Cây đinh lăng biết hát

Thứ Sáu, 19/05/2023, 15:47 [GMT+7]
In bài này
.

Con Mũn xòe bàn tay hứng những giọt mưa đang xiên chéo qua hiên. Chiều nay mưa lại sầm sập dội về sau một cơn lanh lảnh nắng. Mũn đứng trên chiếc ghế gỗ cập kênh ê a hát mấy câu mới học được hồi trưa từ tụi con nít xóm Miễu, nó nhìn mưa chảy lênh láng thành dòng trên cái sân phơi rồi tràn về phía chuồng quây khiến lũ gà con nháo nhác. Từ ngoài ngõ con Mốc chạy thục mạng vào hiên, cong lưng giũ bộ lông ướt sũng, vẻ mặt cau có.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

“Cho chừa cái tội đi chơi bà kêu không về!” Mũn chun mũi cười hinh hích.

Con Mốc khìn khịt cụp đuôi vào bếp, đến bên cái lò than liu riu nó nằm phịch xuống vẻ bực bội. Gió từ chái bếp lùa ra hiên mang theo mùi tro trấu, mùi thuốc bắc khen khét. Con Mũn đang hát vội ngưng bặt.

“Thôi chết! Ấm thuốc của bà!” nó kêu lên, lao nhanh vào bếp.

Trưa nay bà than mệt, lúc đi nằm còn dặn đi dặn lại: “Con canh chừng ấm thuốc cho bà, đừng để cạn như lần trước!”. Vậy mà ham chơi Mũn quên lửng. Vừa bỏ mấy cục than vô lò nhìn ra đã thấy mưa rơi lộp bộp vào cái chum trước thềm bà dùng để chứa nước mưa, Mũn hí hửng ra hiên xòe tay hứng, những giọt mưa tanh tách rơi xuống bắn vào mặt khiến nó cười khanh khách.

Khói mù mịt ngún lên đến tận nhà trên, ấm thuốc đã cạn khô từ bao giờ. Nó đứng sững nhìn cột khói đen sì, bên đống củi khô vương vãi. Con Mốc vô tư cuộn tròn lim dim ngủ, mũi phì phì thở khiến mớ muội tro bay tứ tung. Nghe tiếng dép loẹt quẹt, từ trong buồng bà thều thào vọng ra “Mũn đấy à ?!”. Con Mũn đứng yên nén tiếng thở giấu vội giọt nước mắt vừa ứa ra. “Lấy cho bà chai dầu gió, Mũn à!” bà lại thều thào.

Mũn sè sẹ vào buồng, mặt cúi gằm, tay nắm chặt chai dầu gió, bà gạn hỏi đến lần thứ ba nó mới mếu máo: “Ấm thuốc của bà cạn rồi… là tại con!”. Nói đến đó nó òa lên tức tưởi khiến con Mốc tưởng chuyện gì vọt ra ăng ẳng sủa. Bà ôm ngực nén cơn ho, gượng dậy dỗ dành.

“Thôi không sao! Để bà sắc ấm khác, có chi mô mà khóc!”. Bà kéo nó lại gần, bàn tay thô ráp lùa vào mớ tóc đen dày đượm mùi đinh lăng của nó mà vỗ về. Mũn nép vào bà, yên lặng nghe tiếng mưa rào rào dội về trên mái. Ngoài kia đàn gà con chiêm chiếp rúc vào cánh mẹ tìm hơi ấm. Bà se sẽ xoa lưng Mũn cho đến khi nó thiếp đi trong tiếng nước mưa lộp bộp rơi trên tàu lá chuối sau hè.

Mũn thức giấc nhìn ra, chiều sập xuống, bên bếp lửa bóng bà lui cui sắp chén đũa ra cái mâm nhôm méo mó, lập cập bưng lên. Nó nhìn thấy bóng bà in trên vách chiếc lưng còng xuống như con tôm. Nó chợt nghe lòng xốn xang, mới ngày nào bà còn bế nó đi quanh xóm coi tụi con nít thả diều, mà giờ đây bà chậm chạp, đau ốm liên miên. Nó phóc xuống giúp bà trải chiếu, xới cơm. Bữa cơm chỉ có dĩa tôm đồng rang mằn mặn từ hôm qua còn lại. Mũn nhỏ nhẻ ăn, thỉnh thoảng lại ngước lên nhìn bà khó nhọc nuốt từng miếng cơm khô khốc.

“Sao bà không ăn cháo cho dễ nuốt?!”. Mũn ngây ngô hỏi.

“Ờ… ờ” bà gật gật, lặng lẽ cúi xuống nén cơn ho, miếng cơm nghẹn ứ trong miệng.

Mũn không nhớ nó đã lớn lên như thế nào, cũng chưa một lần được nhìn mặt mẹ cha. Chỉ nhớ từ ngày mới lững chững tập đi, mở mắt ra nó đã nhìn thấy bà. Bà ru nó ngủ, bà đút nó ăn, bà vỗ về mỗi khi nó khóc. Nó lớn lên chút nữa, đi đâu bà cũng dắt nó theo, mỗi chiều bà cho nó ra đồng coi tụi con nít thả diều. Diều bay lên cao tít, bà chỉ cho nó xem rồi dỗ dành “Mũn bà ăn giỏi, mau lớn rồi cũng bay thiệt cao như con diều kia!”.

Tới tuổi biết chạy ra đồng chơi, nó vẫn không rời khỏi tầm mắt bà, ở đâu có tiếng nó khóc, ở đó bà có mặt. Tụi con nít xóm Miễu thấy Mũn hiền lành nên ăn hiếp, chơi ù mọi thua, tụi nó tức tối xô Mũn ngã lăn quay. Lần nào Mũn cũng lồm cồm ngồi dậy, chưa kịp phủi cái quần bê bết đất, ngẩng lên nó đã thấy bà từ xa khấp khiễng chạy tới, tay lăm lăm cây roi chực quất vào đứa nào dám xô ngã cháu bà. Mỗi lần Mũn bị ăn hiếp, bà lại nắm tay Mũn dắt về. Bà ôm nó vào lòng vỗ về bằng những câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa, những câu chuyện nó nghe đến thuộc làu nhưng chẳng chán bao giờ. Những câu chuyện của bà đã cho trí tưởng tượng của nó bay xa.

Căn nhà của bà cháu nó nhỏ xíu nhưng khu vườn lại rộng thênh, trong vườn bà trồng không thiếu một thứ gì, từ cọng lá hẹ để chưng đường phèn mỗi khi nó ho, vạt rau tần bà hái vào giã ra đắp khi nó sốt, đến bụi rau ngót, luống tần ô, góc vườn nào cũng có ổi, xoài lúc lỉu quanh năm. Căn buồng bà cháu nó ngủ có ô cửa nhìn ra vườn, cạnh đó bà trồng bụi đinh lăng. Mỗi năm một lần bà hái lá đinh lăng phơi trên cái nong rồi dồn vào ruột gối cho nó nằm chữa bệnh mồ hôi trộm.

Ngày còn nhỏ nó đã ra mồ hôi trộm như tắm nên tóc và quần áo nó quanh năm đượm mùi đinh lăng nồng nồng. Mỗi sáng bà ra vườn làm cỏ, nó lại chui vào bụi đinh lăng ngồi nhìn ra. Ở đó nó thấy con chim cu cườm cổ đeo chuỗi hạt màu xanh ngọc bích đứng trên đụn rơm gừ gừ trong nắng, thấy gà mẹ lục tục dắt đàn con đi kiếm ăn, những cục bông gòn tròn xoe cứ lăn trên cỏ. Nó thấy con Mốc chạy đuổi theo những chiếc xe bò kéo, lưỡi thè ra vì mệt lử.

Có những ngày nó say sưa với những con châu chấu bằng lá dừa bà nó làm cho, chơi chán nó lại hát. Lần nào nghe tiếng nó cất lên véo von, bà nó cũng cười, hai bên má nhăn nheo rung lên. Có lúc thôi hát nó lại nghe tiếng bà nhắc “Mũn đâu, hát cho bà nghe đi!”. Vậy là nó lại nghêu ngao hát. Nó hát những bài vừa học được của tụi con nít trong xóm. Cũng có khi nó hát những bài nó tự nghĩ ra, chẳng hạn như “Em yêu bà em nhất trên đời, bà em đẹp như một bà tiên”… Lần nào nghe câu này bà cũng dừng tay cuốc cỏ, mồ hôi như ngừng chảy trên vầng trán già nua. Từ bao giờ, bà gọi nó là “Cây đinh lăng biết hát” của bà.

Mỗi sáng mở mắt ra nó đã thấy bà cặm cụi ngoài vườn, bà làm lụng đến chiều hôm. Nhưng trưa hè, dưới cội cây xoài bà kê chiếc giường tre đã gãy vạt, nó nằm bên bà, đầu gối lên chân nghe bà kể chuyện, những câu chuyện cổ tích đã đưa nó vào thế giới thần tiên.

Nó chìm vào giấc ngủ trong tiếng quạt nan kẽo kẹt của bà. lần nào nó cũng mơ, nó mơ thấy mẹ cha dắt nhau về đứng trước hiên, nó mừng quýnh chạy đi gọi bà, bà từ ngoài chợ về, quần ống thấp ống cao hớt hải, con Mốc thấy vậy lao ra sủa inh ỏi. Nó choàng tỉnh, ngoài sân tiếng con Mốc vẫn sủa ran nhưng bóng mẹ cha nó đã vụt tan. Tất cả chỉ là giấc mơ, nó vùi mặt xuống gối tấm tức khóc. Bà lại ôm nó vào lòng tỉ tê, tay đập chiếc quạt bộp bộp xuống giường: “Tiên sư nó! Con gái xinh đẹp vầy mà bỏ đi làm ăn lâu quá là lâu cũng chưa chịu về! Thôi nín, ra vườn bà chỉ cho coi con chích mào tập bay!”

Một trời tuổi thơ của nó luôn có bà bên cạnh. Nó tha thẩn chơi cùng lũ chim trong vườn, cặm cụi đào hang ở rẻo đất sau hè cùng lũ dế… Nó nhìn thấy chúng cũng có gia đình, có mẹ cha. Những lúc như thế nó ngây người quên chơi, thèm thuồng đứng nhìn lũ chim ríu rít gọi nhau, đút mớm cho nhau, nó tự hỏi: Sao mẹ cha đi biền biệt, không về đón nó lấy một lần? Càng nghĩ càng tủi thân, nó chạy đến vùi vào bà mà khóc. Bà nó lại bỏ cái cuốc chĩa xuống, khe khẽ thở dài, nhúc nhắc dắt nó đi quanh xóm, gặp ai bà cũng hỏi “Có nghe cha mẹ con Mũn nói hồi nào về hông?”.

Bao nhiêu năm như thế.

Nó thui thủi bên bà cho đến một buổi sáng thức giấc nhìn quanh, nhà nó người ta ra vào đông đen. Nó nghe tiếng những cụ bà trong xóm chép miệng thương cảm, họ quên nó đang ngồi trong góc buồng thao láo nhìn ra, tay ôm chặt con Mốc vào lòng tìm hơi ấm, thứ hơi ấm duy nhất nó còn lại trên đời. Nó hiểu, bà nó đã ngủ một giấc thiên thu. Cũng từ ngày đó nó hiểu ra: Nó làm gì có mẹ cha! Làm gì có một ngày mẹ cha nó trở về tìm! Nó chỉ là đứa trẻ bị bỏ rơi bà nhặt được trong một buổi sớm mù sương bên cái chợ làng, lúc nó tím tái sắp ngất đi bỗng bà xuất hiện. Từ đó, nó được ở bên bà cho đến ngày bà lặng lẽ rời đi trong giấc ngủ của nó, đầu nó vẫn còn gác lên cánh tay gầy guộc của bà.

Không còn bà, nó sống bằng sự cưu mang của bà con xóm Miễu. Mỗi ngày người ta lần lượt đến nhà thắp cho bà nén nhang, mang cho nó cái cà mèn cơm và vài lời an ủi. Vẫn còn con Mốc, nó thấy đời không đến nỗi cô độc, có bà con chòm xóm, nó vẫn được lớn lên như cây cỏ ngoài đồng.

Năm tháng trôi như một cái chớp mắt. Con bé Mũn ngày nào giờ đã tròn đôi mươi. “Cây đinh lăng biết hát” của bà ngày nào nay đã lớn, đã phổng phao xinh đẹp, đã tự mình làm lụng kiếm sống giữa khu vườn thênh thang cây cỏ. Học bà, nó cuốc đất, trồng rau, nó nuôi gà, thả cá. Mỗi sớm mai thức dậy nó nghe trong vòm lá tiếng ríu ran trong ngần của lũ chim ri. Chiều xuống, nó lại nghe mùi trầu âm ấm của bà thoảng qua trong làn gió khẽ lay, có cả tiếng bà thì thào gọi “Cây đinh lăng biết hát của bà đâu?!”

Truyện ngắn của VŨ NGỌC GIAO

;
.