Cảm ơn cô đã giúp em tự tin
Tôi bây giờ là cô giáo dạy Văn, thích đọc thích viết nên có lẽ nhiều người không tin chuyện hồi nhỏ tôi học yếu môn Văn. Nhưng đó là sự thật.
Trong bốn kỹ năng nghe, đọc, nói, viết, tôi chỉ đạt mỗi khâu đọc, nghe còn tạm được nhưng viết yếu, còn nói thì rất tệ.
Không tự tin giao tiếp nên nếu phải đứng nói, tôi lúng túng đến tội nghiệp, thảm đến độ dù đã thuộc bài ro ro nhưng nếu bị gọi tên, tôi tái mặt, ú ớ liền. Không chỉ dở khâu nói, tôi viết cũng chẳng khá hơn. Bài tập làm văn của tôi luôn chi chít chữ ở ô “Lời phê của thầy/cô giáo”. Tóm lại, từ trước khi gặp cô giáo dạy Văn năm học lớp 8, Nguyễn Thị Thanh thì môn Văn của tôi chưa bao giờ vượt qua điểm 6.
Cô Thanh có dáng người đầy đặn, cô không quá nghiêm khắc nhưng ít cười. Gần như lúc nào cũng vậy, cô không chỉ trích hay to tiếng nếu học sinh có biểu hiện lỗi lầm, chỉ ít cười thôi nhưng cô vẫn là người tôi sợ nhất. Càng sợ hơn khi tôi thường bị cô gọi tên - dù không xung phong - cô hay bất ngờ gọi nên tôi càng lúng túng khi đứng dậy.
Vì sợ nên cứ muốn tránh cô. Tin không, đang đạp xe trên đường nhưng nếu thấy thấp thoáng bóng dáng cô ở đằng xa thì tôi lật đật dừng xe lại, làm như xe đang bị trật sên rồi lúi cúi lo sửa nên đã không thấy cô - để khỏi phải giáp mặt nói “Em chào cô!”. Vậy đấy, sợ đến nỗi ra đường không dám chào cô, đến tiết cô là ngồi trong tâm thế khép nép, hồi hộp. Có lẽ vì tất cả những lí do đó nên tôi không thể nào quên cô. Nhưng phải tận sau này, khi cô đã chuyển vô thành phố sống, khi đã trở thành cô giáo dạy Văn thì tôi mới thấm thía công lao của cô - người đã giúp tôi rèn các kỹ năng viết, nói.
Tôi còn nhớ, cô Thanh chú trọng những tiết trả bài, cô ghi nhận xét ưu nhược rất chi tiết và lên lớp sẽ hướng dẫn cách khắc phục những lỗi đó. Và với những học sinh “lắp bắp”, cô thường tạo cơ hội để được nói. Với một cô nàng thiếu tự tin như tôi, cô rất kiên quyết bảo: sợ, nhát thì càng phải nói, cô sẽ gọi trả bài tới chừng nào hết sợ, hết nhát mới thôi. Rồi cô bảo viết nhật ký, ghi lại cảm xúc mỗi ngày, là cách hay để rèn viết mà không thấy áp lực. Tôi đã tin cô và thiện chí làm theo. Nỗ lực đã ít nhiều có kết quả. Và như vậy, tôi đã có nhúc nhích, từng chút một sau những tiết Văn của cô. Mỗi một thay đổi nhỏ cô đều có lời khen.
Kỷ niệm làm tôi nhớ nhất là cái hôm cô gọi, khi tôi còn chút chần chừ, chưa kịp đứng dậy liền vì còn mãi tìm kiếm từ ngữ hay ho để trả lời câu hỏi của cô thì thằng Sang ngồi bên “hét”: “Cô kêu ba mắt nói cà lăm kìa” (tôi có nốt ruồi to giữa trán). Thấy tôi đỏ mặt vì sượng, cô liền giải nguy: đừng đùa với “con mắt thứ ba” của bạn ấy, đó là “thiên nhãn”, mà những người có “thiên nhãn” thường rất thông minh.Bằng chứng là từ một cô học trò nói không thạo viết không hay, bạn ấy đã tiến bộ rất nhiều, cô định sắp tới sẽ tổ chức một buổi đối thoại ở lớp, có thể cô sẽ hướng dẫn bạn làm người dẫn chương trình đấy.
Tôi biết, dù chỉ là kế hoạch, có thể xảy ra cũng có thể không xảy ra, nhưng nghe cô nói vậy, ngay lúc đó, tôi thấy mình tự tin ngút ngàn. Và bây giờ, tôi đã không nhớ mình đã vượt qua lỗi “nói không thạo” từ lúc nào. Nhưng tôi biết một điều chắc chắn đó là nhờ công của cô Thanh.
Bây giờ, tôi cũng theo nghiệp của cô mình. Là cô giáo dạy Văn, ngoài việc chú trọng rèn kỹ năng nói, nghe, đọc, viết cho học trò, tôi còn xác định cho mình một nhiệm vụ đặc biệt nữa là giúp học trò tự tin - như cô đã từng làm với tôi và các bạn tôi.
BÍCH NHÀN