Bảo tàng Nghệ thuật Quang San: Gần một thế kỷ hội hoạ Việt Nam quy tụ
Với hơn 300 tác phẩm được trưng bày, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San-Quang San Art Museum (Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, TP.Thủ Đức) đưa công chúng đến với lịch sử mỹ thuật Việt Nam trải qua gần 1 thế kỷ.
Bức tranh cỡ lớn “Đọc thư tiền phương” của hoạ sĩ Nguyễn Hiêm, vẽ năm 1964, trưng bày tại tầng 1 của bảo tàng. |
Bảo tàng Nghệ thuật Quang San vừa đi vào hoạt động cách đây ít ngày. Nơi đây lưu trữ, trưng bày nhiều tác phẩm hội hoạ đến từ các họa sĩ nổi tiếng người Việt Nam hoặc có đóng góp cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam trong gần 1 thế kỷ qua.
Không gian trưng bày như một chuyến du hành xuyên lịch sử, giúp công chúng dễ dàng theo dõi sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam qua từng thời kỳ. 3 tầng của bảo tàng là 3 không gian tương ứng: từ các khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đến giai đoạn kháng chiến, thời kỳ đổi mới và thời kỳ đương đại.
Ngay những ngày đầu mở cửa, bảo tàng đã đón nhiều lượt công chúng tham quan. Giữa không gian rộng lớn ở tầng trệt của bảo tàng, nhiều vị khách trầm trồ, dành thời gian thật lâu để chiêm ngưỡng các tác phẩm có tuổi đời gần 1 thế kỷ. Trong đó, có thể kể đến tác phẩm: “Tình mẫu tử” của hoạ sĩ Lê Văn Đệ vẽ khoảng năm 1935; bức phong cảnh của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ năm 1939; “Hai thiếu nữ Việt Nam” của họa sĩ Joseph Marie Inguimberty (từng là giảng viên phụ trách môn nghệ thuật trang trí tại Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương)…
Ở tầng 1, công chúng có thể gặp gỡ tranh “Phong cảnh Bắc Bộ” của Trần Phúc Duyên, “Lớp học thêu” của Trần Đông Lương, “Uống rượu vùng cao” của Văn Cao, “Bến sông” của Trần Hà…
Một phần lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc để giành lại độc lập, tự do cũng được tái hiện trong tranh “Thiên anh hùng ca chấn động địa cầu” của Dương Hướng Minh, “Mừng chiến thắng” của Mai Văn Hiến… Trong đó, tranh “Đọc thư tiền phương” của Nguyễn Hiêm với kích thước lớn 2x2,9m là điểm nhấn khó thể bỏ qua trong không gian này.
Khách tham quan tầng trệt, nơi trưng bày tác phẩm của những hoạ sĩ nổi tiếng thời kỳ đầu xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. |
Bước vào thời kỳ đương đại, mỹ thuật Việt Nam phát triển rực rỡ với nhiều xu hướng, cách thể hiện đa dạng. Điều đó được thể hiện rõ nét trong tranh của các họa sĩ được trưng bày ở tầng 2 của bảo tàng. Công chúng được đến đêm “Trung thu ở Trà Cổ” (Quảng Ninh) trong tranh của Trần Nguyên Đán, thăm phố cổ Hà Nội với Cơ Chu Pin, thưởng lãm vẻ đẹp của làng ven sông qua nét vẽ của Lý Khắc Nhu, tận hưởng sự bình an, vẻ đẹp con người trong mùa thu hoạch, trên cánh đồng đầy nắng của Đỗ Xuân Doãn, Lê Công Thành… Nguyễn Thiện Đức đưa người xem trở về tuổi thơ trong những nét vẽ độc đáo của phong cách trừu tượng. Tranh “Trần Hưng Đạo đánh trận Bạch Đằng” với kích thước 2,2x4m cũng khiến người xem phải dừng chân.
Đây chỉ là một phần trong khối “tài sản” lớn hơn mà bảo tàng đang sở hữu. Trong đó, có thể kể đến tranh của các bộ tứ tài danh như: Thứ-Phổ-Lựu-Đàm (Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm); Trí-Cẩn-Lân-Vân (Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân); Nghiêm-Liên-Sáng-Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái);… Tranh của một loạt họa sĩ nổi tiếng khác cũng có mặt trong bộ sưu tập hiện vật gồm hơn 1.300 tranh của bảo tàng như: Huỳnh Phương Long, Mai Đông, Nguyễn Thụ… Tất cả sẽ lần lượt được trưng bày để công chúng thưởng lãm.
Với hơn 300 tác phẩm đang được trưng bày, công chúng được du ngoạn nhiều vùng miền của Việt Nam; được ngắm nhìn, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp của truyền thống; tận hưởng rất nhiều sắc thái của con người… Mỗi họa sĩ với cách thể hiện riêng, tạo nên một “dải màu” đa dạng, bắt mắt.
Cách bày trí tận dụng không gian tự nhiên, kết hợp kiến trúc thông minh giúp các tác phẩm trông càng thú vị. Từ một góc nhìn, người xem có thể tận hưởng vẻ đẹp của nhiều tác phẩm cùng lúc, hoặc gia tăng cảm xúc khi được hòa mình với vẻ đẹp của mây trời, sông nước xung quanh nơi bảo tàng tọa lạc.
Khoảng 20 năm trước, doanh nhân Nguyễn Thiều Quang bắt đầu sưu tập tranh. Với tình yêu đặc biệt dành cho các họa sĩ xuất thân hoặc làm công tác đào tạo ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông lấy đây làm nền tảng để sưu tập và hình thành nên bảo tàng ở hiện tại. Thời điểm này, ông mong muốn những tác phẩm sẽ được đến với đông đảo công chúng hơn. Đó cũng là mục tiêu lớn nhất, vượt lên trên vấn đề kinh tế, khi thành lập bảo tàng này.
Thời gian tới, bên cạnh các triển lãm, bảo tàng cũng hướng đến mục tiêu sưu tầm thêm tranh để bảo tàng ngày càng đa dạng, phong phú. Ông Nguyễn Thiều Kiên, giám đốc bảo tàng cho biết, cố gắng giữ gìn và phát huy hết giá trị từ những điều cha mẹ ông đã dành một phần cuộc đời để theo đuổi.
HỌA SĨ NGUYỄN THIỆN ĐỨC Tìm cái đẹp trong khoảng vô hình
Tiến sĩ - Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức hiện là Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng trường Đại học Nghệ thuật-Đại học Huế. Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức thực hành nhiều chất liệu: Sơn mài, sơn dầu, acrylic, chất liệu tổng hợp, tất cả đem tới cho anh niềm đam mê và nguồn năng lượng bất tận. “Trong cách vẽ, trong ngôn ngữ tạo hình, trong cảm xúc hội họa của tôi có chất Huế, nhưng có lẽ nó tan biến hơn, không hữu hình giống như một số tác giả. Tôi muốn dành một khoảng trống, một khoảng nghỉ để người thưởng thức chiêm nghiệm. Đó có thể là một khoảng rêu phong thành quách, có thể là một khoảng mờ sương, một màu tím Huế, một màu áo dài, màu nón lá Huế, nhưng nó không hữu hình. Tôi muốn khắc họa cái bề sâu, thuộc về hồn cốt”, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức nói. |
Bài, ảnh: TRUNG SƠN