.
BÚT KÝ

Ví dầu tình bậu muốn thôi

Cập nhật: 17:50, 15/09/2023 (GMT+7)

Ngày nhỏ ở quê tôi thường nghe má tôi hát ru em tôi ngủ, những câu hát có vần, điệu theo thể loại thơ lục bát xuất xứ từ ca dao không chỉ mang âm điệu ngọt ngào, dễ thuộc, dễ nhớ mà còn mang đậm ý nghĩa đạo lý, tình nghĩa ở đời. Những câu hát ru thật thú vị khi nói về con cá bống, mượn hình tượng con ca bống kho tiêu để nói về tình nghĩa vợ chồng.

Cá bống sao kho tiêu đặc sản không thể nào quên.
Cá bống sao kho tiêu đặc sản không thể nào quên.

“Ví dầu tình Bậu muốn thôi

Bậu gieo tiếng dữ để rồi bậu ra

Bậu ra Bậu lấy ông câu

Ông câu cá bống chặt đầu kho tiêu

Kho tiêu kho ớt kho hành

Kho ba lượng thịt để dành Bậu ăn”

Họ cá bống có rất nhiều loại, có loại da trơn, có loại da nhám. Nhưng đã là cá bống thì thịt ngọt, hiền lành, mát dạ, mát lòng khi được chế biến trong bữa cơm quê. Nhất là con cá bống khi được kho tiêu vừa cay, vừa mặn, vừa ngọt. Đặc biệt là con cá bống sao khi kho sả với mùi thơm rất đặc trưng không sao quên được.

Người thành phố chắc ít ai biết cá bống sao, trừ cư dân gốc quê mà đặc biệt là những người sống miệt vườn, miệt rẫy. Cá bống sao cùng họ với cá lóc nói và cá thòi lòi, nhưng lớn hơn cá lóc nói và nhỏ hơn cá thòi lòi. Cá bống sao trưởng thành to bằng ngón tay cái, thân hình ngắn hơn cá kèo, hai mắt lộ, hai vi trước vừa để bơi trên mặt nước vừa để bò trên bùn, kỳ dài, dựng đứng, vảy nổi nhiều chấm xanh giống như sao trời nên được gọi là cá bống sao để phân biệt với cá bống kèo vốn là họ hàng, láng giềng với cá bống sao. Ở các chợ thành phố hầu như không thấy bán cá bống sao, trong khi cá bống kèo thì bán rất nhiều nhưng hấu hết đều là cá nuôi chứ hiếm khi được cá trong thiên nhiên.

Cá bống sao sống trong mương vườn, ở hang sâu rất nhiều ngách và khó bắt. Cá bống sao cũng sống trên bãi bùn của sông, kênh, rạch… Nước lớn cá bống sao từ dưới hang chui lên đi kiếm ăn theo mép nước nổi nhiều phù sa màu mỡ gà. Nước ròng cá di chuyển trong mương vườn, trên mặt lớp bùn non gần miệng hang, cá bống sao rất nhút nhát nếu thấy bóng người hoặc nghe tiếng động lạ lập tức phóng nhanh, chui vào miệng hang lẩn trốn, phải thật lâu mới dám bò lên. Bắt cá bống sao trong mương vườn, trên bãi bùn của sông, kênh, rạch phải là người “thiện nghệ” và đa phần là phụ nữ, đàn ông lớn tuổi nhiều kinh nghiệm còn trẻ con chỉ thổi ống xì đồng hoặc lấy đất… chọi cho vui mà thôi.

Chính vì trẻ con không thể bắt cá bống sao ở hang nên không biết từ bao giờ được người lớn truyền lại một cách bắt cá bống sao… không ở hang mà trôi nổi trên mặt nước để kiếm ăn khi thủy triều lên, đặc biệt là lúc nước vừa lớn tới ven bãi bùn ở sông hoặc kênh, rạch: Đó là chĩa cá bống sao. Loại chĩa dùng chĩa cá bống sao rất đơn giản, trẻ con thôn quê đều làm được bằng cách cắt 3 khúc căm xe đạp mài nhọn đầu, dũa cạnh gắn 3 mũi chĩa vào một cây trúc dài khoảng 2m làm cán. Đi chĩa cá bống sao phải có 2 người và chiếc xuồng ba lá. Một người chèo xuồng , một người chĩa và có thể thay đổi nhiệm vụ.

Một buổi đi chĩa cá bống sao bắt đầu từ con nước lớn và phải theo lộ trình từ sông vào kênh, rạch khi nước đứng thì chèo xuồng về. Con sông quê tôi gần cửa biển, đoạn chảy qua làng có bãi bùn rộng dài và mép nước khi thủy triều lên ngang với rặng bần, chúng tôi lấy đó làm bãi tắm nên có thể xem như điểm xuất phát cho một buổi đi chĩa cá bống sao. Tay chèo xuồng cho tay chĩa cá phải “ăn giơ” với nhau và hai người đều quan trọng như nhau, hiểu ý nhau mới mang lại kết quả tốt. Nếu tay chèo xuồng không hiểu ý hoặc muốn “phá ngang” thì tay chĩa cá chỉ có nước bó tay.

Cá bống sao chà với tro bếp cho hết nhớt, đánh vảy, làm sạch, có thể chế biến thành 3 món thông dụng nhưng rất ngon: một là nấu canh chua bần, hai là kho sả, ba là nướng cặp gắp dầm nước mắm rau răm. Thịt cá bống sao dai, ngọt, rất thơm, chế biến thành nhiều  món ăn dân dã mà ở thành phố không có được. Cá bống sao vẫn sống trong môi trường tự nhiên chứ chưa phải là loại cá nuôi như cá bống kèo nên chĩa cá bống sao vừa là thú vui của người thôn quê, vừa là một cách tăng cường bữa cơm gia đình, giúp chúng ta sống lại một thời tuổi nhỏ đầy ắp kỷ niệm khó quên.

Mấy năm trước về quê tôi mang theo cây súng hơi bắn đạn chì, đi dọc trên bờ mương vườn rình bắn những con cá bống sao bò loanh quanh miệng hang. Từ khoảng cách 30m, một cây súng hơi 9-12 kg cân chỉnh chính xác có thể bắn cá bống sao “bá phát”. Nhưng cá biệt có những chú cá bống sao to lớn, rất khỏe, viên đạn chì đi xuyên qua mình thủng một lỗ nhưng vẫn bò nhanh vào hang, có thể chú cá không sống nổi hoặc do trúng phần mềm chỉ bị “trọng thương” rồi tự lành vết thương chăng? Nhưng nếu gặp tay chĩa thì chú cá không thể thoát.

Bài hát ru em “Ví dầu tình Bậu muốn thôi” chỉ nói chung chung về con cá bống chứ không nói cụ thể con cá bống gì. Nhưng tôi có cảm nhận câu “Bậu câu cá bống” ở đây là nói về con cá bống dừa, hoặc cá bống các chứ không nói về con cá bống sao, bởi cá bống sao không ăn câu bao giờ người ta chỉ lội mương, lội rạch thụt hang má bắt được thôi. Chỉ có cá bống dừa, bống các mới ăn câu. Tuy nhiên nội dung chủ ý của bài hát ru em này chĩ mượn con cá bống làm cá cớ để nói câu chuyện người đàn ông trách vợ mình phụ bạc chỉ vì mê ông câu mà dứt bỏ nghĩa tình, muốn thôi, nên gieo tiếng dữ cho ông chồng để ra đi. Hoá ra ông câu có tài câu cá bống kho với thịt… để dành cho bậu ăn.

Ngẫm lại ờ đời câu “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” là có thật. Chẳng cần nghệ nghiệp cao sang, chỉ cần là ông thợ câu cá bống thiện nghệ thôi cũng khiến mấy bà mê ăn cá bống kho tiêu, kho ớt, kho hành thêm 3 lượng thịt (lạng) nữa là tuyệt chiêu câu… vợ ông hàng xóm. Nhưng ý nghĩa thâm sâu của bài hát ru em “Ví dầu tình bậu muốn thôi” lại còn hàm ý cảnh báo mấy ông chồng coi chừng mất vợ nếu không biết chiều theo cảm xúc, sở thích của vợ.

VÕ THU SƠN

.
.
.