Khi những cơn gió chuyển mùa đẩy nước từ rạch vào mương vườn mà vốc tay hớp thử ngụm nước mát lạnh có lẫn mùi vị phù sa lờ lợ thì người miệt vườn, miệt ruộng biết là mùa câu cua đã tới.
Mùa này vào khoảng cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, kéo dài cho đến lúc mưa sa thì cua rút vào hang đợi kỳ lột võ. Nên có thể nói rằng cua vào độ nước lợ thì chắc thịt, gạch son, mai xanh màu rêu và đôi càng vàng lườm lượm màu gạch, một màu đặc trưng của phù sa châu thổ không trộn lẫn. Cua cuối tháng tư đầu tháng năm mười con như một, luộc cũng ngon mà nướng lửa than miễng gáo thì bay mùi khắp xóm.
Để chuẩn bị cho việc câu cua, trẻ con thời tuổi tôi thường tranh thủ vào những ngày nghỉ học cuối tuần khi sắp bước vào mùa Hè. Tất cả dụng cụ câu cua đều làm bằng “cây nhà lá vườn”, tuyệt không có thứ gì phải bỏ tiền ra mua ngoài chợ, vì chắc chắn ngoài chợ không có bán.
Trước tiên là cục dằn dây câu. Thủa đó tôi thường lên đồng móc đất sét dẻo ở những thửa ruộng khô, hoặc xuống vườn tìm những hang tèn hen, lựa bùn dẻo chúng đùn lên miệng hang đem về làm thứ dụng cụ không thể thiếu này. Một tảng đất sét ước lượng vừa đủ để làm chừng 20-30 chục cục dằn dây câu, đất được ngắt từng cục, vo tròn trong lòng bàn tay đến khi nó tròn như một viên bi lớn cỡ mặt đồng hồ đeo tay, lấy cây que xoi lỗ rồi mang ra sân phơi nắng cho khô trắng. Thường phải mất một buổi.
Chiều, đợi lúc mẹ nấu cơm xong, than miễng gáo còn trong bếp chỉ việc lấy ống thổi, thổi bùng lên, cho thêm miễng gáo vào, đợi chúng bén lửa tỏa hơi nóng rát mặt thì cho những cục đất tròn ấy vào nung cho đến khi cháy đỏ rực thì lấy ra để nguội.
Những cục đất ấy bây giờ đã chuyển màu gạch và thực chất chúng đã trở thành những viên gạch cứng không tan khi dìm trong nước để thay cho những cục chì nặng đủ sức dằn sợi dây câu không bị dòng nước cuốn trôi. Những cục đất tròn này càng nung lửa già thì càng cứng, có thể bền vững suốt một mùa câu cua mà khỏi phải thay mới.
Việc kế tiếp là xuống vườn tìm chặt những cây bình linh non, bao nhiêu cần câu thì bấy nhiêu cây bình linh, đặc biệt của cây bình linh non để làm cần câu cua lý tưởng vì nó tròn, to cỡ ngón tay và thẳng trong khi nếu làm cần câu cua bằng tre hay trúc thì phải hơ lửa uốn mới thẳng được, mất rất nhiều công sức.
Cần câu cua làm bằng cây bình linh sau khi chặt ngọn, đẵng gốc còn dài cỡ 1,5m, tướt vỏ xanh còn lại lõi trắng. Dây câu chắc và không sợ bị cua kẹp đứt ngoài loại nhợ gai màu trắng, sợi to cỡ cây tăm tre là chuẩn, dây cầu độ dài cũng cỡ 1,2m, một đầu cột chặt vào cần câu, đầu kia xỏ ngang qua cục dằn dây câu, dưới đó là một vòng kẽm để móc mồi câu, sau khi móc mồi thì gài lại bằng cách bẻ cong hai đầu vòng kẽm móc lại là xong.
Mồi để câu cua là lươn, lịch, đẻn ruộng, cá kèo hoặc cóc. Nếu chọn mồi không phải là cóc thì chặt khúc cỡ lóng tay móc vào vòng kẽm, nếu mồi cóc thì chặt con cóc làm hai để móc vào vòng kẽm. Sẽ không đủ bộ dụng cụ câu cua nếu thiếu cây vợt cán dài cỡ 1m bằng tre to cỡ ngón chân cái, vợt là một tấm lưới cá luồn qua vòng bằng thép nhọn phần đáy và đủ độ thòng khoảng 6 tấc cho chú cua nằm gọn trong đó không thoát ra được.
Cuối cùng là một cái giỏ đựng cua, dây trói cua bằng nylon hay dây chuối, lạt dừa tùy điều kiện của người câu. Cần câu cua móc mồi sẵn, vác lên vai người câu cùng với cây vợt, vai bên kia mang cái giỏ cua và canh khi nước vừa “mới lớn” vừa từ rạch bò vào mương vườn thì đi “trãi câu”.
Mỗi cây cần câu cua cắm gốc sau vào mép mương vườn sao cho đủ sức chịu đựng được lực trì kéo của chú cua ham mồi, mồi câu thả đụng đáy mương, dây câu để thẳng góc với mép bờ, cần này cắm cách cần kia khoảng 10 bước chân và… chỉ việc chờ đợi để cua ăn câu mà vợt lên thôi.
Nhưng không phải chú cua nào ngoạm mồi cũng bắt được dễ dàng nếu không có kinh nghiệm của người lão luyện “tay nghề”. Khi đi thăm câu, thấy cần câu nào mà dây câu bị kéo thẳng về một hướng, có chú cua thích kéo ngược nước, có chú cua thích kéo xuôi nước nhưng dù ngược nước hay xuôi nước người câu cua tay phải cầm vợt, tay trái nhổ cần, từ từ nhấc cần lên khỏi mặt nước sao cho khéo léo để chú cua càng “tức khí”, càng “mê mồi” không bỏ nửa chừng.
Đây là cả một nghệ thuật, vì nếu nhấc mạnh thì chú cua sẽ sợ, bỏ mồi và…người câu sẽ tiếc hùi hụi. Nên nhớ câu cua không phải bằng lưỡi câu mà chỉ bằng cục mồi móc vào vòng kẽm và cua chỉ dùng hai càng ngoạm mồi đưa vào miệng “rỉa từ từ” nên rất dễ “sẩy”.
Khi người câu nhấc cần lên, vừa thấy hai càng chú cua quơ quơ ngoạm cục mồi khỏi mặt nước là lập tức đưa vợt xuống ngay xuống phía dưới cục mồi vớt chú lên, giây phút này rất quan trọng, quyết định việc thành bại của người câu cua, nếu đưa vợt xuống nhanh quá thì làm chú cua hoảng loạn bỏ mồi, nếu đưa vợt xuống chậm quá thì “hỏng ăn” vì chú cua đủ thời gian lặn mất.
Cua ăn câu đủ dạng, từ chú “nhé” chỉ bằng miệng tách cà phê đến chú cua kình khệnh khạng nặng trên ký lô chỉ nhìn thấy đôi càng quơ quơ ngoạm cục mồi đã “khoái chí tử” muốn run tay. Sau khi vợt chú cua lên, nếu chú còn bé quá thì thả chú xuống mương, chỉ bắt những chú cua “trưởng thành”và rút dây trói chú lại bỏ vào giỏ.
Một con nước câu cua như thế không kéo dài, từ lúc nước “mới lớn” đến khi nhìn thấy “nước đứng” trong mương thì nhổ cần chuẩn bị ra về. Người câu cua giỏi, gặp ngày “trúng mánh” sẽ bắt được vài ba ký cua là chuyện bình thường.
Câu cua là môt thú vui đồng quê, rất căng thẳng, hồi hộp và là một nghệ thuật tổng hợp bao gồm sự khéo léo, chí kiên nhẫn và rèn luyện tư duy đối phó giữa một chú cua dưới nước và người ở trên bờ. Cuối cùng là ai thắng ai, đó mới là kết quả cuối cùng. Bảo đảm ai đã từng câu cua mà lỡ để “sẩy” một chú cua kình cỡ 500 gram đến 1 ký lô thì… ăn không ngon ngủ không yên, cả trong giấc mơ cũng thấy tái hiện và sẽ tiếc mãi, ám ảnh mãi thành… kỷ niệm khó phai.
PHAN TƯỜNG NIỆM