Bé mèo nho
Ba mươi Tết, mẹ gửi Bông ở nhà bác họ, gần nhà, để lên dọn dẹp phụ ông bà ngoại. Chiều vừa bày mâm ngũ quả vừa tranh thủ ghé mắt qua nhóm Zalo gia đình thấy anh Thành, anh họ Bông up lên đoạn video ngắn, ghi cảnh ba anh em Thành, Quỳnh, Bông đang cho một em mèo đen, chân trắng, bé tí teo ăn, kèm với dòng ghi chú: Bông vừa cứu được em mèo này đấy. Bọn con đã quyết định sẽ nuôi thêm em ấy cho Chanh có bạn! Trời đất, cái bọn nhóc này… Ngày Tết, công việc ngập đầu, mèo chó gì chứ!?
Minh họa: MINH SƠN |
Càng về khuya không khí càng tràn ngập vị Tết, các con đường đổ ra điểm bắn pháo hoa đã chật cứng người đi đón giao thừa, mẹ mới chạy về nhà bác đón Bông. Thấy Bông hớn hở bế bé mèo đi ra, mẹ vội vàng kêu: “Giao thừa đến nơi rồi. Chúng ta sao có thể nuôi nó được con!”. Anh Thành, chị Quỳnh cũng vội chạy ra: “Dì ơi, làm ơn đi mà. Nhà con không có chậu cát. Chưa kể qua Tết bọn con lại về Sài Gòn rồi”. Bông tay vẫn ôm chặt bé mèo năn nỉ: “Mẹ ơi, mẹ nuôi em ấy đi. Mẹ trông em ấy xinh chưa này”. Mẹ nhìn cặp mắt tròn ướt của bé mèo, lưỡng lự: “Ừ, thì…”.
Anh Thành tiếp: “Lúc nãy dì đã đồng ý rồi mà”. Mẹ cãi: “Dì chỉ thả tim, ý là đã đọc thôi, đồng ý hồi nào?”. “Không biết, không biết! Dì thích mèo. Dì không nuôi nó thì ai nuôi?”. “Ba đứa không hiểu gì cả. Mèo mới về nhà phải huấn luyện cả tuần nó mới quen với nơi ăn, ngủ, vệ sinh. Giờ đêm 30 rồi, làm sao mà kịp chứ! Bông sụt sịt: “Thế sao mẹ không nói sớm!? Bọn con chăm em từ chiều tới giờ. Em quấn con lắm, cứ bám chặt lấy con thế này này!”. Mẹ nhăn trán: “Thôi, vậy tạm thời hãy thả nó ở khu vườn hoang phía trước nhà mình. Hết Tết nếu nó còn ở đó, mình sẽ ra đón về”. Ba đứa mặt ỉu xìu nhưng cũng đành phải chấp nhận giải pháp đó.
Sáng mùng một, khi đến chúc Tết, anh Thành kể với cả nhà là do không nỡ để bé mèo tự sinh tự diệt ở vườn nên đã giao em cho Đức, cậu bạn hàng xóm nuôi. Khổ nỗi Đức lại bị bệnh, sợ rằng chăm mình còn không xong. Rồi anh kết luận: “Thế nên dì phải nhanh nhanh chóng chóng mà đến đón nó về!”.
Mùng mười Tết, Bông nhắc: “Mẹ, mình đi đón em (mèo) về!”.
Thật tình mẹ đang phân vân, nửa muốn nuôi thêm một bé mèo nữa cho Chanh có bạn, nửa ngại nhà chung cư bé xíu mà nuôi những hai con mèo, lông lá tùm lum, nhưng vì Bông năn nỉ quá, mẹ đành gõ cửa nhà anh Đức. Và rồi mẹ trông thấy gì. Em bị xích bằng một sợi xích sắt to, loại xích dành cho chó. Người em ướt lướt thướt, mắt láo liêng, bụng to, hơi thở khò khè. Mẹ nhìn cái sân gạch ướt, cái vòi nước dài lòng thòng, cả cái mùi đặc trưng, hiểu ngay ra vấn đề. Mẹ bảo Đức:
- Cô cám ơn con đã chăm sóc cho em ấy mấy ngày Tết. Bây giờ em đang mắc bệnh, để cô mang em về bên ấy mấy ngày nhé!
Bông vui sướng, bế mèo về nhà. Trên đường về, Bông đặt tên cho bé là Nho, một cách đặt tên theo màu lông, giống Chanh vậy. Hai mẹ con tắm, lau khô cho Nho, sau đó lấy đủ thứ đồ ăn cho Nho nào sữa, xúc xích, pate, Nho ăn ngấu nghiến như “con nhà chết đói”. Mẹ lo chỗ ăn chỗ ngủ cho Nho mà mệt nhoài. Nho lại đang đi ngoài, tí tí lại chui vào chậu cát. Điều này khiến cho Chanh rất khó chịu. Chanh bỏ ăn, rúc vào góc nhà gừ gừ nhìn ra, thi thoảng lại chạy đến trước mặt hai mẹ con Bông kêu nghêu ngao và nhìn về phía chậu cát, nửa như trách móc, nửa như dò hỏi. Mẹ đành phải làm thêm chậu cát mới cho Chanh.
Chăm hai bé mèo, công việc làm sen vốn đã vất vả, giờ còn vất vả hơn. Có lần, bực quá, mẹ đã bắt Bông mang trả Nho lại cho anh Đức. Mẹ đang nóng. Bông không dám cãi, rơm rớm nước mắt, xách Nho đi. 5 phút sau đã thấy Bông quay trở lại, rụt rè: “Mẹ ơi, Nho nó đã được hưởng sung sướng ở nhà mình hai hôm rồi. Bây giờ trở về đấy lại bị xích, bị bỏ đói và xịt nước thì tội lắm. Mẹ cho Nho ở đây đi, con sẽ phụ với mẹ chăm em, không bắt mẹ làm một mình nữa đâu!”. Sau đó, Bông bế Nho vào lòng và quay sang dỗ dành Chanh: “Chanh ơi, Chanh nhường nhịn Nho tí nhé. Nho còn bé và tội nghiệp lắm!”. Chẳng biết Chanh có hiểu lời Bông không, nhưng hôm sau hai mẹ con về nhà đã thấy Chanh đang ngồi liếm láp cho Nho, tình cảm lắm. Chén ăn, chậu cát bắt đầu được dùng chung. Tuy nhiên cũng vì thế mà Chanh bị lây bệnh của Nho. Mẹ phải mang cả hai đứa đi bác sĩ thú y. Mất nửa tháng vất vả, bận rộn, mọi việc mới đi vào quỹ đạo.
Khi đã khỏe mạnh và thân nhau, Chanh và Nho bắt đầu “báo”. Chả biết chúng làm những trò gì mà không ngày nào căn chung cư chưa đầy năm chục mét vuông của hai mẹ con không tanh banh như bãi chiến trường. Sắp tới kỳ thi cuối năm học, mẹ gọi Bông tới giao hẹn: Nếu Bông vẫn muốn giữ cả hai em mèo thì Bông phải chịu khó học bài. Đợt thi tới mà Bông không được điểm cao, mẹ sẽ căn theo số điểm để cho bớt một, thậm chí cả hai em đi!
Mùa hè năm 2023 nóng hơn mọi năm, có lẽ thế mà trẻ con bệnh, sốt nhiều. Đang lúc ôn thi thì Bông lăn ra bệnh. Mẹ phải nghỉ trông Bông. Vừa nấu cơm, vừa chạy ra chạy vào với Bông, mẹ sợ Nho và Chanh theo thói quen xấu lại leo lên bàn, nếm thử đồ ăn nên đưa cả hai đứa ra ban công, đóng cửa lại. Bông sốt, ngủ li bì đến gần 8 giờ tối mới tỉnh dậy, mẹ vội vã mang đồ ăn vào phòng cho Bông.
Chưa ăn được miếng nào, Bông đã mếu máo: “Mẹ ơi, Bông bệnh, không học ôn được, rồi làm sao Bông thi được điểm cao, làm sao Bông giữ được hai em mèo!?”. Mẹ dỗ: “Bông cố ăn cho khỏe, ngày mai nghỉ, ngày kia đi thi vẫn ổn”. Bông ăn mấy miếng rồi đòi mẹ mang hai em vào phòng “…để con nhìn chút cho đỡ nhớ!”. Mẹ mở cửa ban công ra gọi thì chỉ có mỗi mình Chanh hốt hoảng nhảy vào. Mẹ gọi và tìm khắp nhà, chẳng thấy Nho đâu. Hồn vía lên mây, mẹ nhớ ra lúc nãy có nghe tiếng động mạnh và tiếng gào khá to...
Bông thấy thái độ của mẹ thì bật dậy, hỏi giật giọng: “Mẹ! Nho đâu? Nho của con đâu? Có phải là nó rớt xuống rồi không?”. Mẹ bắc ghế, trèo lên cửa sổ nhìn xuống, thấy không có gì thì bớt hoảng, nghĩ có khi Nho men theo đường ống nước đi sang nhà khác rồi, chứ rơi từ tầng 4 xuống, sống kiểu gì?.
Mẹ bảo Bông: “Có lẽ Nho nó cãi nhau với Chanh nên giận bỏ đi rồi”. Bông bắt đầu sụt sịt khóc, bắt đền mẹ, nói những là: “Nho yêu Bông. Nho không giận Chanh đâu. Hay là mẹ đuổi Nho đi rồi...”.
Mẹ lúc ấy tâm trí bấn loạn, chẳng hơi sức đâu mà dỗ Bông. Rửa xong chén bát, lau mát cho Bông xong, mẹ vội vàng chạy xuống tầng trệt, thẳng tới chỗ cửa nhà mình, bật đèn điện thoại lên tìm kiếm. Không thấy dấu vết gì của Nho, mẹ đã khấp khởi mừng thầm. Bước chân lên cầu thang bộ để về, bất ngờ mẹ nhìn thấy một khối đen mờ mờ dưới gầm cầu thang bộ. Mẹ run rẩy, soi đèn điện thoại đi vào thì hỡi ôi chính là Nho. Em nằm đấy, xung quanh bê bết máu.
Không kìm được, mẹ bật khóc. Mấy người đi bộ, hóng gió ở công viên gần đó xúm đến hỏi han, động viên. Mẹ gọi cho bác sĩ thú y quen không được, đành bế em lên trên lầu, giặt khăn ướt, lau vết máu cho em, đồng thời vào mạng nhờ bác sĩ Google cũng như đăng lên nhóm Đảo Mèo nhờ trợ giúp. Ai cũng nói phải đến bác sĩ thú y khám, chụp cho bé. Thế nhưng trước mẹ đã chứng kiến một chị bạn tốn hết mấy triệu chữa bệnh cho một bé mèo Tây vậy mà bé ấy vẫn không qua khỏi. Nho lại chỉ là một bé mèo ta và mẹ tuy rất thương em hiền lành, tình cảm nhưng cũng mấy lần tìm cách cho em đi rồi. Thế nên mẹ chỉ đành vừa cầu trời, khấn Phật cho Nho qua khỏi vừa dỗ dành Bông là Nho không sao.
Nho đau lắm, lết hết chỗ này đến chỗ khác, đổi đủ kiểu nằm, ngồi mà không bớt đau. Máu vẫn rỉ ra từ miệng và mũi. Mẹ làm cho Nho một chậu cát khác, ngay chỗ Nho nằm. Thế nhưng Nho vẫn không dám đi vệ sinh vào chậu cát mới đó mà cố lết ra chậu cát ngoài ban công. Nhìn dáng vẻ tội nghiệp của Nho, thương đứt ruột.
Khuya, bác sĩ thú y gọi lại cho đơn thuốc. Cả đêm hôm ấy mẹ chẳng ngủ, thỉnh thoảng lại sờ đầu Bông, đo nhiệt độ và ra canh Nho, vuốt ve, an ủi cho Nho đỡ sốc. Hôm sau, mặc dù mặt vẫn sưng húp nhưng Nho đã chịu liếm láp chút súp trên tay mẹ. Bông cũng đã hết sốt. Mẹ vội vã đi mua thuốc, và ngày ba bận bơm thuốc cho Nho.
Sau một tuần được chăm sóc cứu chữa, Nho đã bình thường trở lại, chân không què, mắt lại mở to, biết giành ăn với Chanh, rồi còn nhảy lên được mặt tủ cao 2 mét. Chả biết có phải vì sút ký, nhẹ bụng không!?
Bông thi xong, được điểm cao rồi mới biết về tai nạn kinh hoàng đó của Nho. Bông liền làm ngay một clip kể chuyện này, đưa lên Tiktok. Clip được cả ngàn like. Bông ôm mèo Nho trong tay dỗ dành: “Bé ngoan, sau này khi chị kiếm được tiền từ “tóp tóp”, nhất định sẽ mua cho em thật nhiều pate nha!”.
Truyện ngắn của BÙI ĐẾ YÊN