.

Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

Cập nhật: 15:57, 07/07/2023 (GMT+7)

BÀI LIÊN QUAN:

Nguyễn Thùy có cô người yêu là sinh viên Đại học Sư phạm ban Anh văn rất quý trọng Bùi Giáng, cô này thường đi theo Bùi Giáng uống cà phê, quàng vai ông rất thân thiết khiến Bùi Giáng rất vui.

Bùi Giáng và mối tình mộng tưởng.
Bùi Giáng và mối tình mộng tưởng.

Năm 1976, cô Thanh Vân đang học năm cuối Đại học Vạn Hạnh, Bùi Giáng thường đến cổng trường đứng dưới đường gọi với lên: “Bồ Tát Thanh Vân ơi” khiến cô sinh viên này rất ngại. Không chỉ thế, Bùi Giáng còn hét rất to: “Cô Thanh Vân ơi, cô bỏ học xuống đây đi uống cà phê với tôi vui hơn. Mấy ông giáo sư rởm ấy mà dạy cô sao được, cô phải dạy lại mấy ông đó chứ. Xuống đi uống cà phê với tôi. Không có cô tôi uống cà phê một mình buồn lắm”.

Một buổi tối Nguyễn Thùy đi dạy học, cô Thanh Vân đến chơi, lúc này có Bùi Giáng ở nhà. Bùi Giáng đưa mấy bài thơ tiếng Anh cho cô Thanh Vân dịch. Xem xong bản dịch, Bùi Giáng khen ngợi cô Thanh Vân thông minh, dịch thơ rất tài tình rồi ông ngồi xuống bảo Thanh Vân đặt chân lên đầu mình để tỏ ý cảm phục. Tất nhiên Thanh Vân không dám, Bùi Giáng liền nâng chân Thanh Vân tự đặt lên đầu và lảm nhảm những lời rất khó hiểu. 

Về sau bỗng có hai cô gái xách quần áo tới nhà Nguyễn Thùy trú ngụ, một cô dạy cấp 3, cô kia là sinh viên tên Hà. Một hôm Bùi Giáng tới trong bộ “cái bang” khiến hai cô hoảng vía, nhưng Bùi Giáng chỉ “điên điên” chứ không chọc phá nên hai cô yên tâm và biết ông “cái bang” này là nhà thơ Bùi Giáng mà hai cô nghe tiếng đã lâu nên hết sợ và đem lòng cảm mến.  Cô Hà biết ngâm thơ, giọng ngâm rất truyền cảm mà còn chịu khó theo Bùi Giáng “thiền hành” và thường đi uống cà phê với Bùi Giáng nên ông rất vui, rất hạnh phúc. Và với cô gái nào Bùi Giáng cảm mến, ông thường gọi là tiên nữ, hay Bồ Tát. Cô Hà cũng thế.

Thật vậy, Bùi Giáng đã vượt qua ngưỡng của một nhà thơ như tên thế gian thường gọi một người làm thơ, mà ông chính là một thi sĩ theo nghĩa phiêu bồng của từ này. Viết về Bùi Giáng thì người trong giới văn nghệ cũng như người ngoài văn nghệ đã viết nhiều. Và hình như khi viết về ông thì không có điểm dừng bởi lẽ chuyện về Bùi tiên sinh thì… mênh mông, bắt gặp bất cứ chỗ nào có hình bóng, râu tóc, mặt mũi, bộ “thời trang” rất Bùi tiên sinh đang ngao du giữa đời, thong dong trên phố ghẹo chọc thế gian làm vui và chọc ghẹo các giai nhân, mỹ nữ qua đường hay mãi mãi là người yêu trong mộng để làm thơ chơi.

Nhưng cũng có nhiều người bắt gặp Bùi Giáng ở những góc cạnh và hình bóng khác. Nhưng càng suy nghĩ, càng viết, đào sâu đề tài Bùi Giáng thì rốt cục, đã mấy ai biết Bùi Giáng điên hay tỉnh?

Cuộc đời và thơ của Bùi Giáng là một triền miên những sự kiện để người ta bàn cãi, tranh luận theo những cái nhìn khác nhau, góc độ khác nhau và yêu thích, ghét bỏ cũng khác nhau. Nhưng có một điều ai cũng phải công nhận là Bùi Giáng rất vui, rất hồn nhiên làm thơ và “vào cuộc điên” như cách gọi của chính Bùi Giáng và nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, bác sĩ, học giả, phê bình, nhà khoa học, nghệ sĩ, người trí thức đến cả giới bình dân, lao động, ông đạp xích lô, anh chạy xe ôm, chị quét rác, nhặt ve chai và… dân nhậu lề đường, bờ kè quán cà phê cóc, cà phê hộp, nhà hàng sang trọng đều biết. Và ở đâu đó, trong những trường hợp nào đó chợt nhớ tới, nhắc đến và trở thành những câu chuyện, vui, những giai thoại độc đáo, thậm chí “không đụng hàng”. Nên có thể nói một cách không cường điệu là Bùi Giáng quá nổi tiếng không chỉ vì thơ mà là cả cuộc đời lẫn phong cách sống của ông.

Theo lời nghệ sĩ Kim Cương, trong suốt 40 năm kể từ ngày quen biết Bùi Giáng, bà đã sở hữu cả chục cuốn sổ tay, trang nào cũng đầy thủ bút của Bùi Giáng và những bài thơ ông làm tặng bà mà Bùi Giáng vẫn gọi một cách trịnh trọng là “nương tử Kim Cương”. Những cuốn sổ tay đầy ắp thơ của Bùi Giáng tặng Kim Cương khiến bà vô cùng cảm động, và đó là thứ tài sản vô giá mà bà luôn gìn giữ cẩn trọng ở một ngăn tủ riêng.

 

Mối tình si với kỳ nữ Kim Cương

Nhà thơ Bùi Giáng nổi tiếng với những giai thoại về tình yêu của ông đối với các mỹ nhân. Ông rất mực yêu… Thúy Kiều trong “Đoạn trường Tân thanh” của Nguyễn Du tới những minh tinh màn bạc nổi tiếng thế giới như: Maryline Monroe, Brigite Bardot, rồi Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, ca sĩ Hà Thanh, hoa hậu Thu Trang tới Kim Cương.

Nhưng với Kim Cương, Bùi Giáng dành cho bà thứ tình yêu miên viễn nhất. Tuy là tình yêu đơn phương, mộng tưởng, nhưng Bùi Giáng không chỉ “tôn vinh” bà là “tiên nữ”, “Bồ Tát” theo cái nhìn thánh thiện của một thi sĩ mà còn đưa hình ảnh Kim Cương vào thơ văn, nhất là thơ, để ca ngợi bằng thứ ngôn ngữ lạ lùng nhưng tuyệt đẹp.

Sau khi được Nguyễn Thùy chuyển lời của Kim Cương mời Bùi Giáng tới nhà, Bùi Giáng tới ngay, ăn mặc rất chỉnh tề, tác phong mô phạm ra vẻ một giáo sư hẳn hoi. Bùi Giáng lấy xe đạp chở Kim Cương đi chơi, vài lần như thế ông quyết định mở lời cầu hôn, nhưng Kim Cương chỉ xem ông như một người bạn, người anh và có lẽ Kim Cương cũng tò mò trước một Bùi Giáng nổi tiếng về văn, thơ, dịch thuật và hơi có chút… bất bình thường sau vài lần tiếp xúc. Thấy đeo đuổi Kim Cương mãi không xong, một hôm Bùi Giáng tới nhà nói một cách nghiêm túc:

- Thôi tôi biết rồi, cô không chịu ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô. Nhưng cô hứa sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé? Nó còn trẻ, rất đẹp trai mà học cũng rất giỏi!

Kim Cương trả lời dè dặt:

- Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Kim không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng tính.

Mục đích của Kim Cương là tìm kế hoãn binh nên chỉ trả lời thế thôi. Nhưng không ngờ Bùi Giáng liền dẫn đứa cháu tới nhà Kim Cương giới thiệu, cũng rất nghiêm túc như khi ông mở lời cầu hôn với bà. Lúc đó Kim Cương chỉ còn biết kêu trời, vì đứa cháu của Bùi Giáng chỉ là một… cậu bé 8 tuổi. Kể từ bữa đó Kim Cương biết ông “giáo sư” Đại học Văn Khoa vừa mới “ở Đức về” theo như lời Nguyễn Thùy giới thiệu là một người không được bình thường. Và cũng chính từ khi cầu hôn Kim Cương không được những cơn “điên điên” của Bùi Giáng như ngày càng nặng hơn.

“Thiền hành cái bang”

Khi Bùi Giáng bước vào cuộc “thiền hành” bất tận với bộ đồ “cái bang”, đi đâu thì đi, thế nào Bùi Giáng cũng phải ghé qua nhà Kim Cương không sáng thì chiều, không trưa thì tối, không cách ngày thì đôi bữa, có khi  1 tuần. Những lần như thế ông kêu réo, đập cửa, la hét và theo sau là lũ trẻ con làm ồn ào cả xóm khiến Kim Cương phải tránh mặt. Lúc đó Kim Cương đã có đứa con trai 5 tuổi tên là Toro, mỗi lần thấy Bùi Giáng xuất hiện cháu Toro đã hỏi Kim Cương:

- Mẹ ơi, sao bác gì ấy giống cái xe hoa quá đi.

Cũng bởi Bùi Giáng mặc bộ đồ “cái bang” vá víu tùm lum, toàn những mảnh vải nhiều màu sắc, rồi vai mang nào những hộp lon lủng lẳng, mấy lá cờ, nhánh cây dắt quanh người, vòng hoa đội trên đầu, mấy con chó nhỏ trong túi vải… nói chung Bùi Giáng khi “thiền hành” trong mắt người lớn đã có bộ dạng kỳ dị, trong mắt trẻ con như cháu Toro thì càng đặc biệt, vô cùng ấn tượng. Bà Bảy Nam, thân mẫu của Kim Cương mỗi lần nghe đập cửa ầm ầm, tiếng la hét dậy xóm thì không còn lấy làm lạ mà chỉ điềm nhiên hỏi Kim Cương:

- Bùi Giáng tới hả?

Nhưng Bùi Giáng “quậy” vẫn chưa sợ bằng Bùi Giáng xỉn. Nhiều lần Bùi Giáng say quắc cần câu tới nhà Kim Cương nằm ngay dưới gốc cây trước cổng “phè cánh nhạn” khiến Kim Cương sợ hết hồn vì tướng tá Bùi Giáng gầy nhom, phều phào không biết chết lúc nào, nhưng khiêng vô nhà thì càng sợ Bùi Giáng chết thì mang họa. Nhưng dù sợ thì sợ nhưng mỗi lần thấy Bùi Giáng như vậy Kim Cương lại thấy tội, không nỡ…

Dù tỉnh hay say, mỗi khi Bùi Giáng tới nhà Kim Cương ông đều làm thơ tặng bà tại chỗ, thơ tặng Kim Cương lúc nào cũng như có sẵn trong đầu Bùi Giáng. Gặp bà thì nguồn thơ cứ trào ra, Bùi Giáng xé ngay tờ lịch, hay tiện tay lấy tờ giấy tập học sinh và viết ngay. Có lúc Kim Cương không mở cửa vì sợ ông “quậy” mà lấy vội cuốn sổ luồn qua khe cửa, Bùi Giáng lúi húi viết thơ tặng bà, xong lẳng lặng quay bước, trong lòng rất vui, ngoài mặt rạng rỡ, ngời ngời hạnh phúc, xem như ông vừa hoàn thành xong một sứ mạng cao cả.

Và đây là một trong rất nhiều bài thơ Bùi Giáng làm tặng riêng “nương tử Kim Cương”:

“Kính thưa nương tử Kim Cương

Tấm lòng rộng mở phi thường bấy nay

Ngàn năm điêu đứng đọa đày

Thiên thu sử lịch cau mày về sau

Thưa em đời mộng dạt dào

Tình yêu vô tận yêu đào vô biên

Kể từ tao ngộ đầu tiên

Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng

Bốn mươi năm đã lẫy lừng

Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân

Trái tim thiết thạch vô ngần

Từ tam thu tới tử phần hôm nay

Kể từ lịch sử xa xuôi

Bất ngờ một bận bùi ngùi yêu em

Lang thang vạn dặm độc hành

Cẩm nang bỏ cuộc đời mình trao em.”

(Còn tiếp) 

TỪ KẾ TƯỜNG

 
.
.
.