồn XHH để xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa đồng bộ cho CNLĐ; trong các dự án quy hoạch tổng thể KCN phải chú ý đến việc xây dựng và phát triển dịch vụ công cộng như giáo dục, y tế, khu vui chơi giải trí…

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

.
.
.