TIN BÀI LIÊN QUAN:
Từ ngày ông cụ thân sinh mất, Kim Anh buồn lặng lẽ, vì ở Mỹ cô không có người thân, khi buồn cô mở băng ra nghe chính giọng hát của mình như đã “nói chuyện” cho ba cô nghe trước lúc ông mất. Càng nghe, Kim Anh càng thấm thía nỗi buồn tứ cố vô thân của một đứa con xa quê hương và cô đã cảm nhận được tâm trạng của người đang sống với điều tử biệt sinh ly trong cõi vô thường.
Ca sĩ Kim Anh trên đỉnh cao tên tuổi. |
Khúc quanh định mệnh
Kim Anh đã gửi tặng bạn bè cuốn băng cassette như mong muốn được chia sẻ nỗi niềm và sự đau buồn này. Lại một điều bất ngờ, nhiều người chuyền tay nhau để nghe cuốn băng cô hát, có người không được tặng đòi mua, họ gửi tiền đặt cọc mua băng rất nhiều. Và Kim Anh cũng đáp ứng lời yêu cầu này nhưng lúc đó cô vẫn nghĩ rằng người ta chỉ động viên, chia sẻ, an ủi cô chứ không nghĩ gì xa xôi hơn.
Sau khi gửi hết cho số người yêu cầu, còn 70 cuốn, Kim Anh loay hoay chẳng biết làm gì với 70 cuốn băng ấy. Không lẽ giữ đó làm kỷ niệm? Bỗng dưng cô nghĩ đến việc nhờ một Trung tâm băng nhạc phát hành thử ra thị trường xem sao. Kim Anh liền lái xe tới Trung tâm băng nhạc Thanh Lan đưa cuốn băng cassette giới thiệu mình là ca sĩ Kim Anh và đề nghị ở đây mua phát hành thử ra thị trường với giá 4USD/cuốn (Trong khi công thu đã 4,25 USD/cuốn).
Bà chủ Trung tâm băng nhạc tưởng lầm Kim Anh là ca sĩ Kim Anh trong ban nhạc tam ca nữ Ba Con Mèo (The Cat trio) nổi tiếng. Kim Anh vội vàng đính chính ngay mình không phải là Kim Anh đó và đưa bà chủ 10 cuốn nghe thử, nếu được thì mua giùm, không được thì sẽ tới lấy lại. Không ngờ Kim Anh lái xe quay về, đang trên đường (khoảng được 10km) thì bất ngờ bà chủ Trung tâm băng nhạc Thanh Lan lái xe đuổi theo đề nghị được mua hết số băng còn lại với giá… 4,5 USD/cuốn. Và từ đó, tên tuổi Kim Anh nổi như cồn với bài “Mùa thu lá bay”.
Và rồi cùng với sự nổi tiếng, khúc quanh định mệnh trong đời của cô ca sĩ đã tới. Ngày 8/1/1978, trời New York đổ cơn bão tuyết rất lớn, đường sá hầu như không có xe cộ lưu thông trong lúc Kim Anh lại nôn nóng về nhà. Trong garage để xe lúc ấy có một người hàng xóm với Kim Anh đánh xe ra và có ý định đưa cô về nhà.
Kim Anh lên xe và người đó lái xe đi trong bão tuyết ngập đường. Không may khi qua cầu gặp cơn lốc xoáy cuốn chiếc xe quay mấy vòng rồi va mạnh vào thành cầu. Kim Anh tỉnh lại trong bệnh viện với đa chấn thương nghiêm trọng, đầu vẹo một bên, tay chân bị liệt, cong cột sống, riêng mặt đã khâu tới 285 mũi. Đó là một thân thể tan nát và cõi chết gần hơn sự sống. Kim Anh cũng mong mình chết đi cho khỏi đau đớn và cô độc, vì lúc đó không có ai bên cạnh, hoàn toàn nhờ vào lòng hảo tâm của mọi người. Thế mà Kim Anh đã nằm trong bệnh viện 3 năm để chữa trị và chờ ghép xương.
Chính các bác sĩ của bệnh viện đã lo sợ cô gái này sẽ cắn lưỡi tự tử nên miệng Kim Anh thường xuyên phải gắn nẹp để không thể cắn răng lại. Kim Anh được bác sĩ cho biết, nếu lúc đó bắt vít vào cánh tay thì lưng sẽ bị cong suốt đời, còn chữa cho lưng thẳng thì tay sẽ liệt suốt đời.
Ngay lúc đó Kim Anh đã quyết định rằng dù lưng cong cũng không sao, nhưng nếu tay bị liệt thì không làm việc được, cũng sẽ chết đói. Và chắc chắn cuộc đời cô sẽ gắn chặt với chiếc xe lăn không rời được nó nửa bước để rồi Kim Anh tự an ủi mình, dù ngồi xe lăn nhưng vẫn còn hát được, một ca sĩ ngồi trên xe lăn hát thì cũng kiếm tiền sống được, cho dù phải đi hát rong ngoài đường phố.
Và rồi cô ca sĩ mảnh mai, yếu đuối, thương tích đầy mình ấy đã phải ngồi cắn răng chịu đau đớn cho các bác sĩ khoan từng mũi vào xương để cặp nẹp, bắt vít. Thời gian này Kim Anh phải ngủ ngồi đến khi được ráp xương xong cô mới được ngủ nằm, và Kim Anh đã nằm ngủ một giấc dài tới 4 ngày 5 đêm khiến mọi người tưởng đâu cô ngủ luôn không dậy được. Nhưng rồi Kim Anh đã tỉnh lại và gắn chặt với chiếc xe lăn.
Hát trên xe lăn
Trong lúc Kim Anh nằm trong bệnh viện và di chuyển bằng xe lăn thì ông chủ nhà hàng tới thăm, ông này quyết tâm bảo lãnh cho Kim Anh đi hát, dù ngồi trên xe lăn để hát. Bởi vì chính được hát mới cho Kim Anh sức sống, một sự hồi sinh. Và rồi người ta đã bế cả Kim Anh và chiếc xe lăn lên xe đưa về nhà hàng. Tối đó cô ngồi trên xe lăn hát bài “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn, Kim Anh hát trong nước mắt làm khán giả khóc theo, nhất là khi đến đoạn cuối bài hát “Ngày sau sỏi đá cũng còn có nhau” thì không ai phân biệt được tiếng khóc ngẹn ngào nào là của ca sĩ và tiếng khóc thương cảm nào là của khán giả. Họ như hòa những dòng nước mắt làm một.
Nhưng cũng từ đó để chống lại những cơn đau xé ruột, bứt xương bác sĩ đã cho phép Kim Anh hút thuốc và sử dụng một ít ma túy. Rồi buồn Kim Anh uống rượu, rượu làm cho người ta quên buồn và cũng chống lại những cơn đau trong xương hành hạ.
Thế rồi cũng từ đó Kim Anh có 3 người bạn trong lúc chơi vơi: thuốc lá, rượu và ma túy. Kim Anh hút thuốc loại nặng, rượu mạnh nốc cả chai không xi-nhê và nghiện ma túy là điều phải đến. Mỗi lần lên hát Kim Anh phải nốc rượu, lạ là cô uống chai này tới chai kia không say, muốn được một lần say thử xem sao nhưng càng uống Kim Anh càng tỉnh mà uống rượu vào Kim Anh hát mới có cảm hứng, mới làm cho người nghe “say”. Và Kim Anh uống rượu xem như không có đối thủ.
Một hôm, bất ngờ có một bác sĩ người Do Thái vào bệnh viện thăm Kim Anh và quyết đấu tranh với tòa án cho cô rời bệnh viện ra ngoài hát và tìm bác sĩ bên ngoài chữa trị để cô vừa chữa bệnh vừa đi hát mỗi đêm. Lại một hôm nữa có một thanh niên người Đài Loan tới nhà hàng nghe Kim Anh hát bài “Mùa thu lá bay” rất thích và chẳng hiểu nghĩ gì, anh ta quyết đón cô về nhà và mời bác sĩ tới nhà chăm sóc riêng cho cô. Nhưng chỉ được 2 tuần anh thanh niên xứ Đài này có chuyện phải trở về Đài Loan và không biết bao giờ mới quay lại.
Kim Anh cho rằng mình vừa may mắn gặp được quý nhân giúp đỡ chưa kịp mừng thì lại rơi vào tâm trạng hụt hẫng, hoàn cảnh bi thương khi cô muốn đứng lên khỏi chiếc xe lăn, mà không đứng được, muốn bước đi cũng không đi được. Nhưng không lẽ cứ ngồi mà chịu chết? Đang trong lúc tâm trạng hoang mang thì có hai vợ chồng một người không quen tới tìm thăm và khi thấy “thần tượng” mình ngồi trong xe lăn họ quyết định đưa cô luôn về nhà chăm sóc rất tử tế, giúp cô chữa trị thương tật.
Chính 3 cô con gái của chủ nhà thay phiên nhau đút cơm cho Kim Anh ăn, ròng rã suốt 2 năm Kim Anh thấy mình đã khá hơn nên quyết định ra đi không dám làm phiền gia đình tốt bụng ấy nữa.
Khoảng thời gian này cô đã ra khỏi chiếc xe lăn nhưng cũng chính là lúc Kim Anh phải chống chọi với những cơn vật vã của ma túy. Cô bảo rằng chẳng oán trách gì các bác sĩ bởi chính Kim Anh đã lợi dụng nó nên mới trở thành con nghiện. Bao nhiêu tiền kiếm được nhờ tiếng hát đều đổ hết vào ma túy, rồi các khán giả yêu mến tiếng hát của cô biết cô nghiện cũng bày tỏ “tình thương mến thương” bằng cách… tặng cho thần tượng của mình những tép héroin. Kim Anh biết mình đang bước dần xuống vực thẳm.
(Còn nữa)
TỪ KẾ TƯỜNG