.

Giăng mắc một nỗi nhớ làng

Cập nhật: 17:06, 23/06/2023 (GMT+7)

Nếu tôi là một họa sĩ thì trong bức tranh tâm huyết nhất ấp ủ để cho ra “đứa con tinh thần” sẽ không thể thiếu được những nét chấm phá mộc mạc về làng quê nơi tôi sinh ra và lớn lên. Trong bức tranh ấy là một hình ảnh vùng quê nhỏ xinh, êm đềm và an yên.

Tôi sinh ra ở một làng nhỏ của dải đất miền Trung. Tuổi thơ tôi thật đẹp và trong veo mỗi khi ký ức hiện ra. Như một thước phim quay chậm để mà nhớ mà thương, nhất là trong những ngày này, đi làm nghe trong gió phảng phất hương của mùi lúa chín, bỗng thấy lòng nôn nao quá đỗi. Tôi còn thích cả mùi khói khi đốt rơm rạ. Diễn đạt thế nào nhỉ đó là cái mùi nồng nàn hòa quyện của hương đất, hương đồng. Hay ngọn khói từ chái bếp của bà nấu cơm cho cháu ăn đi học. Yêu luôn cả ngọn khói khi cả làng cùng nấu gói bánh chưng. Làn khói ấy thật mỏng manh nhưng đủ sức lay động và đeo bám dai dẳng vào miền nhớ.

Nghỉ hè nghe con gái đọc mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy, đã mấy chục năm rồi nay nghe lại mà vẫn thấy nao nao: “Tre xanh/ Xanh tự bao giờ?/ Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh”.

Rồi “tám” cho con gái nghe về tuổi thơ tôi. Là trò chơi trốn tìm, dung dăng dung dẻ cùng đám bạn bên lũy tre làng, là những ngày chăn trâu cắt cỏ ngêu ngao câu hát “ai bảo chăn trâu là khổ... chăn trâu, sướng lắm chứ!”. Và cũng được học bài thơ như con mới đọc. Mẹ nhớ nhất là chiếc đòn gánh làm từ tre cong hai đầu sương gió vất vả sớm khuya của bà ngoại. Ngoại gánh mạ non ra ruộng cấy từ mờ sáng, gánh từng gánh rau, buồng cau, nải chuối để rao bán dọc đường. Mẹ biết yêu hơn cuộc sống này, và tự hào khi lớn lên bằng những tiếng rao thân thương của ngoại... Cứ thế mà các con tíu tít “kể tiếp đi mẹ”.

Không nhớ không thương sao được khi nghĩ về những con người ở làng luôn quần quật với nắng, gió, bão, lũ của đất trời. Hè về nắng cháy da, đông đến lạnh thấu xương, mùa lũ nước ngập cả xóm làng. Không có năm nào người miền Trung không phải hứng chịu những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Cuộc sống mưu sinh đầy gian khó mang lại nhiều nỗi vất vả nhưng lại rèn luyện cho người miền Trung sự bền bỉ và chịu thương chịu khó. Chính vì vậy mà con người nơi đây luôn mang trong mình đức tính siêng năng cần cù.

Nghĩ về làng làm sao nói hết được. Dù sau này làng quê có trở mình thành đô thị thì thế hệ của chúng tôi vẫn nhớ rằng ở đó là cả một trời thương nhớ. Tôi chỉ biết đem lòng yêu làng yêu quê như ngày ấy để tìm lại bình yên trong cuộc sống quá đỗi bộn bề hôm nay. Dẫu không phải là họa sĩ nhưng tôi sẽ lưu giữ cho riêng mình bức tranh về một làng quê nồng hậu chan chứa nghĩa tình.

THIÊN KIM

 
.
.
.