.

Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em: Khó hay dễ?

Cập nhật: 18:43, 08/01/2018 (GMT+7)

Hiện nay, dùng bạo lực để răn dạy trẻ em đã và đang trở thành vấn nạn của toàn xã hội. Để chấm dứt tình trạng này, bản thân các bậc phụ huynh, giáo viên (GV) cần thay đổi nhận thức, phương pháp giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các cấp, ngành và địa phương.

VẤN NẠN ĐÁNG LO NGẠI

Các thầy cô giáo cần xây dựng mối quan hệ cởi mở, trên cơ sở yêu thương, thấu hiểu HS. Trong ảnh: GV Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) tổ chức các trò chơi cho HS. Ảnh: KHÁNH CHI
Các thầy cô giáo cần xây dựng mối quan hệ cởi mở, trên cơ sở yêu thương, thấu hiểu HS. Trong ảnh: GV Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) tổ chức các trò chơi cho HS. Ảnh: KHÁNH CHI

Ghi nhận qua đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 của Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH), giai đoạn 2012-2017, trong tổng số 698 trẻ em bị bạo lực, có tới 91,7% bị bạo lực thân thể; trẻ em từ 1-10 tuổi chịu bạo lực nhiều nhất, chiếm 56,9%; tỷ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình cao nhất (chiếm 63,2%), đứng thứ hai là trẻ bị bạo lực trong trường học (chiếm 20,1%). Có thể nói, bạo lực thân thể trẻ em đã và đang trở thành vấn nạn của toàn xã hội. Tại tỉnh BR-VT, thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc khiến dư luận bất bình. Điển hình như vụ việc GV Trường MN Hoa Ly (TP.Vũng Tàu) liên tục dùng tay tát vào mặt và thô bạo nhét thức ăn vào miệng 3 trẻ nhỏ, mặc cho các em khóc thét và nôn ói. Còn tại một trường TH trên địa bàn tỉnh, một HS bị GV dùng thước đánh vào mông đến bầm tím vì không làm được bài. HS này cho biết, không phải chỉ mình em, nhiều bạn khác trong lớp cũng bị cô giáo đánh vì lý do tương tự. Hay cách đây không lâu, ở một trường THCS, cho rằng em D., một nam sinh trong lớp, gây mất trật tự và sử dụng điện thoại di động trong lớp học, thầy giáo đã bạt tai D. khiến em choáng váng, ngất xỉu.

Không chỉ tại một số trường học, hành vi bạo hành, bạo lực thân thể trẻ em còn xảy ra trong nhiều gia đình, khiến các em không an toàn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Cuối năm 2017 vừa qua, chúng tôi có dịp tham dự một khóa học về cách giáo dục con cái tại TP.Vũng Tàu. Khi diễn giả đặt câu hỏi: “Trong số những người ngồi đây, có ai từng dạy con bằng đòn roi?” thì gần như toàn bộ hội trường hơn 500 người đều đồng loạt giơ tay. Điều này chứng tỏ nhiều bậc phụ huynh vẫn mang nặng tư tưởng “yêu cho roi cho vọt” và biến đòn roi trở thành một biện pháp giáo dục. Có một phụ huynh thường tự hào “khoe” với mọi người về sự nghiêm khắc của mình với con cái. Chị bảo, trước khi đánh con, bao giờ chị cũng giải thích nguyên nhân và nói rõ: "Vì mẹ thương con nên mẹ phải đánh để con ngoan". Đến giờ, chỉ cần chị cầm roi và hỏi: "Con có biết vì sao mẹ đánh con không?", thì ngay lập tức, đứa bé sẽ trả lời như một cái máy: "Vì mẹ yêu con nên mẹ mới đánh con!"...

Trường MN Phước Thạnh (huyện Đất Đỏ) xây dựng mô hình vườn rau trong khuôn viên trường để trẻ được trải nghiệm thực tế. Ảnh: KHÁNH CHI
Trường MN Phước Thạnh (huyện Đất Đỏ) xây dựng mô hình vườn rau trong khuôn viên trường để trẻ được trải nghiệm thực tế. Ảnh: KHÁNH CHI

Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ GD-ĐT cho rằng, bạo lực gia đình xuất phát từ việc gia đình, nhà trường chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của các em. Nhiều bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thay thế, thầy cô giáo và chính trẻ em còn thiếu kiến thức cơ bản và ý thức, hành vi thực hiện pháp luật về quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được bảo vệ, quyền được bảo đảm an toàn của trẻ. Ngoài ra, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như kinh tế khó khăn, gia đình không hạnh phúc… cũng thường nảy sinh các hành vi bạo lực với trẻ. Trong khi đó, nhận thức của các em chưa đầy đủ, vẫn phụ thuộc vào người lớn nên khó có thể tự bảo vệ mình.

Bà Trần Thị Ngọc Trâm, Trưởng Phòng Bảo vệ trẻ em (Sở LĐTBXH) cho biết, bạo hành thân thể không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn làm tổn thương tinh thần, trí tuệ, sự phát triển toàn diện và tương lai của trẻ em. Nó sẽ dần ăn sâu vào tiềm thức, ám ảnh lâu dài, ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi của các em. Và đau lòng hơn, có trường hợp, chính những đòn roi nhân danh tình yêu thương ấy đã cướp đi sinh mạng của những đứa trẻ vô tư, yêu đời. Tháng 2-2017, tại huyện Long Điền đã xảy ra một sự việc hết sức thương tâm: Em N.N.N.A (SN 2014) bị mẹ ruột là chị N.T.K.T (SN 1986) đánh chết. Chị T. vốn làm nghề bán bánh canh tại thị trấn Long Hải. Hôm đó, thấy bé A. đói bụng, một du khách đã cho bé đồ ăn. Bực bội vì thấy con xin ăn, chị T. đã lấy đoạn tre dài 60cm, bề ngang 3cm đánh vào mông, hông, ngực, cổ, đầu bé. Đến khuya cùng ngày, bé A. tử vong do chấn thương sọ não.

“KỶ LUẬT KHÔNG NƯỚC MẮT”

HS Trường MN Hiển Vinh (TP. Vũng Tàu) trong một tiết học vận động. Ảnh: KHÁNH CHI
HS Trường MN Hiển Vinh (TP. Vũng Tàu) trong một tiết học vận động. Ảnh: KHÁNH CHI

Trong buổi nói chuyện mới đây tại TP.Vũng Tàu, ThS. Trần Thị Ái Liên, cựu cố vấn chính sách của Viện Hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ, giảng viên Đại học Berkeley (Mỹ), tác giả của chương trình nổi tiếng “Kỷ luật không nước mắt” cho rằng, để chấm dứt thực trạng bạo lực thân thể trẻ, trước hết cần phải thay đổi cách giáo dục và kỷ luật trẻ. Theo ThS. Ái Liên, người lớn tuyệt đối không nạt nộ, đánh đập trẻ, bởi bạo lực không giúp trẻ biết cách cư xử, làm chủ hành vi tốt hơn mà sẽ “dạy” trẻ cách né tránh, biện minh, giấu giếm khi mắc lỗi. Trong quy tắc ứng xử với trẻ, người lớn phải làm gương và cần nhớ nguyên tắc khen tốt hơn chê. Người lớn chỉ nên chê “hành động” và không nên chê “con người”. Như vậy, người lớn sẽ cùng “phe” với trẻ để chống lại hành vi xấu và gợi mở hành động tốt. Trong trường hợp trẻ không nghe lời, hãy phạt trẻ bằng cách lấy đi thứ trẻ muốn chứ không được lấy đi cái trẻ cần.

Th.S Ái Liên cho rằng: Dưới 3 tuổi, khi trẻ chống đối là để tìm hiểu ảnh hưởng của mình tới môi trường và những người xung quanh. Vì vậy, hãy tạo ra môi trường an toàn để cho con mình thỏa sức khám phá. Với trẻ từ 3-6 tuổi, nếu trẻ không nghe lời thì hãy cho trẻ ngồi vào “góc phạt” là một chiếc ghế ở một góc an toàn trong nhà và cái ghế đó không được rời chỗ khác, không để gần bất kỳ cái gì khác trong thời gian 3-6 phút, mỗi ngày không nên quá 20 lần phạt. Với trẻ trên 6 tuổi, hãy sử dụng bảng điểm ghi rõ các việc làm được cộng điểm và các việc làm bị trừ điểm. Và cuối mỗi tuần, hãy tổng kết để có phần thưởng xứng đáng hoặc phạt trẻ bằng cách lấy bớt đi một trong những thứ trẻ muốn.

CHẤM DỨT BẠO LỰC, LAN TỎA YÊU THƯƠNG

Để lan tỏa tình yêu thương, chấm dứt bạo lực trong môi trường học đường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các Sở GD-ĐT, các nhà trường lồng ghép hiệu quả cuộc vận động “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách  Hồ Chí Minh” với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” bằng hành động cụ thể. Các thầy cô giáo cần thường xuyên trau dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn, đạo đức nhà giáo, phấn đấu trở thành tấm gương sáng cho HS noi theo. Các Sở GD-ĐT cũng cần quán triệt tới toàn thể đội ngũ cán bộ, GV về việc tăng cường bảo đảm an toàn trong các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh việc phối hợp với các địa phương tổ chức thanh, kiểm tra các cơ sở giáo dục, đặc biệt là cơ sở MN tư thục. Các cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý nghiêm, công khai trên các phương tiện truyền thông trong trường hợp HS có dấu hiệu bị bạo lực.

Còn theo bà Lê Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, trong gia đình, các bậc phụ huynh phải luôn mẫu mực cho con trẻ noi theo, đồng thời dành thời gian tìm hiểu các tư tưởng giáo dục tiên tiến, thay đổi tư duy “yêu cho roi cho vọt” để có thể trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của con. Tới đây, các cấp Hội phụ nữ sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập hợp hội viên vào các nhóm, CLB phòng chống bạo lực gia đình.

Về phía ngành LĐTBXH, bà Trần Thị Ngọc Trâm cho biết, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các ngành, địa phương nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ, giúp các em tự bảo vệ mình; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em.

KHÁNH CHI-HẢI YẾN

Trong năm 2017, Sở GD-ĐT phối hợp với Công ty Kiến tạo Siêu nhân (TP.Vũng Tàu) tổ chức các khóa bồi dưỡng phòng chống bạo lực, bạo hành trẻ em với chủ đề “Lan tỏa yêu thương” cho gần 300 GV MN công lập trên địa bàn tỉnh. Tại khóa học, GV được truyền đạt các nội dung: cách giải quyết mối quan hệ giữa GV và HS, cách thay đổi trạng thái cảm xúc, cách đồng hành và dẫn dắt HS theo chủ đích tích cực của GV…

 

.
.
.