.
Truyện ngắn

Liêu xiêu dáng biển

Cập nhật: 15:58, 07/07/2023 (GMT+7)

Sam chậm rãi quảy đôi gánh xuống bãi cát trắng mịn, chen vào đám đông đang dọn hàng. Những bà mặc áo khoác sơ mi ca rô, đeo bao tay vải, khẩu trang bịt kín mặt, đầu đội nón lá đang loay hoay ở các cây cọc cắm thành hàng dài trên mặt cát. Họ treo đèn led sạc điện sẵn lên cọc, xếp mấy chiếc ghế nhựa lùn.

Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của: MINH SƠN

Thả gánh nhích ra một chút, Sam khiêm tốn đặt ba chiếc ghế con bên cạnh. Quang gánh dùng chậu nhựa đỏ thay cho thúng tre, để bên trong bốn, năm thẩu nhựa kích thước khác nhau đựng rau cải xắt sợi, hành lá xắt nhỏ, ớt băm, sa tế, nước mắm. Cháo được chứa trong thùng đá đỏ tròn, nồi phi xào hành vàng ruộm dù đậy nắp vẫn bay mùi thơm nức mũi. Tô nhựa và muỗng được phủ lớp vải để khỏi bám bụi cát.

Lưng lửng chiều, mặt trời chiếu nốt những tia nắng cuối ngày óng ánh sóng nước, mọi người đổ xô xuống bãi tắm biển. Đám trẻ con vọc nước, dí theo con sóng, đào hang, xây lâu đài cát. Thanh niên choi choi chia phe đánh bóng chuyền, dí bắt còng. Mấy ông bà trung niên cũng nhảy ùm xuống làn nước mát thỏa thích. Bãi đông nghịt người lên xuống, í ới gọi nhau, ồn ã nói cười, đằng này kiếm người, đằng kia tìm dép.

Trời dần chập choạng, ngâm mình trong biển đã đời, từng người ướt nhẹp lên bãi chọn đại một chỗ ngồi, gọi vài món ăn lót dạ. Hến xào xúc bánh tráng, cháo phi, cháo nghêu, gỏi cuộn chấm tương, bánh tráng trộn, cá chỉ vàng, mực nướng, cá viên chiên,… mọi thứ đều nóng hổi, thơm phưng phức.

Trên bãi biển nhờ nhợ tối, vài cụm được chiếu sáng bởi ánh đèn yếu ớt, đám thanh niên ngồi nhâm nhi những món ăn vặt, vừa ngắm biển vừa chuyện trò giữa chiều hè mát mẻ lộng gió. Đợi trời tối hẳn, ông quản lý góa vợ sẽ xuống nhắc nhở, những gánh hàng rục rịch dọn về, là lúc người tắm biển rời đi, trả lại cho vùng biển thứ thanh âm đơn thuần của ngàn con sóng vỗ.

***

Lần thứ tư, nói nhẹ riết lờn, ông quản lý trật tự xuống tận bãi tắm đuổi cổ Sam. Để chị ngồi lại sẽ khiến mấy bà bán hàng khác ở thôn quạu quọ vì bị giành mất khách. Mà đuổi Sam đi thì tội nghiệp, biết đứng mô bán cho hết gánh cháo phi. Thôi làm khó người còn hơn tự làm khó mình. Ông quản lý thở hơi ra nhìn theo bóng lưng liêu xiêu của Sam sau khi trút một tràng cục súc vào mặt chị.

Thiệt đúng tiếc, cháo phi chị Sam nấu ngon nhứt xứ ni. Để bắt được con phi chẳng dễ dàng chi, nên lại càng quý. Vào mùa, nước lợ xuống cạn, người dân dong ghe ra ngã ba sông, nổ máy xoay tròn xói bùn cát dưới đáy sông lên, dùng vợt hứng vớt con phi bị cuốn theo dòng nước lẫn cát. Phi đem về ngâm nước pha muối hột qua đêm cho nhả hết cát và cặn. Dùng mũi dao nhọn tách vỏ, hứng lấy nước chảy ra từ thịt, để yên đợi cát lắng rồi chắt lấy phần nước trong và ruột phi trắng ngần còn tươi đem nấu cháo cho ngọt.

Từ bữa có gánh cháo phi của Sam, mấy nồi cháo nghêu ít đi nửa lượng khách. Tại con phi béo múp, giòn sần sật, ngọt nước hơn so với nghêu, hoặc do tay nghề của Sam ăn đứt người khác. Sau khi tắm mát được ăn tô cháo ấm bụng nghe đã đời ông địa.

Bận trước, khi chưa đấu thầu khu vực bán, họ túm tóc tranh nhau, canh giờ chạy sút dép ra bãi giành chỗ mới kiếm được vị trí thuận mắt tiện đường khách tắm từ biển lên. Đợt rì-sọt, nhà hàng dựng lên ven biển, chủ liên kết quản lý, cấm tiệt bán hàng rong, muốn độc quyền làm dịch vụ. Sau dân đói túng nên la ó quá, quản lý nới lỏng, bắt phải nộp tiền mới được đứng ké.

Như bây chừ, cũng đóng phí năm để có khoảng nho nhỏ chừng mét vuông để đặt nồi cháo hoặc gánh hàng, bàn nướng. Tùy vị trí đứng mà tiền phí khác nhau, càng gần với lối người lên xuống bãi tắm thì mức giá càng cao. Lẽ dĩ nhiên, Sam bị hàng chục cặp mắt ngó nghiêng, kẻ hậm hực, người xót xa. Tự dưng Sam từ đẩu đâu ở thôn khác, xã khác, bãi biển khác, lại mò qua đây giành khách của bọn họ.

***

Cái số của Sam khổ quá rồi, chuyện vợ chồng chị kéo nhau ra toà ly dị do “tiểu tam” đã theo gió bay khắp khoảng trời quê. Thời chừ tìm kiếm hạnh phúc có vẻ khó, người ta dễ dàng hẹn ước trước bội bạc sau, quên nhau chỉ trong vài nốt nhạc. Gặp người khác có thể ôm con về nhà ngoại, chớ như Sam đâu còn đường nào về.

Ba của Sam ôm sóng bám biển, chưa bạc đầu đã mất hút theo cơn bão ngoài khơi xa. Má Sam ngây dại mấy mùa biển động, tuổi đời dừng lại bởi những trận ho cào họng. Sam thuê đại căn trọ cho hai đứa con tránh nắng mưa, còn bản thân thì ban ngày đi bán hàng rong, buổi tối phụ rửa chén cho quán nhậu.

Có người thương tình, xin quản lý du di cho Sam bán cháo ở bãi. Lắm kẻ hoạnh hoẹ, dân địa phương đã không đủ chỗ chen, nếu chị ngồi đó thì chén cơm của họ sẽ vơi bớt vài phần. Mỗi tô cháo có mười, mười lăm ngàn bạc chớ nhiều nhặn chi, bán bao nhiêu tô còn chưa đủ đóng tiền phí giữ chỗ. Ai cũng túng thiếu, quanh năm suốt tháng cắm mặt tích góp cóp nhặt từng đồng lẻ, lấy đâu thời gian để bàn chuyện cảm thương cho phận đời bạc bẽo. Nói đến cùng, chúng ta đều phải sống vì bản thân mình trước tiên, rồi mới lo đến người khác được.

Lần nào Sam cũng quảy đôi gánh tránh xa chỗ cắm cọc. Chị cúi gằm mặt mà đi, cát lún xuống dưới đôi bàn chân. Mặc kệ nắng mưa hay miệng đời, chị buộc nín nhịn để lo miếng ăn cho con cái.

Vẫn có khách gọi với theo hỏi mua cháo. Ai kêu đoạn nào Sam dừng quang gánh chỗ đó. Cứ gánh thế đi dọc hết bãi cát cho tới khi tối mịt, mau mắn bán sạch nồi cháo phi. Chỉ là, thay vì ngồi yên đỡ cực, vai Sam hằn thêm cục u vì bán cháo “chạy”, quản lý đuổi chỗ này, Sam gánh chạy qua nơi khác. Ông quản lý ngoài mặt la lối Sam lì đân gây mất trật tự, nhưng lâu lâu mới xuống đẩy chị đi cho có lệ. Hai người cù cưa giữa biển mỗi chiều trở thành cảnh tượng quen thuộc với tất thảy bà con.

***

Đang khề khà cụng ly với đám bạn sau khi dẹp mớ rác do khách tắm biển và mấy bà bán hàng rong để lại, ông quản lý chợt thấy điềm lạ. Không dưng người đàn bà quẳng ngang đôi quang gánh, chạy thục mạng về phía biển. Biển đêm yên ắng như mọi ngày, từng đợt sóng vỗ vào bờ, bọt vỡ tan vào trong lặng thinh. Ánh trăng bán nguyệt bị quầng mây bao bọc, sáng nhàn nhạt chẳng đủ soi rõ mặt người. Nhưng ông quản lý vẫn nhận ra người đang chạy tới nơi bóng trăng sóng nước là Sam. Lẽ nào chị nghĩ quẩn mà làm liều? Ông sảng quá, đẩy ghế ngã chỏng chơ dí theo sau.

Trong khoảnh khắc gần chạm biển, ông quản lý nhận ra đằng xa có cánh tay đang chấp chới. Hóa ra người cần níu lại chẳng phải Sam. Người đàn bà mười mấy năm làm nghề chài lưới và ông lái tàu nửa mùa thuở trước cùng bơi ra biển, nắm tay kéo thằng bé chín tuổi mập ú vào bờ. Đứa nhóc mặt mũi tím tái ho ọc nước, cả ba cùng thở dốc, run run vì lạnh.

Dù đã dặn kỹ, cấm dân tắm biển đêm, có khi ông quản lý xuống tận nơi lùa người lên bãi như lùa vịt, nhưng đôi khi vẫn xảy ra sơ sót. Có thể người ta bất chấp sự an toàn của bản thân, hoặc ai cũng tin rằng xui xẻo sẽ chừa mình. Hay có lúc người lớn không sát sao coi ngó mấy đứa trẻ con nghịch ngợm, một phút lơ là liền bị biển mênh mông nhấn chìm, cuốn trôi.

Bởi gánh cháo ế nên Sam lần lữa ở bãi muốn bán tới khi người tắm biển cuối cùng rời đi. Cũng nhờ thế, chị mới nhìn thấy tín hiệu cầu cứu yếu ớt của đứa trẻ. Chớ từ vị trí ông quản lý ngồi nhậu cách quá xa mặt biển, làm chi thấy được bàn tay ai đó đang kiếm tìm cái níu tay. May mà có Sam, ông quản lý không phải bị khiển trách vì làm sai chức trách. Nếu lỡ chuyện bất trắc xảy ra thiệt, chắc ông sẽ áy náy day dứt hết quãng đời còn lại.

Xã tuyên dương Sam, biếu cái phong bì nho nhỏ để giảm chút gánh nặng cơm áo đang đè trên gánh cháo bán rong. Suốt buổi sáng đó, ông quản lý ngồi ngó nghiêng bóp trán. Chỉ cần Sam có hộ khẩu ở xứ này, chắc mấy bà bán hàng sẽ ngưng bắt bẻ. Ông đang dư căn nhà bỏ trống, vắng người thuê từ đợt dịch tới chừ, hay là…

***

Hoàng hôn nhuộm đỏ chân trời, mấy bà bán hàng rong lại lục tục dọn đồ ra chỗ mớ cây cọc cắm sẵn. Bữa nay có thêm cây cọc mới hơi chệch khỏi hàng, tạo thành cụm gần nhau hơn. Ánh nhìn của họ dành cho Sam đã giảm chút dè chừng, bực dọc. Thôi kệ, thời buổi khó khăn, mỗi người bớt đi một muỗng cơm, góp lại sẽ đầy chén. Hình như hôm bữa có ai đó rơm rớm cám ơn Sam đã cứu đời đứa con nghịch dại của họ.

Cái mũ vải rộng vành, chiếc áo khoác mỏng dé ôm sát người, khẩu trang trùm kín mặt chừa hai con mắt, nếu ngó thoáng qua sẽ dễ lẫn Sam vào với những người đàn bà quê khác. Nhưng ông quản lý chưa khi nào nhìn lộn, suốt mùa nắng dài ngất ngư, chính ông đã bao lần cố đuổi Sam ra khỏi vùng biển này.

Một ngày như mọi ngày, bãi biển dần dần đông nghịt người. Mùa nắng nóng, không gì thích bằng mỗi chiều chạy xuống biển bơi vài vòng, hoặc đơn giản là đứng trên bờ hít gió trời căng tràn lồng ngực. Người thư giãn, hưởng thụ, người buôn bán, kiếm tiền, còn thời gian cứ chầm chậm trôi. Đợi chặp trời tối hẳn, ông quản lý chắc chắn sẽ xuống bãi cát “lùa” hết người lên trên.

Bỏ chầu nhậu với anh em, mấy nay ông quản lý hay ngồi một mình trong căn chòi gác, thả mắt hướng về phía biển ưu tư. Giữa không gian mênh mang mờ mờ tối, có bóng dáng quen thuộc đổ người về phía trước, bước đi dứt dạt với đôi quang gánh nhẹ bẫng trên vai, bỏ lại sau lưng hàng ngàn con sóng đang vỗ nhẹ vào bờ.

Truyện ngắn: NY AN

.
.
.