Gom từng câu ví mà nên xứ Nghệ !

Thứ Sáu, 08/03/2024, 16:27 [GMT+7]
In bài này
.

Biểu tượng cá gỗ - hiếu học

Xuân Giáp Thìn - 2024, từ Bà Rịa - Vũng Tàu tôi đã có cuộc khởi hành đẹp, không chỉ là du xuân mà là sự trải nghiệm văn hóa lý thú. Về xứ Nghệ, nơi đầu tiên tôi đến là làng khoa bảng Quỳnh Đôi - một làng Quỳnh quyện chặt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Cổ nhân tổng kết: Bắc Hà Hành Thiện/ Hoan Diễn Quỳnh Đôi. Đó là hai làng khoa bảng - một ở miền Bắc, một ở miền Trung, nơi sản sinh các danh nhân, trí thức tiêu biểu của quốc gia Đại Việt. Tại Quỳnh Đôi, thêm một lần tôi nghe kể về biểu tượng con cá gỗ khắc họa, minh chứng tinh thần hiếu học, lấy tri thức làm đầu.

Nguyên lãnh đạo Hội NBVN Phạm Quốc Toàn, Hồ Quang Lợi ( thứ 4, thứ 5 trái qua), PGS TS Nguyễn Thế Kỷ (ngoài cùng bên phải) dự đêm Ga la.
Nguyên lãnh đạo Hội NBVN Phạm Quốc Toàn, Hồ Quang Lợi ( thứ 4, thứ 5 trái qua), PGS TS Nguyễn Thế Kỷ (ngoài cùng bên phải) dự đêm Ga la.

Du lịch Nghệ An tạo điểm nhấn “Làng cá gỗ” - làng khoa bảng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Nhà báo Hồ Quang Lợi sinh thành từ làng Quỳnh tâm sự trong đêm Ga la “Người Nghệ muôn phương - Nơi ta trở về” về hình tượng con cá gỗ nhằm tôn vinh tinh thần hiếu học, đất nghèo mà không chịu dốt chữ, khổ luyện thành tài. Chính Hồ Quang Lợi đã có những ngày tháng thiếu ăn thiếu mặc, củ khoai củ sắn thay cơm mà học chuyên văn đầu tỉnh. Hồ Quang Lợi là cộng tác viên hàng đầu của Báo Bà Rịa - Vũng Tàu từ thập niên cuối thế kỷ trước. Hơn 1.000 bài bình luận về thời cuộc đăng trên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những điểm nhấn “Báo Đảng địa phương vươn tầm cả nước”. Sự tích con cá gỗ là hình ảnh đáng yêu, lao động quên mình, kiên trung, bất khuất, thủy chung, cuộc sống nhân văn mà giàu nghĩa khí.

Chuyện xưa kể rằng, có ông thầy đồ hay chữ, chữ của làng học hết, ông rời lũy tre xanh cất công lên tỉnh áo nâu tráp vá thuê trọ để tiếp tục cuộc truy tìm tri thức không ngừng nghỉ. Thầy đồ học chữ giỏi nhưng cái đói cái nghèo không biết dấu vào đâu. Ông mượn ánh trăng đêm làm đèn, lấy khúc củi nhỏ gọt thâu đêm. Và một con cá bằng gỗ ra đời. Con cá gỗ được hui lửa cho thật giống con cá thật. Cứ bữa cơm hằng ngày, ông đồ cho thêm nước mắm, bày cá gỗ ra mâm, vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon, cơm hết mà cá vẫn còn và những vần thơ dân gian mộc mạc, trào lộng đi vào lòng người.

Cứ mỗi lần ăn xong

Nhè lúc không ai thấy

Ông bọc lá chuối khô

Giấu cá vào trong tráp

Ông đồ giỏi chữ thi hương thi hội đã giật luôn giải Trạng nguyên làm quan to. Dân cá gỗ cần cù và học giỏi, giữa tháng năm điệp trùng đã chơi là chơi hết mình, làm chết bỏ. Đánh giặc đến cùng, cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Người Nghệ trọng nghĩa trọng tình, khí khái, thủy chung, Làm quan phải là quan thanh liêm. Đoạn thơ sự tích con cá gỗ là sự bọc bạch của cha kể lại với con trai, dặn dò, nhắn gửi:

Sự tích con cá gỗ

Là giai thoại mà thôi

Con cố học cho giỏi

Để mai sau thành Người

Thật ý nghĩa khi cô gái Nghệ - nghệ sĩ Nhân dân Phạm Phương Thảo cất cao lời hát: “Gom từng giọt mà thành (ơ) Lam Giang/ Gom từng câu ví mà nên (ơ) xứ Nghệ/ Gom lời ru mẹ để có em giữa đời”. Đất Nghệ, cửa biển gọi là cửa Hội - hội tụ sông núi, lòng người. Dòng sông quê gọi là sông Lam, sông Cả. Ngọn núi án ngữ đất trời gọi là núi Quyết - chí đã quyết, lòng đã thông - đường ta thẳng tiến …

Bản lĩnh - ngọn lửa đam mê

Tết Nguyên tiêu hàng ngàn con em Quỳnh Đôi khắp mọi miền về quê trẩy hội xuân, tri ân tiên tổ dòng họ. Dòng người, dòng xe cắm cờ Tổ quốc từ quốc lộ 1 đi qua cổng Biển Quỳnh uy nghiêm mời gọi để vào làng đông nườm nượp. Làng Quỳnh có nhiều họ, nhưng tiêu biểu nhất là họ Hồ, kế đó là họ Nguyễn, họ Dương, họ Hoàng… Họ tộc nào cũng trống dong cờ mở rước kiệu, múa lân rồng mở hội xuân đoàn viên, tri ân tiền nhân. Truyền thống dòng họ gắn với truyền thống quê hương, đất nước - một thời đạn bom, một thời hòa bình.

Từ Quỳnh Đôi, tôi rong ruổi thêm 62 km về phía Nam tới thành phố Vinh, dự chương trình Ga la “Người Nghệ muôn phương - Nơi ta trở về”, quảng bá hình ảnh con người, truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương, tôn vinh tinh thần hiếu học, lao động và cống hiến. Đó là chương trình truyền hình chuyên biệt, NTV lên sóng từ tháng 7 năm 2022. Êkip nội dung chương trình bao gồm các biên tập viên giàu kinh nghiệm, đam mê ngọn lửa nghề, đến mọi vùng miền, tắm mình trong các sự kiện và với nhân vật của mình - tìm ở họ tinh thần vượt khó, chịu học, chịu làm.

Sự phác dưới các góc nhìn về 45 nhân vật người Nghệ lên sóng NTV gần hai năm qua là sự kết tinh trí tuệ, mồ hôi và nước mắt. Sau những trăn trở và cân nhắc, ban Giám đốc NTV quyết định thực hiện chương trình trước ngày Tết Nguyên tiêu. Cả ê kip cùng lãnh đạo NTV chạy đua với thời gian, làm việc xuyên tết, không kể giờ kể ngày, lo nội dung, kịch bản, đạo diễn chương trình mà còn là cuộc kết nối để tập hợp 45 nhân vật tiêu biểu cả nước về dự. Cả cơ quan lo tài chính, hậu cần, đón tiếp, đưa và đón khách từ “muôn phương” trở về. Chỉ một sơ suất, trục trặc nhỏ là guồng quay vận hành của chương trình sẽ bị ảnh hưởng.

Cầu Cửa Hội vắt qua sông Lam giữa đôi bờ Nghệ - Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Cầu Cửa Hội vắt qua sông Lam giữa đôi bờ Nghệ - Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

“Người Nghệ muôn phương - Nơi ta trở về” chia làm 3 phần. Phần 1 có tên gọi “Nước mắt từ nguồn”, được lấy ý tưởng từ cuốn sách của tiến sĩ Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản khi êkip thực hiện chương trình về ông. Nguyên Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc; Giáo sư, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Đào tạo Omega Đinh Văn Nhã; Nhà báo, nguyên Phó Chủ tịch TT Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi. Là con trai nhà báo bậc thầy, nhà ngôn ngữ học báo chí Tạ Quang Đạm, cháu ruột học giả, chính khách Tạ Quang Bửu. Cựu Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc cả đời chỉ làm một việc trong ngành thủy sản. Với ông “Một nghề cho chín hơn chín mười nghề”, lịch lãm, khiêm nhường, đức độ. Mới đây, tôi gặp giáo sư Viện trưởng Đinh Văn Nhã tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ trong sự kiện một trường đại học Hoa Kỳ vinh danh ông là Viện sỹ, nhà khoa học đi tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn. Hồ Quang Lợi là cây bút bình luận xuất sắc của báo chí Việt Nam đương đại, giành 9 giải cao (5 giải A) Giải báo chí quốc gia về thể loại bình luận. Ông là người con của làng khoa bảng Quỳnh Đôi, yêu con cá gỗ. Công chúng đắm say trong những câu chuyện về truyền thống gia đình, dòng họ, quê hương vượt lên lam lũ, đói nghèo để học hành thành tài.

Phần 2 có tên gọi Bản lĩnh người Nghệ, qua sự chia sẻ của 3 vị khách mời nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương Mại Việt - Mỹ Nguyễn Đình Lương; Anh hùng lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty 36; Lê Đình Hiền, Chủ tịch HĐQT cơ sở Giáo dục Hoàng Việt, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắk. Cách đây chưa lâu tôi đã cùng giám đốc Trung tâm CEDC TP.HCM đến cơ sở giáo dục Hoàng Việt của doanh nhân Lê Đình Hiền, thán phục bản lĩnh khi ông quyết định đầu tư liên thông 3 cấp học, thực thi “luận thuyết” giáo dục khai phóng, coi trọng giáo dục thực hành, kỹ năng sống, đạo đức học đường. Phần 3 có tên gọi “Sức sống Nghệ” khẳng định sức sống mãnh liệt, không gì có thể làm chùn bước người Nghệ, vượt khó vươn tới đỉnh cao của tri thức, trí tuệ và sự cống hiến. Đây cũng chính là điểm nhấn, nốt lặng trân quý của “Người Nghệ muôn phương”. Doanh nhân Nguyễn Thế Thường đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Chí đi tiên phong xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu không nung, an sinh xã hội hiệu quả. Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp mạnh mẽ và dứt khoát bản lĩnh nghệ bằng mấy vần thơ của chính mình: Như chim ưng tung cánh bay xa/ Dù phía trước đường bay dài vời vợi/ Biết sứ mệnh còn bao điều chờ đợi/ Lửa thắp lên rồi phải cháy tận cùng thôi.

Biểu tượng con cá gỗ chính là lòng tin, niềm tự hào, sự trui rèn tri thức, ngọn lửa đam mê. Người Nghệ dù ra đi để học hỏi, tìm đường cứu nước cứu nhà, hoặc kiếm tìm mạch sống trong cuộc mưu sinh, thành danh tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - một bậc Thầy người Nghệ xuất chúng - tiếp tục có những cống hiến lớn lao, góp phần xây dựng quê hương, đất nước phát triển, giàu đẹp. Khích lệ tăng trưởng xã hội học tập, tôn vinh tinh thần hiếu học thành tài, thắng lợi mới - thành công mới!

Bút ký PHẠM QUỐC TOÀN

;
.