Hát bả trạo là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian thể hiện rõ nét đời sống tinh thần của cư dân ven biển Bà Rịa-Vũng Tàu, thường được biểu diễn trong các buổi cúng tế tại lễ hội lớn của ngư dân miền biển… Đây cũng là nghi thức được người dân và du khách háo hức đón xem khi đến với các lễ hội truyền thống này.
Tiết mục hát bả trạo tại Lễ hội Dinh Cô (TT. Long Hải, huyện Long Điền). |
Cha truyền con nối
Sau nghi lễ Nghinh Bà thuỷ thần nhập điện tại Lễ Dinh Cô (TT. Long Hải, huyện Long Điền) vào ngày 12/2 âm lịch và Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải vào ngày 16/2 âm lịch hằng năm, người xem lại chờ đón màn múa hát bả trạo truyền thống.
Đây là tiết mục được trình diễn bởi 3 tổng mũi, khoang, lái và hơn chục con trạo là các bạn biển đầu chít khăn đỏ, lưng thắt vải đỏ, tay cầm chèo được phết sơn đủ màu... Đó là biểu trưng cho con thuyền rồng chở đầy khát vọng của các ngư dân về an lành, no ấm, bình yên.
Tổng mũi bắt đầu hô to: “Bớ bả trạo”, lập tức, các bạn chèo đồng thanh hô vang: “Dạ” và hát múa bả trạo bắt đầu: “Hôm nay là ngày lễ Ông/ Con cháu ta tụ họp về đây/ Chỉnh đốn xiêm y trang phục/ Tưởng niệm và tôn kính thần linh Nam Hải chở che”.
Hòa theo lời hát của tổng mũi, các tổng khoang và lái nhảy theo nhịp, các bạn chèo nhanh tay chèo cho thuyền vượt sóng. Tất cả đồng loạt, nhịp nhàng, sống động, như rõ con thuyền lúc thì chồm về phía trước, khi thì nghiêng sang hai bên, lúc khác thì ngả ra sau, mặc sóng đẩy vẫn vững vàng tiến về phía trước.
Ông Nguyễn Văn Tâm, trong vai tổng mũi đội hát bả trạo Dinh Ông Nam Hải (TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ) chia sẻ, người dân ven biển từ ngàn đời nay sống nhờ nghề chài lưới, những lúc mệt nhọc, khó khăn hay gặp nguy hiểm trên biển, ngư dân vẫn vững tay chèo tay lái.
Thế rồi từ khi nào không rõ, ngư dân đã đưa những hoạt động lao động thường ngày vào trong các câu hát, biểu diễn điệu chèo thuyền vươn khơi... Những câu hát, điệu chèo được “cha truyền con nối” hoặc các bậc tiền bối lựa chọn trai tráng có giọng hát để truyền lại, luyện tập để biểu diễn các dịp lễ, hội. Những người hát bả trạo đều là “nghệ sĩ” nghiệp dư, phần lớn được lựa chọn từ những người đi biển, có giọng hát tốt, có sức khỏe.
Ông Nguyễn Văn Luận, Tổ trưởng Đội chèo bả trạo Dinh Cô - Long Hải (huyện Long Điền) cho biết, cũng vì mê cái âm điệu, lời hát, ý nghĩa trong từng câu chữ của hát bả trạo mà mấy chục năm qua ông luôn gắn bó với nghệ thuật dân gian này. Ngay từ nhỏ, ông Luận đã được cha truyền cho các bài hát và nghệ thuật diễn xướng bả trạo.
Thời còn trẻ, những ngày không đi biển, ông Luận thường tụ tập các anh em lại, truyền tụng cho nhau cách hát bả trạo. Từ đó, đam mê với loại hình diễn xướng này từ khi nào không biết. Hiện Đội chèo bả trạo Dinh Cô – Long Hải có 16 thành viên, là những người dân lao động hàng ngày phải mưu sinh, kiếm sống nhiều nghề như đi biển, làm công nhân, thợ phụ hồ... thường chỉ gặp nhau trong các dịp lễ hội.
Hát bả trạo chia làm 4 hồi. Hồi 1 hát tạ ơn thần Nam Hải, hồi 2 là nhổ neo và đưa thuyền ra khơi đánh bắt cá, hồi 3 là thuyền gặp sóng to gió lớn phải cầu cứu thần Nam Hải và hồi 4 là thần Nam Hải đưa thuyền vào bờ. Mỗi câu hát điệu lý mang màu sắc tâm linh khắc họa hình ảnh ngư dân vạn chài trong lao động, sản xuất. |
Lưu truyền nghệ thuật diễn xướng dân gian
Theo ông Thái Văn Cảnh, Trưởng Ban Quản lý Di tích Dinh Cô (TT.Long Hải, huyện Long Điền) lý giải, “bả” là cầm chắc còn “trạo” là mái chèo; “bả trạo” là cầm chắc mái chèo để đưa thuyền ra khơi... Đây là hình thức diễn xướng nghi lễ dân gian đan xen nhuần nhuyễn các yếu tố múa, hát cùng đạo cụ là mái chèo.
Còn Ông Nguyễn Hữu Lợi, Trưởng Ban Tế lễ Dinh Ông Nam Hải (TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ cho hay, hát bả trạo còn thể hiện những tâm tư, tình cảm mộc mạc, chân thành của những ngư dân vùng biển đối với thiên nhiên, đối với đại dương bao la mênh mông sóng nước, cũng như cầu mong cho trời yên, bể lặng, sóng nước hiền hòa, những chuyến ra khơi thật sự thanh bình, cá tôm đầy ắp.
Thông qua màn diễn xướng múa hát bả trạo, những người dân sông nước thể hiện những tâm tư, tình cảm trước cảnh đẹp, sự trù phú của biển cả quê hương. Qua những câu hò, điệu hát trong diễn xướng, thể hiện tinh thần lạc quan, tin yêu cuộc sống, yêu nghề của những ngư dân vùng biển dẫu cho mỗi chuyến ra khơi họ phải luôn đối đầu với bao gian khó, rủi ro như sóng to, gió lớn, bão tố…
Bài, ảnh: HOÀNG BÁCH