Đi xa là để trở về, về với những mến thương bình dị trong chiếc nôi quê nhà, và mỗi chuyến trở về lại thấy thêm một lần ta trưởng thành hơn.
Mỗi lần về là cả nhà luôn bận rộn tất bật. Dọn dẹp nhà cửa mấy chị em trong nhà cũng tị nạnh nhau mách mẹ. Đứa quét mạng nhện đứa lau chùi bàn ghế. Rồi chiếu chăn, mền gối cũng được đem ra giặt giũ, phơi phóng để bay bớt mùi ẩm mốc và đậm chút hương của gió, của nắng cuối đông. Ấy mà vui đến lạ. Không khí nhộn nhịp hẳn.
Tôi rất yêu thích mùi thơm của nhang trầm, thơm của mứt gừng, thơm mùi dưa món, dìu dịu hoa xoan nở sớm, ngòn ngọt vị mía thắng đường đồ xôi, lâng lâng thơm rượu nếp mẹ nấu. Với cái đứa nhạy cảm như tôi, tôi thường gọi đó là mùi của cố hương bởi qua bao tháng năm, qua bao bước đường cơm áo, mùi hương ấy luôn hiện diện trong tâm thức mỗi khi được về quê dịp này.
Nhớ hồi đó, dù nghèo hay giàu thì nhà ai cũng làm vài món quà bánh dành cho ngày Tết. Món mứt dừa sực nức mùi thơm trong chảo dưới lửa liu riu. Món củ kiệu muối chua chua mặn mặn để dành ăn cùng bánh tét. Ngoại hay nói: “Cả năm khổ mấy cũng được nhưng Tết cần tươm tất để cúng ông bà, rồi mời bà con láng giềng sang chúc Tết ăn lấy thảo...”.
Cuối năm, cũng là dịp mẹ ra đồng cấy lúa vụ Đông Xuân dù cho mưa phùn gió rét căm căm. Xong đồng mới vui Tết được. Tôi cũng đã từng bước chân xuống vuông ruộng ba vừa mới cày bừa xong, tay cầm rẻ mạ xanh bắt từng cây mạ cắm xuống đất. Ngước mắt nhìn sang mẹ đang miệt mài cấy, nước bùn bắn tóe lên cả mặt, thời gian khắc nghiệt vẽ những dấu chân chim chằng chịt mà thương xót đến quặn lòng. Thương mẹ lội ruộng cấy lúa đồng xa cho con có cái ăn cái mặc, học hành cho đời bớt cơ cực, cho bằng bạn bè. Lo cho mẹ vất vả làm đồng trong mưa rét, tôi bảo mai này đi xa hễ mùa đông đến sẽ về cấy lúa. Mẹ mắng “ăn chưa no, lo chưa tới” hứa chỉ là hứa. Bây giờ nhớ lại thương mẹ ngập lòng.
Rồi tôi lại nhớ nhung những phiên chợ Tết đi cùng mẹ. Lúc còn bé, được đi chợ Tết ở quê là một cái gì đó háo hức lạ thường. Những ai sinh ra và lớn lên ở thành phố sẽ không hiểu được cảm giác cả năm mới được lên thị trấn một lần, cứ “mắt chữ a mồm chữ o” sướng không lột tả được. Chỉ biết thế là vui lắm, hạnh phúc lắm. Chợ Tết ở quê không chỉ là nơi để người ta mua sắm, mà còn là nơi trao gửi những thân tình. Chợ có nhiều món hàng được bày bán nào là cá, gà, vịt, hoa quả... rồi đào, quất. Phía bên kia đường những nhành hướng dương mang bao ước nguyện tới mặt trời, rồi hoa cẩm chướng, lay ơn, cúc, đồng tiền... mỗi hoa một vẻ tô điểm cho bức tranh xuân ở phiên chợ Tết thêm sắc hương cùng với lời rao mời mua hoa mà nét mặt ai ai cũng hớn hở “vui như Tết”.
Giờ này, chắc mẹ ba đang ngóng chờ chúng tôi, lòng tôi vui như những đứa trẻ thơ, rồi tự hỏi “đang đi trên con ngõ nhỏ ở quê không biết có dấu chân nào trùng với dấu chân ngày mình còn bé, những ngày giáp Tết một thuở xa xưa?”.
THÙY HƯƠNG