Lễ công bố quyết định công nhận 3 mặt nạ vàng là bảo vật quốc gia

Thứ Sáu, 23/12/2022, 13:28 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 23/12, tại Bảo tàng tỉnh, UBND tỉnh tổ chức lễ Công bố công nhận bảo vật quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tham dự lễ công bố có các ông: Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL; Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Xem video:

Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL; ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia “3 Mặt nạ vàng Giồng Lớn – Long Sơn” cho đại diện Sở VH-TT và đại diện Bảo tàng tỉnh..
Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL; ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia “3 Mặt nạ vàng Giồng Lớn - Long Sơn” cho đại diện Sở VH-TT và đại diện Bảo tàng tỉnh.

Theo đó, hiện vật được công bố là bảo vật quốc gia lần này là 3 mặt nạ vàng Giồng Lớn (mặt nạ Giồng Lớn M2, M4, M5) và di sản di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công bố là Lễ giỗ bà Phi Yến.

Các đại biểu tham quan tủ trưng bày 3 mặt nạ vàng Giồng Lớn-Long Sơn tại Bảo tàng tỉnh.
Các đại biểu tham quan tủ trưng bày 3 mặt nạ vàng Giồng Lớn-Long Sơn tại Bảo tàng tỉnh.

3 mặt nạ vàng được phát hiện tại di chỉ Giồng Lớn, xã Long Sơn, trong các khu mộ táng. Các mặt nạ này đều là những hiện vật độc bản, với trình độ kỹ thuật chế tác điêu luyện. 3 mặt nạ có đặc điểm chung là hình chữ nhật và được chế tác bằng kỹ thuật dập, thủ công bằng tay, với các họa tiết hoa văn nổi như: lông mày, mắt, sống mũi. Tuy nhiên, các mặt nạ khác nhau về kích cỡ và hoa văn thể hiện trên khuôn mặt. Các mặt nạ được xác định có niên đại hơn 2.000 năm (giai đoạn chuyển tiếp từ tiền Óc Eo lên văn hóa Óc Eo).

Với những giá trị độc đáo và giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng, ngày 25/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2198 công nhận mặt nạ vàng Giồng Lớn Long Sơn là Bảo vật Quốc gia.

Hiện 3 mặt nạ vàng Giồng Lớn Long Sơn đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, số 4 Trần Phú, thành phố Vũng Tàu.

Lễ giỗ bà Phi Yến, là một Lễ hội truyền thống đã được tổ chức cách đây 237 năm, diễn ra tại di tích lịch sử - văn hóa An Sơn miếu, huyện Côn Đảo.

Truyền thuyết về Bà Phi Yến đã được lưu truyền và hoàn thiện thông qua truyền khẩu từ đời này qua đời khác trên huyện đảo, phản ánh triết lý nhân sinh quan phong phú của người dân nơi đây. Lễ giỗ Bà là di sản văn hóa phi vật thể có giá trị lịch sử, văn hóa - tín ngưỡng, nghệ thuật, thể hiện bản sắc của cộng đồng; là một hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú không chỉ đối với người Việt, Hoa, Khmer của vùng đất Nam Bộ mà còn ảnh hưởng và thu hút đông đảo khách hành hương trong và ngoài nước.

Các đại biểu tham quan và tìm hiểu về 3 mặt nạ vàng Giồng Lớn-Long Sơn.
Các đại biểu tham quan và tìm hiểu về 3 mặt nạ vàng Giồng Lớn-Long Sơn.

Tại lễ công bố, ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT-DL đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với 3 hiện vật mặt nạ vàng và Quyết định của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL về việc đưa lễ giỗ Bà Phi Yến vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được vinh dự đón nhận và công bố hóa Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thể hiện sự trân trọng và ghi nhận của Nhà nước đối với lịch sử vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân tỉnh BR-VT, mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam; qua đó, quảng bá, phát huy giá trị các bảo vật quốc gia, các di sản cũng như văn hóa vùng đất BR-VT tới cộng đồng trong và ngoài nước.

MINH THANH-NGUYỄN LỘC

 

;
.