.
TẢN VĂN

Nhớ về Tết của tuổi thơ!

Cập nhật: 16:51, 02/02/2024 (GMT+7)

Cái nắng cuối Đông đậu trên những cành cây đã trơ trụi lá một nét cô độc trầm buồn. Thời tiết này lại khiến lòng người hanh hao quá đỗi. Những ngày cuối Chạp, ôi tuổi thơ xa xôi lại hiện về…

Mẹ loay hoay với rổ nếp đã vuốt nước sạch sẽ, rang giòn rồi mang lên máy xay. Tiệm xay bột người đông như nêm, mỗi người một nét mặt, tựu chung vẫn là sự lo lắng ngập tràn.

Mấy cha con hè nhau vác hết bàn ghế cửa nẻo, giường chiếu ra sân. Chiếc máy bơm hoạt động hết công suất, nước phun xối xả. Thau xà bông nổi bột trắng xóa, mỗi đứa cầm chiếc bàn chải gò lưng kỳ cọ từng món đồ. Những phiến gỗ theo thời gian cứ trỉn ra, nhơn nhớt. Những món đồ sau một hồi được kỳ cọ ánh lên một nét đẹp riêng của những tháng năm trầm tích.

Này là cánh cửa gỗ mít, từng đường vân như nét vẽ của người họa sĩ, ma mị, cuốn hút. Này là tấm phản gỗ sưa, qua thời gian cọ xát lưng người mà ánh lên nước bóng ngời, mát lạnh. Này là chiếc chõng tre với tấm vạt được kết bằng những chiếc nan vuốt kỳ công, rồi bện chặt bằng sợi dây cước mảnh… Mặt đứa nào đứa nấy hồng lên vì cái nắng hanh hao cuối Đông, người ướt nhẹp nước những nước.

Ba sai mang bộ lư đồng trên bàn thờ xuống, hốt mớ tro bếp rồi ngồi dạng chân thong thả mà chà, mà rửa, mà kì cọ thật tỉ mẩn. Thật ngạc nhiên, trò bếp tẩy sạch những vết bụi bám lâu ngày trên bộ lư, sáng choang, tinh tươm như mới. Nhìn những nắm tro tàn xin xỉn màu, tôi tự hỏi không biết trong ấy là thứ gì mà khả năng gọt rửa đỉnh cao đến vậy.

Ba trèo lên cây dừa, ngắm nghía một hồi rồi vung rựa chặt mấy nhát, cả buồng dừa rơi lịch bịch. Mớ dừa dày cơm được mẹ xắt tỉ mỉ thành từng sợi dài. Những sợi dừa này lát nữa sẽ ngấm đường, sẽ ngấm màu, sẽ cho ra những mẻ mứt ngọt lịm thơm phức.

Xưa không biết cách lấy màu xanh từ lá dứa, màu vàng từ nước nghệ, màu cam của cà rốt, màu tím của củ dền đẹp mắt. Những lọ màu bé tí quyền lực luôn thách thức trí tò mò của lũ con nít bọn tôi. Thích nhất vẫn là cái khoảnh khắc mẹ đổ mẻ mứt ra mâm, cả bọn xúm nhặt những vụn đường bám vào nhau giòn tan ngọt lịm…

Nhớ nhất vẫn là đêm canh nồi bánh tét. Còn lại ít nếp, ba gói cho mỗi đứa một chiếc bánh nhỏ với hình thù khác nhau. Ba dặn canh bếp lửa, hễ cây củi nào sắp hết thì chêm ngay cây khác vào. Lửa phải đượm, nước phải đủ thì bánh mới chín đều và đẹp. Chúng tôi trải tấm chiếu cũ lên mấy cái bửng xe bò ngay gần cái bếp dã chiến với ba viên đá ong to tướng. Hết ngồi quanh bếp nướng khoai, lại chen chúc nhau nằm ngắm trời đêm đen kịt.

Ba gói nem chua, sai đi hái cho ba mớ lá ổi non. Ba làm tỉ mẩn, buộc lạt cẩn thận rồi treo giàn bếp. Xong ra canh nồi bánh. Ba lấy đôi đũa tre dài ngoằng huơ huơ. Mấy chiếc bánh nhỏ xíu mắc vào đôi đũa, ba vớt ra chiếc rổ con, bảo chờ nguội hãy ăn rồi đi ngủ. Mẹ mãi lục đục với hũ củ kiệu dưa hành. Mái tóc lòa xòa, chiếc áo nâu cũ sờn tay xăn lên tận khuỷu tay.

Mẹ sắp lịch rõ ràng. Sáng mai đứa nào làm những gì, cả bọn dạ vang trong lúc chờ bánh nguội. Sớm mai phải rửa hết mấy thùng chén bát để lâu ngày nơi chiếc tủ gỗ. Trứng thằn lằn lăn lóc, có những cái trứng sắp tới ngày nở, không may bị va đập, toài ra một chú thằn lằn con bé xíu, ướt nhẻm, đôi mắt đen thui to quá cỡ. Tôi rùng mình với những cảnh tượng trên.

Những chậu hoa ngoài vườn được mang hẳn vào nhà, thay chậu mới. Chúng bỗng nhiên có một đời sống khác, rạng rỡ. Như chúng tôi được mặc áo mới vậy. Chiều ba mươi, mẹ nấu một nồi nước lá to vật vã. Mẹ è cổ từng đứa mà kỳ, mà cọ, mà xát những viên sỏi vào gáy, vào nách, vào khuỷu tay. Những dòng nước đục ngầu chảy xuống từ mấy cái cơ thể gầy nhom, đen nhẻm. Đứa nào không chịu được nhột thì bỏ chạy…

Đêm ba mươi, mẹ lặng lẽ soạn mâm cúng ông bà tổ tiên. Ban thờ sực nức nhang trầm, hương hoa bánh trái. Cả nhà trong trang phục chỉn chu đứng sắp hàng bên mâm cỗ cúng. Mỗi người lại lâm râm khấn nguyện mong ước của riêng mình.

Dù đã trải qua bao nhiêu mùa Xuân, dù ở đâu và làm gì đi nữa, thì mỗi độ Tết đến xuân về, lòng lại háo hức một niềm vui sum họp. Tết gia đình, Tết của đoàn viên.

HỒ LOAN

.
.
.