.
TẢN VĂN

Nhớ thương một ngọn đèn dầu

Cập nhật: 15:53, 07/07/2023 (GMT+7)

“Nhớ thương một ngọn đèn dầu

Của thời nghèo đói qua lâu lắm rồi...”

Có những kỉ vật quá khứ đã không còn xuất hiện trong đời sống thường nhật nữa lại khiến cho lòng ta rưng rưng nhớ, ví như chiếc đèn dầu chẳng hạn. Một hiện vật quan trọng trong cuộc sống sinh hoạt và văn hóa của người dân tự nghìn xưa đã dường như biến mất hẳn. Hoặc nếu có thì nó cũng nằm lặng lẽ trong bảo tàng kí ức, nơi góc bếp lấm láp tro than, trên hương án từ đường chỉ chợt sáng đôi lần lễ tết. Vùng ánh sáng nhạt nhòa của kỉ niệm cứ soi sáng mãi trong lòng ta về nỗi nhớ một thời nghèo khổ, loang dần ra bao nhiêu vùng nhớ như vệt dầu ta lỡ tay làm đổ thuở nào...

Trong quá trình tiến hóa của lịch sử loài người, việc phát minh ra lửa có lẽ là thành tựu vĩ đại nhất của người nguyên thủy. Ánh sáng trở thành nguồn năng lượng vô tận cho con người. Từ bó đuốc, đống lửa đã giúp con người vượt qua đêm đen tăm tối. Rồi dần dà, con người biết lấy nhựa cây, dầu trẩu tẩm vào sợi bông để khêu đèn thắp sáng. Ngọn đèn trở thành biểu tượng cho cuộc sống văn minh, đầm ấm, hạnh phúc và sau nữa là biểu tượng cho sự học của con người.

Trước khi có đèn dầu (đèn Hoa Kỳ) xuất hiện ở nước ta thì người Việt vẫn có thói quen dùng dầu lạc hay nến để thắp sáng. Đèn dầu có mặt tại Việt Nam vào khoảng nửa cuối thế kỉ 19. Hãng Shell – một hãng buôn dầu hỏa có tiếng của Mỹ đã chọn nước ta làm thị trường buôn bán chủ yếu. Để tiếp thị, hãng Shell đã khuyến mại bất kì ai chọn mua dầu của hãng đều được tặng kèm một chiếc đèn. Và đèn dầu dần trở nên phổ biến trong cuộc sống thường nhật.

Qua lịch sử thời gian, vật liệu làm những chiếc đèn cũng thay đổi từ đất nung, đồng, gỗ, gốm, thủy tinh... với đủ kiểu dáng, kích cỡ khác nhau. Ta nhớ vào những năm thập niên 80, 90 thế kỉ trước, khi chưa có điện, làng mình nhà nào cũng có dăm chiếc đèn dầu. Đến nỗi như nhà ta, cha phải dùng một thanh ván to làm giá bên chái bếp để đặt tất tật mọi thứ liên quan đến đèn như đèn, chai dầu, chụp, bấc cho tiện sử dụng. Còn các buổi việc làng hay văn công xã biểu diễn thì bọn con nít lại thích thú ngắm ánh sáng của chiếc đèn Măng – sông treo tít trên cao.

Thuở ấy, đời sống còn nghèo khó, kiếm được đồng tiền hằng ngày rất vất vả, có khi chỉ chờ vào mùa thu hoạch, dầu lại khá đắt đỏ nên cha mẹ thường nhắc nhở các con biết tiết kiệm dầu như ta giờ thường nhắc con tiết kiệm điện. Khi nào trời thực sự tối hẳn mới được châm đèn. Đèn dùng vào việc quan trọng như ăn cơm, cho con học. Mẹ còn tận dụng ánh sáng mờ tỏ nơi chiếc đèn con học để làm các công việc ngày chưa kịp làm như khâu vá, sàng sảy hạt gạo... Trong nhà chẳng mấy khi được cùng lúc chong hai ba ngọn đèn nếu như không phải lễ tết hay có việc quan trọng.

Thuở ấy, ta còn là con nít nên đâu biết đến sự cực khổ, nỗi lòng của mẹ cha. Ngồi học, chị em lại vặn to bấc đèn lên cho sáng, rồi trông cho bấc cháy nhanh để đếm xem có bao nhiêu hoa đèn (thực chất là muội đèn bám) bởi ngây thơ tin càng nhiều hoa đèn thì càng may mắn. Để ánh sáng tỏa ra nhiều nên không dùng đến chụp đèn. Có khi ngủ gục, tóc bị đèn táp cháy khét lẹt là chuyện thường. Cũng có khi vô ý làm đổ đèn khiến dầu vương cả vào sách vở. Học xong, ta lại bày ra trò chơi làm các con vật từ đôi bàn tay, rồi cùng chiếc chăn chiên bao nhiêu nhân vật trong cổ tích hiện ra trên vách liếp qua trò diễn xuất của mấy chị em. Rồi còn trò chơi mà lũ trẻ ngày ấy đứa nào cũng thích là bỏ vòng giun vào trong đèn dầu để ngâm. Ngâm càng lâu thì vòng giãn nở càng to và đem thi nhau vòng đứa nào to nhất. Ngâm hết vòng này đến vòng khác chứ đâu biết dầu đã sắp cạn trong đèn.... Chợ xa, cách ngày mới họp; quán tạp hóa chưa có, nên khi lỡ hết dầu, mẹ lại sai ta sang nhà hàng xóm để vay. Phải chăng câu nói quen thuộc “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” cũng xuất phát từ đó.

Có phải vì nghèo khổ hay vì cuộc sống còn hồn nhiên gắn bó với thiên nhiên chứ chưa bị lệ thuộc bởi thiết bị công nghệ nên thời ấy ai cũng thích những đêm có trăng. Ăn cơm ngoài sân dưới ánh trăng cho đỡ tốn dầu. Ngả chõng nằm ngoài sân để tận hưởng trăng thanh gió mát. Rồi trục lúa, đào ao đắp nền nhà... đều diễn ra dưới ánh trăng.

Ta nhớ hồi ấy trong xóm, ông Oanh là người khéo tay nhất. Ông không chỉ sáng tạo ra bao nhiêu thứ đồ chơi lạ lẫm cho trẻ con mà còn làm ra những chiếc đèn độc đáo đem cho tặng bà con. Từ cái chai thủy tinh, lọ mực Cửu Long hết, vỏ ống sữa... ông làm ra đủ loại đèn kích cỡ khác nhau. Và trong vô vàn niềm vui tuổi thơ ngày ấy, bọn trẻ chẳng thể quên những lúc háo hức vây quanh, xem ông làm tỉ mẩn, khéo léo như một nghệ nhân.

Rồi làng quê có điện lưới, chiếc đèn dầu ám muội dường như đã làm hết bổn phận của mình chẳng mấy ai còn nhớ đến. Thế nhưng cha vẫn xếp chúng lại gọn gàng, ngay ngắn trên cái kệ nơi chái bếp. Những lúc mưa gió bão bùng mất điện, đèn dầu lại như sự cứu cánh cho con người.

Rồi ta lớn lên, ra thị thành để học, hòa nhập với cuộc sống văn minh hiện đại của ánh điện đủ sắc màu. Đôi khi nhớ quê, nhớ kỉ niệm, ta lại thơ thẩn ra nơi ngã tư vắng lặng, nơi có ánh đèn dầu le lói của chị bán hột vịt lộn. Hoặc có khi ngược lên ga tàu, nơi có quán cóc với nước trà, kẹo lạc, đèn dầu để chứng kiến bao nỗi sum họp chia li. Ánh đèn dầu ấy đâu chỉ soi sáng miền kí ức mà còn soi giúp ta đường đến tương lai.

Giờ đây, cuộc sống làng quê đã bớt nhọc nhằn. Mọi tiện nghi sinh hoạt đều dùng đến điện. Nhưng nhà nào cũng vẫn giữ một ngọn đèn dầu để thắp hương cho ngày sóc vọng, lễ tết trên bàn thờ tiên tổ. Giữ ngọn đèn đã từng soi sáng cho bao thế hệ tiền nhân, ánh sáng ấy như nối gần hai thế giới âm – dương, truyền thống – hiện đại, và ngỡ như hình bóng của người thân đã khuất cứ chập chờn ẩn hiện đâu đó thật gần để chứng kiến, để độ trì cho bậc cháu con.

Nhớ thương một ngòn đèn dầu, ta chợt mường tượng hình bóng cha ta trầm ngâm, rít điếu thuốc lào bên chiếc chõng tre; hình bóng mẹ ta đang cần mẫn sảy sàng hạt gạo; hình bóng của mấy chị em chụm đầu ngồi học ê a. Nhớ thương một ngọn đèn dầu, ta ngỡ như cái vùng ánh sáng nhờ nhờ, hiu hắt ấy cứ mãi còn ám muội trong ngăn kí ức mỗi người quê. Nhớ thương một ngọn đèn dầu, ta lại lẩm nhẩm lời bài hát “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại, từng câu chuyện ngày xưa...” mà nước mắt rưng rưng...

ĐINH HẠ

 
.
.
.