.

Có một Lê Huy Mậu qua sông nhặt bóng và xê dịch ký...

Cập nhật: 17:31, 05/05/2023 (GMT+7)

Đã từng thổn thức với “Khúc hát sông quê” và cảm mến tác giả bài thơ được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc nên khi gặp tác giả Lê Huy Mậu, tôi bày tỏ: “Tưởng chừng như tác giả viết về khúc sông quê nhà cháu!”.

Nhà văn, nhà thơ Lê Huy Mậu.
Nhà văn, nhà thơ Lê Huy Mậu.

 - “Thật tốt khi mỗi người đều nghĩ đó là con sông của quê hương mình”…

Vậy đó, Lê Huy Mậu vẫn luôn hồn hậu và dễ chịu như thế! Lần này, tôi có hẹn với tác giả “Khúc hát sông quê” để hiểu hơn về 2 “đứa con tinh thần” vừa ra mắt công chúng của ông: Ký chân dung “Qua sông nhặt bóng” cùng tập bút ký “Xê dịch ký và vạn lý hành”.

Qua sông nhặt bóng

“Tôi là nghệ sĩ. Bởi vậy mỗi người đi khi qua cuộc đời tôi đều để lại những dấu ấn tựa như bóng mây rọi xuống dòng sông. Và tôi có nghĩa vụ phải nhặt lấy cái bóng đó, ghi lại vào sách” - tác giả Lê Huy Mậu đã tâm tình như thế khi nói về tiêu đề cuốn ký chân dung của mình.

Trong “Qua sông nhặt bóng”, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã được Lê Huy Mậu ưu ái dành nhiều tình cảm. Ông cho rằng giữa hai người có duyên trời định khi cho bài thơ “Khúc hát sông quê” của Lê Huy Mậu gặp Nguyễn Trọng Tạo. Bởi phải nhờ đến sự đồng điệu âm nhạc của Nguyễn Trọng Tạo thì “sông quê” của Lê Huy Mậu mới thực sự trở thành “khúc hát”. Có lẽ chính vì lẽ đó mà bài ký về nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trong “Qua sông nhặt bóng” chứa chan tình cảm, dạt dào cảm xúc, rất đỗi bình dị, thân thương.

Bìa 2 cuốn sách mới Qua sông nhặt bóng và Xê dịch ký và vạn lý hành.
Bìa 2 cuốn sách mới Qua sông nhặt bóng và Xê dịch ký và vạn lý hành.

Cứ như vậy, 45 chân dung trong “Qua sông nhặt bóng” của Lê Huy Mậu là tập hợp những bài viết của tác giả qua một chặng hành trình gần nửa thế kỷ về những văn nghệ sĩ mà ông từng có dịp gặp gỡ, quen biết.

“Đây không phải là cuốn sách viết về những người nổi tiếng trên văn đàn hay trong xã hội, mà là những nhà văn, nhà thơ đã từng gắn bó với tôi; thậm chí đi thoáng qua cuộc đời tôi, nhưng đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ”, Lê Huy Mậu tâm sự, đó là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Xuân Sách, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Quang Lập hay về những người bạn tâm giao như nhà thơ, nhà báo Lưu Trọng Phú, Duy Quế đã đi ra tựa như bài điếu văn…

Tác giả Lê Huy Mậu trầm ngâm: “Tôi không dám khắc họa nên một bức chân dung hoàn chỉnh về họ, mà tôi chỉ dám chấm phá những nét riêng về tính cách, tâm hồn, về cuộc sống của họ mà tôi cảm nhận được. Hầu hết những nhà văn, nhà thơ được thể hiện trong cuốn sách của tôi, đã bước qua tuổi lục tuần, qua tuổi “thất thập cổ lại hy” và có cả những người đã đi vào cõi vĩnh hằng. Họ thuộc vào thế hệ những người sống vắt qua hai thế kỷ, đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và trải bao thăng giáng trong đời…

Nhưng họ là những người lao động, đứng cao hơn hoàn cảnh của đời thường, chấp nhận viết văn như là một thứ bản nghiệp để lại cho đời những trang viết, nói như Macxim Gorky là “làm người thư ký của thời đại”. Chính vì vậy, tôi muốn viết về họ là để nói lên tình cảm mến yêu, sự chia sẻ, lòng trân trọng và thậm chí cả lòng biết ơn đối với những nhà văn cùng thời và những người đi trước”.

Xê dịch ký và vạn lý hành

Trong “Qua sông nhặt bóng”, Lê Huy Mậu đã gợi nhớ đến những kỷ niệm với người bạn quá cố là nhà thơ, nhà báo Lưu Trọng Phú. Trong câu chuyện về người bạn quá cố, Lê Huy Mậu đã nhắc đến kỷ niệm được bạn cho “hai tờ xanh năm trăm ngàn” để đi làm hộ chiếu xuất ngoại.

Và ngay sau khi làm xong hộ chiếu, Lê Huy Mậu đã có chuyến xuất ngoại đi Hàn Quốc đầu tiên và sau đó là nhiều chuyến đi liền. Và ông cho đó là cơ duyên để có những chuyến đi.

Từ những chuyến đi ấy, Lê Huy Mậu đã góp nhặt nên tập bút ký “Xê dịch ký” - là những bài ký về những chuyến đi. Có lẽ không phải ngẫu nhiên khi tác giả Lê Huy Mậu cùng lúc thai nghén hai đứa con tinh thần này. Bởi đó là cuộc đời ông, những người bạn, người thân ông yêu quý có gắn bó mật thiết và sức ảnh hưởng đến cuộc đời Lê Huy Mậu.

GS.TS.Nguyễn Huy Hoàng đã nói về “Xê dịch ký”: “Các bài viết về mảng xuất ngoại của Lê Huy Mậu rất thực, phản ánh cái thực đó của một nhà văn lần đầu tiên mang khăn gói quả mướp được vượt qua biên giới. Nó không hề có cái chai lì, xơ cứng của một người quá cảnh như đi chợ, mà là tâm thế của một đứa bé nghèo được mẹ đi chợ về cho một món quà cao sang ngoài tưởng tượng.

Ông không choáng ngợp mà có chút ngỡ ngàng, sau đó bình tĩnh quan sát, khi thì cận cảnh, khi thì đối diện, khi thì từ viễn cảnh. Ông chọn góc nhìn chuẩn như người cầm máy ảnh chọn lựa để chộp được kiểu ưng ý nhất. Trong bài viết của ông chủ yếu có tên người thật, có sự kiện thật, tháng năm và bối cảnh, nên người đọc có cảm giác như được ngồi bên bàn trà hầu chuyện một một lão nông tri điền.

GS.TS Nguyễn Huy Hoàng công nhận một cách dí dỏm: “Kể cả những ai chưa từng qua Âu, Mỹ, mà ngay cả những người đã đi dăm lần bảy lượt đọc những trang văn của Lê Huy Mậu cũng cảm thấy mình mới đến lần đầu, bởi vì các câu chuyện của ông như những cuốn phim quay chậm những cảnh rất tiêu biểu, rất đặc sắc điển hình cho từng nơi ông đến.

Không những thế, những con người ông nhắc đến trong các bài ký cũng là những con người quen thuộc, rất gần gũi, chí ít là tuổi tên… Thiết nghĩ tập sách Xê Dịch Ký của Lê Huy Mậu có thể sử dụng cho các công ty du lịch lữ hành để họ cung cấp thêm cho khách hiểu thêm về đất nước, con người, phong tục tập quán của nhiều quốc gia, và sâu xa hơn nữa, là họ có một cái nhìn mang tính công dân “từ xa Tổ quốc”…”

Cảm thụ và sáng tác văn chương là năng lực vốn có của Lê Huy Mậu (SN 1949, quê Thanh Chương, Nghệ An). Phẩm tính tốt đẹp là cảm nhận chung của những người từng tiếp xúc với Lê Huy Mậu hẳn do bản tính cộng thêm với sự tôi luyện qua từng chặng đường đi bộ đội, học hành, công tác tại hải quan đến cán bộ tuyên giáo và Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông được chú ý sau khi bài thơ dài “Khúc hát sông quê” - một chương trong trường ca “Thời gian khắc khoải” sau này của ông, được nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trích phổ nhạc, vào năm 2002. Cho đến nay, nhà thơ Lê Huy Mậu đã xuất bản 10 tập thơ: Đêm trăng non- 1990, Thiếu nữ và mùa đông - 1997, Những bước chân - 1999, Cám ơn mưa phùn - 2001, Cỏ thiêng - 2005, Bốn giọt nước - 2011, Mời em cạn nửa chén tình - 2013, Từ muôn đến một - 2014, Viết trên tường nhà mình - thơ văn xuôi - 2017, Dắt tháng mười về quê - 2017.
Ngoài thơ, ông còn có trường ca: Thời gian khắc khoải - 2011, Giá người - tập truyện ngắn - 2002, Nhặt bóng thời gian - tập ký chân dung - 2017; Qua sông nhặt bóng - tập ký chân dung và Xê dịch ký và vạn lý hành - 2023.

HUYỀN TRANG

.
.
.