Tục viết liễn ở Nhà Lớn Long Sơn
Những ngày giáp Tết, tại di tích quốc gia Nhà Lớn Long Sơn (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu), nhiều cụ ông râu tóc bạc phơ cùng lớp trẻ kế cận đều vận áo dài đen, tóc búi tó, đầu đội khăn vấn cặm cụi viết liễn dán tại Nhà Lớn.
Những cụ ông râu tóc bạc phơ viết liễn tại Nhà Lớn Long Sơn. Ảnh: HOÀI ÂN |
Hằng năm, cứ vào 21 tháng Chạp, các cụ ông ở xã đảo lại về Nhà Lớn viết liễn để thay thế những tờ liễn cũ đã bạc màu được dán từ tháng Chạp năm trước ở khắp Nhà Lớn. Tục viết liễn ở Nhà Lớn Long Sơn đã trở thành nét đẹp văn hóa được lưu truyền từ nhiều năm nay. Bên cạnh 88 cặp liễn đối, Nhà Lớn Long Sơn còn treo liễn ở 94 bức hoành phi trong quần thể kiến trúc của di tích này.
Bà Lê Thị Kiềm, cháu đời thứ tư của ông Lê Văn Mưu - còn được gọi là ông Nhà Lớn, ông Trần (1855-1935) cho biết, tục viết liễn có từ trăm năm nay, kể từ khi ông Nhà Lớn đến Long Sơn mở đất, khai hoang. Ông là người thông thạo nghề nông, có tài tổ chức, tập hợp quần chúng, giàu lòng nhân ái, sống cương trực và có bản lĩnh. Cuộc sống của ông là tấm gương cho những người theo ông lập nghiệp noi theo. Vì vậy, những điều ông truyền dạy (về đạo làm người, về nếp sống sinh hoạt...) có giá trị sâu sắc, đi vào cuộc sống của dân chúng, được họ tự giác thực hiện, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một nét đẹp, một chuẩn mực cuộc sống.
Sau khi ông Trần qua đời, con cháu và tín đồ vẫn duy trì tập quán cũ, trong đó có tục viết liễn đón Tết… Đây cũng là nơi hiếm hoi còn lưu giữ được phong tục viết liễn trong dịp Tết tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Liễn đối ngày Tết ở Nhà Lớn thường có nội dung giáo dục, phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên về Nhân - Nghĩa - Lễ- Trí - Tín ở đời, trong đó có nhiều câu răn dạy con cháu cách đối nhân xử thế…
Tục treo - thờ liễn đối vào ngày Tết đã thấm sâu vào lớp lớp con cháu ông Trần. Những ngày này, đông đảo du khách và người dân trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tìm về Nhà Lớn Long Sơn để xin chữ và chụp ảnh cùng những khoảnh khắc của nét đẹp văn hóa truyền thống này.
HOÀNG BÁCH