.

Thi ca chốt chặn cuối cùng của con người trước AI

Cập nhật: 17:54, 15/09/2023 (GMT+7)

Sự xuất hiện của ChatGPT do hãng công nghệ chuyên về trí tuệ nhân tạo OpenAI kiến thiết, thực sự tạo ra cơn sốt quan tâm trên toàn thế giới. Bên cạnh nỗi hân hoan là niềm lo ngại. Bởi lẽ, với những tính năng từ bộ chuyển đổi tự tạo dữ liệu được huấn luyện trước, ChatGPT có thể khiến nhiều người phải thất nghiệp, trong đó có những người đang hành nghề viết lách.

Khi vào chatbot, người dùng có thể đưa ra yêu cầu dài đến 25 ngàn từ, và sẽ nhận được phản hồi trong thời gian ngắn nhất. Nghĩa là ai cũng có quyền chỉ thị cho ChatGPT viết dùm mình một diễn văn, một bài luận, thậm chí một thể loại na ná như tác phẩm báo chí hoặc tác phẩm văn chương.

Trước đây cũng đã có nhiều người dùng trí tuệ nhân tạo AI để hỗ trợ viết lách, với các phần mềm Sudowrite, Jasper hoặc Writesonic. Thế nhưng, ChatGPT ở một đẳng cấp hoàn thiện công nghệ có tính đe dọa cao hơn đối với năng lực con người. Trên nhiều diễn đàn, đã có những ý kiến mách bảo nhau cách “mượn tay” ChatGPT để viết thay mình các loại văn bản hòng kiếm tiền của thiên hạ.

Tại Mỹ, mức độ lan tỏa của ChatGPT khiến nhiều tòa soạn đau đầu. Ví dụ, tạp chí Claresworld chuyên về văn chương khoa học viễn tưởng đã tuyên bố không nhận các tác phẩm do ChatGPT viết. Lý do, trong hàng ngàn truyện ngắn gửi về tạp chí Claresworld mấy tháng qua, truyện ngắn của AI đã ngang với truyện ngắn của con người. Chất lượng các truyện ngắn của AI không tệ lắm, dù thường xuyên giống nhau về cái tựa và tên nhân vật, nhưng lại nảy sinh nhiều vấn đề về đạo đức và pháp lý. Không ai chịu trách nhiệm về bản quyền do AI viết, và cũng không ai bảo đảm những truyện ngắn do AI viết sẽ không sao chép những tình tiết của những tác phẩm do con người viết ra trước đó. Rõ ràng, tính hữu ích của ChatGPT cũng có nhiều hệ lụy cho hành trình sáng tạo văn bản của con người.

Đối phó với ChatGPT, không ít tòa soạn phải dùng thái độ xem tác phẩm AI viết như một loại thư rác. Tuy nhiên, có phải AI tự viết và tự gửi đâu. Vẫn là hành vi của con người đấy chứ. Cho nên, câu chuyện giữa ChatGPT và nghề viết, rất nóng bỏng mà cũng rất éo le.

Việt Nam vẫn thừa hưởng công nghệ từ các quốc gia văn minh, vì vậy sức ép từ trí tuệ nhân tạo AI lên đời sống báo chí và xuất bản chưa nhiều lắm. Ở Mỹ, cách đây vài thập niên, công chúng đã phải e dè về sự lấn chiếm của máy móc vào lĩnh vực sáng tác văn chương. Từ năm 1984, tập thơ “Râu của viên cảnh sát mới mọc một nửa” (The Policeman’s Beard Is Half - Constructed) với tác giả là Racter, đã bùng nổ một cuộc tranh luận. Những câu có vần có điệu kiểu như “Tôi cần điện / Tôi cần nó hơn cả cần thịt cừu hay thịt lợn hay cải bắp hay dưa leo/ Tôi cần nó để mơ” cực kỳ dị biệt và lôi cuốn, nhưng chẳng mấy người chấp nhận nó là thơ. Vì sao? Vì Racter đâu phải tác giả có thật bằng xương bằng thịt. Racter là tên một phần mềm máy tính. Racter được thể nghiệm làm thơ, để đo lường mức độ bắt chước con người của máy móc.

So với Racter thì ChatGPT tiến bộ gấp trăm, gấp ngàn. Song, ChatGPT có thể làm ra loại thơ đủ sức thuyết phục con người hay không lại là điều không đơn giản. Chính con người cũng không thể rạch ròi hình dáng khuôn định của thi ca, thì các thuật toán không thể nào thu hẹp khoảng cách giữa nhà thơ và máy móc. Lập trình viên dù “cấy” cho ChatGPT những quy tắc cốt lõi để làm thơ, thì ChatGPT cũng không thể viết những câu thơ có bản sắc của nhà thơ đích thực.

Từ lâu, các chuyên gia máy tính đã lấy tiêu chí thi ca để xác định từng ngưỡng phát triển của trí tuệ nhân tạo. Và dĩ nhiên, việc hòa trộn ngẫu nhiên những dữ liệu có sẵn, không phải sáng tạo văn chương và càng không phải là thi ca. Có thể hình dung ChatGPT làm thơ như thế nào? Người viết bài này thử dùng thông tin từ một số tấm biển của chính quyền TP.HCM nhắc nhở người dân, tại khu vực cầu Bình Triệu có tấm biển “đường chờ lún”, tại khu vực chợ Bà Chiểu có tấm biển “chợ tạm củ quả”, còn tấm biển “nói không với bạo lực gia đình” nhan nhản khắp nơi.

Từ ba tấm biển trên, dễ dàng ghép lại thành câu “Chợ tạm củ quả, đường chờ lún/ Nói không với bạo lực gia đình”. Đó là hai câu có nhịp điệu, mỗi câu 7 chữ, có giống thơ không? Thơ hậu hiện đại chăng? Người trân trọng thi ca và có năng lực thẩm mỹ thi ca, sẽ không thấy chút chất thơ nào ở đây.

Trí tuệ nhân tạo AI đã và đang ứng dụng rầm rộ trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, từ âm nhạc đến hội họa. ChatGPT dấn thêm một bước ngoạn mục về kỹ nghệ xây dựng văn bản. Bài báo của AI, truyện ngắn của AI, kịch bản của AI... khiến cộng đồng sửng sốt. Thế nhưng, thi ca vẫn xa lạ với AI. Trí tuệ nhân tạo AI có thể chiến thắng kỳ thủ vô địch thế giới, nhưng khó lòng khuất phục một nhà thơ có ý thức dâng hiến cho đời những xao xác chắt chiu từ buồn vui chính mình. Thi ca không phải nghệ thuật của sự đầy đủ dữ liệu và sự tính toán chính xác, với một số chữ nhất định theo một trật tự nhất định. Bởi lẽ ấy, ChatGPT chỉ làm được những đoạn chắp vá ngôn ngữ vô hồn.

Đừng nghĩ rằng, ChatGPT đưa ra những cụm từ hấp dẫn với tốc độ siêu việt là dấu chấm hết cho vai trò của nhà thơ. Khen ngợi một bài thơ do ChatGPT làm ra, là tôn vinh nghệ thuật giả tạo. ChatGPT làm thơ bằng thao tác một người xáo chữ nghịch ngợm mà thôi. Máy móc không có khả năng ưu tư như con người. Máy móc chỉ tổng hợp và suy luận khác con người, chứ không thể giống con người. Giá trị bài thơ nằm ở ý thức sâu kín của con người, đau khổ hay sung sướng, ly biệt hay sum vầy, ngay cả sự bất hạnh cũng có nhiều cung bậc, thì ChatGPT không thể thấu hiểu và làm thay.

Trí tuệ nhân tạo AI vẫn hướng đến sự tiến bộ về ngôn ngữ tự nhiên, mà thi ca được lấy làm một thước đo hiệu quả. Rồi đây, các thuật toán sẽ được nâng cấp, để có thể tìm ra những từ ngữ phù hợp nhất và sắp xếp lắt léo nhất, thì cũng chỉ gây ngạc nhiên, chứ không gây rung động. Chắc chắn không có thuật toán nào có thể lập trình cảm xúc con người. ChatGPT không làm được thơ đúng nghĩa, do ChatGPT không có trái tim như con người.

Sự có mặt của ChatGPT là một lời cảnh tỉnh cho các nhà thơ, đừng ẻo lả làm dáng nữa và cũng đừng vờ vĩnh yêu đương nữa. Những bài thơ không xuất phát từ nước mắt đồng cảm và âu lo lương thiện, đã có ChatGPT làm rồi. Các nhà thơ phải viết những câu thơ ứa ra từ tâm can mình.

ChatGPT giúp vai trò sáng tạo thi ca được dịp phục hồi nguyên vẹn từ con người và vì con người. Thi ca trở thành rào cản để không cho máy móc xâm lấn cá tính và thay thế tình yêu giữa con người với con người. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên khi phần lớn nhân loại tiến bộ đều thấy rằng thi ca là chốt chặn cuối cùng của con người trước làn sóng tấn công của các loại máy móc ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

LÊ THIẾU NHƠN

.
.
.