Trương Thành Công - Tâm hồn nghệ sĩ

Thứ Sáu, 06/01/2023, 18:07 [GMT+7]
In bài này
.

Sắp kết thúc năm Nhâm Dần, tôi nhận được tập thơ “Đường chân trời” (NXB Hội Nhà văn, 2022) của Tiến sĩ Trương Thành Công, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nguyên Giám đốc Sở KH - CN. Kể từ năm 2016, đây là tập thơ thứ 2 của Trương Thành Công. Hơn một năm trước, anh tặng tôi tập bút ký “Đi và đến” (NXB QĐND). Không chỉ làm thơ, viết bút ký, anh còn là người có nhiều tranh vẽ về thiên nhiên, sông núi, biển cả, phác họa chân dung các nhà khoa học, được tuyển chọn triển lãm chung cùng các họa sĩ khu vực miền Đông Nam bộ. Nhà  khoa học - Kỹ sư chuyên ngành cơ khí Động lực học, Độ bền máy -  mà đa tài, tâm hồn nghệ sỹ, thật đáng nể.

Bìa tập thơ “Đường chân trời” của Trương Thành Công.
Bìa tập thơ “Đường chân trời” của Trương Thành Công.

Trở lại với “Đường chân trời”, một tập hợp gần 60 bài thơ tác giả viết rải rác trong nhiều năm, phần nhiều là từ 2016 đến năm 2022. Hơn chục bài thơ, tác giả viết trong các năm 2021, 2022. Vốn là sinh viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, bài thơ lâu nhất trong tập thơ  anh viết tại giảng đường đại học, năm 1979.

Xuất thân từ người lính bộ đội Cụ Hồ, xếp bút nghiên ra trận; là nhà khoa học, nặng về tư duy logic của toán học, vật lý học trái hẳn với tư duy hình tượng của văn, thơ, hội họa. Vậy mà anh lại làm thơ hay, vẽ tranh có bản sắc. Trương Thành Công làm thơ đâu để thành nhà thơ; vẽ tranh đâu phải để thành họa sĩ; anh viết báo, sành sỏi bút ký, ký sự đâu phải để thành nhà báo - mặc dù anh là chủ bút trong nhiều năm của tờ chuyên san, đặc san khoa học - công nghệ tỉnh.

Biển Vũng Tàu lúc bình minh. Tranh của Trương Thành Công.
Biển Vũng Tàu lúc bình minh. Tranh của Trương Thành Công.

Thơ Trương Thành Công chính là những trang nhật ký sống động, nơi anh đến, chốn anh đi về, vùng đất anh có mặt và trải nghiệm, trong nước, ngoài nước. Những bài thơ Trương Thành Công viết về Cần Thơ - Tây Nam bộ sông nước, Kon Tum, Ban Mê Thuột, xứ sở hoa xương rồng, hoa dã quỳ cực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, núi Mẫu Sơn xứ Lạng, Phan xi pang - Sa Pa; hoặc những miền đất lạ anh đặt chân tới bên trời  Âu, Bắc Á, cánh đồng Chum - Thượng Lào… do cảm xúc mà lai láng  thi ca. Thơ của Trương Thành Công là sự trải lòng, chân thực, không màu mè. Sự rung động từ con tim, tác giả bật thành những câu thơ hay,  giàu cảm xúc về cuộc sống; tình yêu đôi lứa; tình yêu gia đình, cháu con; yêu quê hương; yêu thiên nhiên giàu đẹp; yêu con người Việt Nam dũng cảm, kiên trung, giàu nghĩa tình…

Quê hương quan họ nơi Trương Thành Công sinh thành, mùa xuân rực rỡ mai vàng - đào thắm, thư giãn câu cá cùng bạn hữu, phố cổ Hà Nội bên giọt đắng cà phê, ly trà Thái Nguyên- chốn đi về mỗi lúc Trương Thành Công ra Bắc  thủ đô làm việc, tất cả  đều hiện hữu trong “Đường chân trời”.

Bài thơ “Đường chân trời” (trang 99) được Trương Thành Công chọn đặt tên chung cho cả tập thơ, tác giả cảm nhận về bút vẽ - công việc của hội họa là một trong số những bài thơ lạ, độc đáo, trí tưởng tượng vừa của nhà khoa học, vừa của nhà văn cũng là nhà hội họa, diễn tả tâm trạng cây cọ… vàng thật đáng yêu: Trong hội họa đường chân trời rất đẹp/Nhưng chưa thấy ai đến được để lên trời/ Nơi rực vầng dương còn chị Hằng ngọc ngà vời vợi/ Chỉ thơ đẫm bình minh và hồn người lai láng trước trăng thôi (Tháng 6/2020).

Năm 1979, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, sau nhiều năm làm người lính Cụ Hồ, vượt đường Trường Sơn, chiến đấu gian khổ tại chiến trường khu V, Trương  Thành Công viết:

Hết chiến tranh/Chúng tôi về giảng đường đại học/Quân phục bạc màu/Dép cao su mòn gót/Khuôn mặt phong sương/Hết chiến tranh/Chúng tôi thành sinh viên/Ngỡ trong mơ, ngồi giảng đường/Chợt nhớ anh em, đồng chí/Ai nằm lại rừng sâu, khe suối gốc cây nào? Đất nước lắm gian lao/Biên ải hai đầu giặc giã/Bạn, thù phút giây trở mặt/Khi Tổ quốc gọi tên/Chúng tôi đã sẵn sàng! (Với giảng đường đại học, Đà Nẵng, 1979 - trang 13).

Gần 20 năm sau, cậu sinh viên - người lính ngày nào trở về Đà Nẵng, thăm mái trường xưa, Trương Thành Công nhật ký ngày về, bằng những vần  bồi hồi, nhớ nhung- lãng mạn khó tả: Chiều Hòa Khánh rót vào ta kỷ niệm/Lối xưa nhà cũ… bạn đâu rồi…/Con đường quen, xào xạc là vàng rơi… Những đêm trăng tỏ/Bập bùng tiếng ghi ta/Quán chè đầu ngõ/Nhạc buồn - chạm tóc ngang vai… (Chiều Hòa Khánh- Đà Nẵng, tháng 9/2016, trang 39).

Một lần khác, rảo bước bên dòng sông Hàn, Trương Thành Công bật lên cùng tiếng đàn của ai đó: Đêm Đà Nẵng/Gió mùa ào ạt thổi/Sông Hàn tung bờm trắng xóa/Tiếng guốc ai gõ vào đêm lạnh bồn chồn/Một dáng hình xa… gốc bàng, cổng trường ngày ấy? chạnh lòng phố vắng, chiều mưa… (Đêm Đà Nẵng, tháng 10/2009- trang 46).

Tình yêu Trương Thành Công dành cho quê hương  quan họ Bắc Ninh và nơi bến neo đậu cả đời người là Bà Rịa-Vũng Tàu mà anh tận hiến thật gần gũi, thân thương.Nếu không yêu, không gắn bó, không tỏ tường sẽ không thể có  những câu thơ đằm thắm, chỉn chu đến vậy. Đón và nghe các nghệ sĩ vùng quê quan họ bên biển Vũng Tàu sóng vỗ bốn mùa, Trương Thành Công  miêu tả, diễn đạt các “liền chị liền anh” thật tài tình: Vành nón che nghiêng/Mắt huyền lúng liếng/ Áo mớ ba mớ bảy xao lòng/ Thắt lưng hoa lý váy buông chùng/Lời giã bạn/Đất Vũng Tàu gặp bạn/Rượu tình chưa uống đã say/Tay trong tay má lúm đồng tiền/Miệng cười tỏa nắng/Cầu quan họ ngất ngây…  (Tháng 5/2019)

Và một Vũng Tàu biển hát: Sừng sững ngang trời hai núi dựng/Giang tay ôm lấy cả đại dương/Một mũi đất nhô ra lấn biển/Tình người mang hồn cốt bốn phương… (Vũng Tàu, tháng 11/2021, trang 88). Hoặc khi viết về Bãi Trước của Vũng Tàu, Trương Thành Công như thốt lên, bâng quơ nghiệm chút gì đó về nhân tình thế thái: Gió mưa bãi Trước sóng nhồi/ Trời buồn thấu được cõi người trăm năm/Cà phê từng giọt lặng thầm/Cuộc đời tri kỷ tri âm mấy người? (Tri âm, tháng 7/2017, trang 89). Một lần khác, ra biển ngắm Hòn Bà nơi mũi Nghinh Phong, dưới chân núi Tao Phùng, Trương Thành Công thốt lên như lời tâm sự cùng trời, cùng đất, cùng núi non: Một mình đảo trước mù khơi/ Trập trùng con sóng nối trôi vô thường/Hòn Bà ẩn giữa trùng dương/Bao người lặng lẽ tìm đường về đây! (Hòn Bà, tháng 7/2019, trang 96).

Mùa Xuân Quý Mão - 2023 đã về. Trương Thành Công - Tâm hồn nghệ sỹ - điện thoại cho tôi sẽ có bài thơ xuân tặng bạn quý. Anh nói, tứ thơ đã thành. Thơ là cảm xúc, nhâm nhi đọc bên giọt cà phê biển. Tôi xin mượn bài thơ Đêm Xuân, anh viết mùa xuân năm Canh Tý - 2020 để tạm kết lại cho bài viết ngắn này:

Hương xuân tỏa khắp không gian/Giọt xuân đẫm mảnh trăng vàng trước sân/Đầu thềm mai nở tần ngần/Bốn  nhăm năm cũ lối xuân theo về!

Vũng Tàu, đêm cuối năm 2022

PHẠM QUỐC TOÀN

;
.