Mùa thương

Thứ Sáu, 06/01/2023, 18:07 [GMT+7]
In bài này
.

“Thời buổi này hoa Tết người ta gọi nhà buôn vô cắt nguyên vườn chứ ai ngồi bó rồi gánh ra chợ cho cực!” ông Nhâm đánh trâu ra đồng, ngang qua vườn nhà nội tôi nói vọng vào. “Nay bác Nhâm ra đồng sớm à?” cô tôi ngẩng lên cười rồi cúi xuống vén mớ tóc đang lòa xòa bên trán, tay vẫn thoăn thoắt cột bó vạn thọ cho vào đôi quang gánh.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Chỉ một loáng, đôi gánh đã đầy, cô vào bếp lẹ làng cời than, vần nồi cơm xuống tro, quay sang tôi còn đang ngáp ngắn ngáp dài, chốc chốc lại nghển cổ ra sau hè nghe tiếng con chim cu gáy gừ gừ trong nắng. “Cháu tôi giờ này mà còn ngái ngủ a? Ra vốc nước rửa cái mặt nhem nhuốc đi nào!”. “Hôm nay cô ra chợ làng à? Cháu theo với!” Tôi đứng lên buộc lại mớ tóc cao vổng lên như cái đuôi gà. “Nhiều việc lắm, Len ở nhà giúp cô quét cái hiên, nắng lên mang bắp ra phơi vào hai cái nong nhỡ, bà đi chùa về thì dọn cơm hai bà cháu ăn, nồi cá kho cô đã hâm” cô tôi không ngẩng lên, xếp vào đôi quanh gánh thêm mớ cúc vàng, thược dược rồi xốc lên vai lẹ làng gánh đi. Tôi nhìn theo bóng cô xa dần cho đến khi chiếc áo màu mận chín chỉ còn lại một chấm đỏ như đốm lửa rồi mất hút. Những bông nắng lưa thưa nhảy nhót trên đường đuổi theo gánh hoa vàng rực, cô tôi như gánh cả mùa xuân đến chợ làng trên chiếc đòn gánh rung rinh.

Làng tôi nổi tiếng với nghề trồng hoa, cứ vào những ngày giáp Tết xe tải từ thành phố lại nườm nượp đổ về, nhà buôn vào tận vườn mua, người làng tôi không còn vất vả khi đến mùa phải cắt hoa rồi gánh ra chợ đứng bán như ngày trước. Những gánh hoa trên đường làng thưa dần, chỉ còn gặp đâu đó vào ngày rằm, mùng một hàng tháng. Riêng cô tôi vẫn giữ nếp xưa, chăm bón hoa cả năm, đến mùa Tết lại cắt hoa gánh ra chợ. Nhà buôn thấy vườn hoa của cô tươi tắn, muốn mua nguyên vườn với giá cao nhưng cô tôi cũng lắc đầu, tự mình chắt chiu từng cành hoa, tỉ mẩn cắt rồi ra tước dây chuối sau hè bó lại, gánh ra chợ đứng bán từ sáng đến qua trưa.

Những buổi trưa nắng chang, mồ hồi nhễ nhại thấm đẫm lưng áo, cô về đến nhà bao giờ mặt cũng đỏ lựng, vừa vào đến hiên đã ríu rít kể cho bà tôi nghe chuyện sáng nay chợ làng người mua đông như kiến cỏ, một tay cô không kịp bó, chuyện người đàn ông đi xe lăn mua bó hoa trang về cắm lên bàn thờ nhân ngày giỗ vợ, cô không bán mà biếu ông, lát sau ông quay lại gửi cô gói chè lam về cho mẹ… Những câu chuyện ngoài chợ làng cô mang cả vào bữa cơm. Có hôm tan chợ còn lại vài bó bán không hết cô đem về cắm. Cô cắm hoa thật khéo, chỉ một chiếc bình mộc mạc với những bông hoa thật giản đơn vậy mà có một bình hoa sống động, hút hồn.

Một tháng hai ngày, rằm và mùng một, trên đường làng lại có bóng dáng cô tôi thong thả quảy đôi gánh đầy hoa. Ngoài vạn thọ, cúc vàng, đôi khi còn cả những bông hoa mào gà đỏ chói, bó muồng tím, bó hoa trang… Mỗi lần ra chợ, cô đi qua sân đình, men theo con mương, từ đó xuôi về phía chợ. Qua cái xưởng hàn gò cô lại cắm cúi đi thiệt nhanh, tránh một đôi mắt luôn dõi theo cô cho đến khi khuất bóng. Đôi mắt chú Thuần, người con trai thầm thương cô bao lâu nay.

Chú Thuần người làng, thương từ ngày tóc cô cột nhỏng đuôi gà, đến giờ cô xấp xỉ ba mươi, cái tuổi có đẹp cỡ nào trai làng cũng chẳng còn mong ngóng. Vậy mà chú Thuần vẫn âm thầm đợi cô. Bà tôi cứ đến những ngày cuối năm lại ngồi bên hiên thở dài sườn sượt, tay quệt nước trầu quanh miệng, ngó ra đồng thở than “Người ta già rồi có đứa cháu bồng sớm hôm thủ thỉ mà vui cái đời, tôi đây già rồi toàn nhớ chuyện xưa cho quên đời!”.

Mỗi khi nghe bà nói vậy cô tôi lại lỏn lẻn cười, dụi đầu vào ngực bà rúc rích “Con ở vậy chăm má!”. “Thôi, tôi chả cần chị chăm, tôi chỉ cần có cháu bế thôi!” Bà tôi lại hờn dỗi quay mặt ra đồng, mớ tóc mỏng dính chỉ còn lơ thơ vài sợi xổ tung, thổn thức “Đàn ông chẳng ai đợi mình cả đời đâu! Thằng Thuần qua cái Tết này đã băm lăm băm sáu, người ta như nó đã có cháu gọi ông. Vậy mà nó phải đợi chị ngần ấy năm… đến giờ còn đợi, thật chẳng ai như nó. Tội nghiệp!” Giọng bà nghèn nghẹn. Thấy tình hình có vẻ sắp đi đến màn mũi dãi sụt sùi, cô tôi sè sẹ lui ra sau hè, kiếm cớ hái mớ bắp già vào trảy để mai mốt còn kịp xay cho đàn gà sắp đẻ.

Năm cô tôi lên ba, ông tôi theo một người đàn bà khác, để lại ba mẹ con trong căn nhà mái tranh xiêu vẹo. Gần ba mươi năm bà tôi lặng lẽ sống, âm thầm nuôi cha tôi và cô. Có ai chợt nhắc đến ông, bà chỉ cười buồn, không một lời oán giận “Duyên vợ chồng tôi chỉ chừng đó, ông ấy cho tôi hai đứa con thằng Túc với con Liên rồi đấy thôi!” Điều lạ lùng, bà vẫn yêu ông, yêu như thể một người vợ yêu chồng vẫn đầu gối tay ấp, quấn quýt sớm hôm.

“Mẹ, sao mẹ lại phải chịu cảnh vò võ này?” nhiều đêm cô tôi thủ thỉ. “Mẹ đâu có vò võ, mẹ luôn nghĩ về bố bằng những kỷ niệm đẹp nhất”. “Con thì khác, con sợ mai này nếu gặp phải một người thiếu thủy chung, con sẽ không được như mẹ” cô nắm bàn tay bà tôi xoa nhè nhẹ, miết lên những vết đồi mồi, miệng thủ thỉ ra chiều ẩn ức.

“Đi lau lá dong cho mẹ gói bánh!” bà tôi giục. Cô tôi nhanh nhảu đứng lên cầm cái chậu ra giếng, vừa đi vừa quay lại cười tươi rói “Đêm nay con sẽ thức trông nồi bánh cho mẹ”. “Tôi chả cần chị!” Bà dấm dẳng “Tôi có người trông nồi bánh giúp rồi!” Vừa nói bà vừa xùy xùy đuổi đàn gà con đang bươi đám thóc trước hiên.

Bà ngồi gói bánh, tấm lưng còng xuống vì thời gian, đôi tay gầy nhăn nheo buộc dây lạt thoăn thoắt. Tôi lăng xăng quanh bà và cô, chốc chốc đấm lưng cho bà, cầm cái quạt nan phe phẩy cho cô. Qua trưa, cái thúng của bà đã đầy ắp bánh, thúng của cô vẫn còn lưng lửng. “Mẹ đã xinh còn đảm, con vụng về thế này ở vậy cho xong” cô cười hi hi, cầm chiếc bánh chưng méo xệch vừa gói lên ngắm nghía. “Cha bố chị, từ ngày lấy chồng tôi mới đảm ra đấy!” Bà tôi quệt nước trầu, mắng yêu cô.

Hôm cô gánh hoa ra chợ Tết, một người đàn ông chở vợ đến mua, phía sau đèo thêm cô con gái nhỏ. Người đàn bà chọn bó vạn thọ tươi tắn, quay sang chồng “Bó này anh nhé! Ngày còn sống ông bà nội cái Mi thích mùi vạn thọ nhất!”. Người chồng gật đầu, đặt bó hoa vào giỏ xe, đoạn quay sang bế con gái đến bên gánh hoa của cô “Con chọn đi, chọn giúp bố một bó đẹp nhất, bố tặng mẹ!” người đàn ông chỉ vào gánh hoa tươi rực rỡ cô vừa cắt trong vườn. Cô bé thích thú chọn những cành cúc vàng, đưa cho bố. Người đàn ông quay sang vợ lúc này đang nép bên ông, ánh mắt nồng ấm trên gương mặt rạng ngời.

Họ đi rồi cô vẫn đứng trông theo. Bâng khuâng. Ngọt ngào. Cái hương vị vợ chồng nó mới dung dị làm sao, đâu cần gì to tát mà khiến cô nghe tim rộn ràng. Quảy đôi gánh về ngang qua xưởng gò hàn ở cuối đường, chân cô chậm lại, cái gánh không bỗng nặng trịch.

“Liên!” Giọng đàn ông trầm ấm phía sau. Không quay lại cô vẫn nhận ra chú Thuần. Luống cuống đặt đôi quang gánh bên vệ đường, cô cúi gương mặt nóng ran như đang ngồi bên bếp lửa. “Để tôi đợi em đến bao giờ?!” chú Thuần thì thầm. Cô cúi mặt lí nhí “Tôi còn về kẻo trưa!” Nói rồi xốc đôi quang gánh lên vai cô hấp tấp bước đi, mặc chú Thuần khắc khoải nhìn theo cho đến khi bóng cô rẽ vào ngõ nhỏ.

Bà tôi với tay lấy tấm lá dong cuối cùng thì nếp, đậu xanh và thịt mỡ cũng vừa hết. “Mẹ thật khéo, tính toán vừa y!” cô trầm trồ. “Vào mang cái thùng nấu bánh ra xếp vào, để mẹ ra sau hè lấy vào ít củi gộc, mấy hôm được nắng đem phơi, tối nay đun là đượm lắm đây!”. Tôi phụ cô vần cái thùng ra đến hiên đã thấy chú Thuần chỉnh tề trong bộ đồ mới toanh từ ngõ đi vào, trên tay cầm bao bánh gai. Tôi reo lên gọi cô. Bà tôi từ sau hè đi lên, lặc lè ôm mớ củi gộc, vừa đi vừa xuýt xoa cái lưng đau. Chú Thuần chạy lại đón lấy “Để con!”. Bà đưa mớ củi cho chú, những nếp nhăn trên trán giãn ra.

Như chẳng để ý đến cô đang đứng như phỗng bên hiên, chú Thuần phụ bà xếp bánh vào thùng, chất củi rồi nhóm lửa. Nồi bánh được đặt lên, ngoài trời cũng vừa sập tối, lúc này chú Thuần mới sẽ sàng đến bên cô “Bánh gai mẹ gửi cho em. Đêm nay anh thức trông nồi bánh, em cứ ngủ đi!”. Cô tôi ngúng nguẩy vào nhà, gương mặt đỏ lựng “Ai nhờ vậy!”. Chú Thuần mạnh dạn nắm bàn tay cô kéo lại gần thủ thỉ “Mẹ anh bảo, đã chọn được ngày lành. Ngày kia mẹ sẽ mang trầu cau sang thưa chuyện với mẹ bên này”. “Nhưng…”. “Anh đợi hơn mười năm rồi còn gì, vả lại cả hai mẹ đều trông”.

Tôi reo lên chạy đi gọi bà, cô quay sang lườm tôi một cái thật dài, chú Thuần tủm tỉm cười lúi húi cho thêm thanh củi gộc vào nồi bánh chưng đang sôi bùng bục. Bà tôi từ sau hè đi lên, ôm thêm mớ củi, quay sang nhìn cô còn đứng bẽn lẽn bên hiên “Lại còn đứng đó, đặt ấm nước sôi pha chè cho anh, còn bánh chè lam hôm nọ mang ra đây!” Nói đoạn bà quay sang chú Thuần đang châm nước vào nồi bánh, lẩm bẩm “Phơi mớ củi được nắng, nồi bánh cứ phừng phực cháy trông rõ sướng!”

Truyện ngắn của VŨ NGỌC GIAO

 

 

;
.