Mắt bão
“Mắt bão là cái chi chi rứa bây? Bão mà có mắt, biết nhìn trước ngó sau thì bà con dân lành mình mô có khổ rứa. Rồi bão đi tới đâu rồi, chừng mô nó vô?”
Minh họa: MINH SƠN |
Bà Bốn nheo mắt nhìn sang con Son đang luyên thuyên đọc mấy thông tin trên mạng xã hội, tay vẫn xoay tròn cái kìm để quấn chặt một đầu sợi thép vào bản lề cửa sổ. Từ bản lề bên này, bà Bốn kéo sợi thép bao ngang bên ngoài khung cửa kính rồi luồn qua bản lề phía bên kia, quấn ngược xuôi mấy vòng xong mới cột chặt. Tiếp đến, dùng băng keo bản to dán lên khe hở giữa cánh cửa và khung cửa. Thế này đố gió lọt nổi vào nhà, chớ đừng nói tới giật tung cửa.
Nghe bà gọi tên cơn bão gần gũi như gọi con cháu, Son bụm miệng ráng nhịn cười. Hôm qua, Son đang lướt phây-búc “đu” sao Hàn, bà Bốn cầm tờ báo cuối tuần vào hỏi.
“Nô-ru nghĩa là chi rứa út, bây dịch sang tiếng Việt cho nội dễ đọc chớ báo nói tiếng Tây không hiểu”.
Son đành tra google và giải thích nôm na:
“Cứ gọi nó là con Hoẵng nội ơi”.
Bề ngoài Son tỏ vẻ bình thản, chớ thực ra trong lòng đã bắt đầu hoang mang. Trên tin tức, người ta nói Nô-ru có tâm bão hình kim, dạng mắt bão nhỏ nhất, cô đặc, với cường độ và sức mạnh tàn phá cực kỳ khủng khiếp. Mắt bão được ví như đôi mắt giận dữ của bầu trời, dù tại vị trí đó, hầu như ít gió, ít mây, là nơi bình yên nhất của cơn bão. Mức báo động bốn trong thang đo bão, suýt soát với thảm hoạ.
Đài dự báo, tối nay con Hoẵng mới đổ bộ đất liền. Bây chừ trời bình yên quá, gió nhẹ, nắng hanh dịu, mây trắng đục, không khí dễ chịu. Sự im lặng đáng sợ trước cơn bão dữ.
Son đổ cát vô đầy bao tời, cột chặt miệng bao rồi níu ràng lên lưng. Nó bắc thang leo lên mái nhà, tay vịn chặt bước từng bậc nặng nề. Lên tới nơi, Son thả bao cát chần lên tôn, chia khoảng cách san sát nhau. Lúc xây căn nhà cấp bốn ni, Son leo lên mái, coi ngó thợ bắn đinh mũ chống bão, quét sơn chống gỉ sét lên trên đinh. Ở hai đầu mép tôn chạy dọc theo căn nhà, Son yêu cầu thợ phải đổ bê tông đè lên khít chặt. Sau đó, nó cho thợ xây tường cao lên bao tôn. Mấy ông thợ nói Son khó tính quá, kỹ thấy sợ luôn. Nó mặc kệ, phải làm cho chắc chắn để phòng mùa bão gió tốc mái. Ở xứ này, mỗi năm hứng chừng cả chục cơn bão lớn nhỏ, không xây cẩn thận không được.
***
“Mô Phật, lạy trời làm phước cho bão sớm tan”.
Bà Bốn đang lầm rầm khấn vái, bỗng hét toáng:
“Son!... Trời ơi bị chi không con? Thôi bây đừng leo trèo nữa, nguy hiểm quá”.
Ông Phật nào đó nghe tiếng bà Bốn la chắc sẽ giật mình. Son vừa rớt cái bịch từ trên thân cây khế xuống sân, đau điếng nhưng vẫn nhe răng cười, lò dò ngồi dậy phủi phủi cát. Cái mông ê đau, chắc cú ni bầm tím. Nó trèo cây chặt trảy bớt nhánh, sợ bão vô quật trốc gốc đè vô nhà. Son còn nhớ tới cây me mùa bão năm nào đó ngã chắn ngang cái ngõ, phải thuê người cưa xẻ mấy bữa mới xong.
Lúc chạm đất, Son chống tay xuống trước nên cổ tay nhưng nhức. Bà Bốn sờ nắn lắc lắc, chắc chắn chưa gãy xương, mới thở hơi ra. Đúng là, con gái nhờ phước cha. Son hay gặp tai nạn hoặc sự cố. Có lần lái xe bị va quẹt kéo ra giữa đường xém tạt đầu xe tải. Chạy ngang cầu Xìa Cát đập vào lan can suýt rớt xuống sông. Trèo cây rớt đất, lội suối trượt chân. Cắm điện xẹt tia lửa nổ bụp bụp. Nhưng lần nào cũng nhẹ nhàng vượt qua, chẳng hề hấn chi.
Bà Bốn thoa dầu lên chỗ bầm cho Son. Mùi dầu Phật Linh thơm nồng, là thứ hương quen thuộc gần như đặc trưng của nội và Son. Trái gió trở trời, nội hay đau khớp, liền lấy dầu ra xức. Mỗi lần Son nghẹt mũi hay nhức đầu, nội đều xoa dầu cho. Nó chui bụi tre cắt măng, bị kiến lửa bu cắn, hay ra suối bắt ốc té đập đầu gối vào hòn đá, cũng thứ dầu màu đỏ đó làm dịu cơn đau.
Bà Bốn khoái hít dầu vào mũi hoặc thoa lên thái dương gần mắt, chưa từng thấy hơi dầu cay. Tự dưng nay dầu chỉ mới dính tay, mùi hương đó lại làm bà cay tràn khoé mắt. Đúng là, “không có chó bắt mèo giữ cửa, không có trâu bắt dê đi cày”. Nhà thiếu vắng bàn tay đàn ông, việc nặng việc nhẹ chi đều trông đợi con bé ròm như con mắm.
Ba của Son xui rủi mệnh mỏng. Đợt bão mấy năm trước, đi cứu nạn cho dân trong cơn lũ quét rồi bỏ cả mạng. Nỗi bất hạnh khi mất đi người thân trong cuộc đời là vết cắt hằn sâu khó chữa lành, là khoảng trống chẳng thể nào lấp đầy. Son cắt phăng mái tóc dài đen của mình thành quả đầu tém gọn, nhuộm đỏ tía. Son ước chi, khi về tới nhà, ba sẽ cầm roi quất vào bắp vế nó như hồi nhỏ, bắt đi nhuộm đen nuôi tóc dài. Nó chạy trốn ra sau lưng nội, bĩu môi chê ba quê mùa: “Kiểu tóc này đang hot trong phim Hàn đó ba”.
Son thương nội tuổi già sức yếu nên nghỉ hẳn công việc ở thành phố, về quê trồng vườn sớm tối chăm nội. Chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà một tay Son lo liệu. Căn nhà cũ của bà Bốn già khú đế như chủ. Tường nứt mỏng yếu, tôn lủng trời nắng chói trời mưa dột, nền thấp bão lũ ngập nước. Son rút hết tiền tiết kiệm về, vay thêm một khoản, tự tay xây căn nhà mới.
Từ ngày ba mất tới nay, mái tóc của Son chưa khi nào dài được tới ngang vai, chưa khi nào đen trở lại. Cứ như Son sợ, lỡ tóc đen thì đời nó sẽ đen thêm hệt câu ru của nội: “Còn cha gót đỏ như son, mai sau cha mất gót con thâm sì”.
***
Nửa khuya, Son nằm trong phòng trùm kín mền nghe gió gào rít từng cơn. Nó cố nhắm mắt nhưng mãi chẳng ngủ được. Trước khi cơn bão tới, hầu như ai cũng thấp thỏm thức chờ. Phải tỉnh để lỡ có sập nhà còn chạy kịp. Son nhớ tới hình ảnh tại huyện miền núi Trà My mà nó từng thấy cách đây hai năm. Sau cơn bão, mọi thứ trôi theo dòng nước lũ. Người đàn bà nọ đứng bên cạnh đống gạch vụn. Có những người làm lụng dành dụm cả đời chạy vạy vay mượn khắp nơi mới xây được căn nhà nho nhỏ. Một cơn bão đi qua, điều còn lại duy nhất chỉ là đống đổ nát. Son khóc nghẹn dù chẳng phải chuyện của mình.
Điện tắt phụt làm căn nhà tối om. Chắc bão sắp tới rồi, nên người ta cúp điện để đỡ xảy ra cháy nổ. Bà Bốn lọ mọ mở mùng ra, kiếm đèn dầu hột vịt thắp lên. Son thắp thêm hai cây nến đỏ và mấy nén nhang trên bàn thờ ba. Trước bão, con người dù có chuẩn bị kỹ càng thế nào thì vẫn sợ hãi. Tuy nhiên, Son biết rằng bản thân phải luôn vững vàng. Vì ngoài nó ra, đâu còn ai có thể gánh gồng căn nhà này cho nội.
Son chưa bao giờ than thân trách phận. Nó luôn tin, những khó khăn ông trời dàn xếp sẽ có lý do nào đó. Chắc ông trời đang bảo vệ Son. Ví như cái lúc nó quyết định bỏ việc ở thành phố để về quê với nội. Nếu chậm chân chút nữa, nó đã phải một mình vật lộn quằn quại trong cơn đại dịch COVID-19 khủng khiếp giữa phố xá thênh thang. Bạn của nó ở lại thành phố, có đứa chẳng kịp nhìn mặt người thân lần cuối.
Son về ở với nội, cảm thấy làng quê bình yên và trong lành dễ chịu. Đằng sau cánh cửa nhà, luôn có chén cơm nóng, dĩa cà muối, nồi cá kho của nội đang chờ. Bao tổn thương mệt nhoài của những năm tháng xa quê đều được xoa dịu.
Ngoài trời, gió đang thổi giật từng đợt. Có tiếng răng rắc của cây gãy đổ, có âm thanh tôn va đập vào nhau rợn người. Mưa ầm ầm trút xuống mái nhà, như trút cơn thịnh nộ toàn đá tảng. Trải qua một cơn bão chưa bao giờ là việc dễ dàng. Đêm như càng dài ra ghê sợ. May mà vẫn có nội cạnh bên, để lòng Son an ổn hơn chút. Nó đi loanh quanh nhà, rọi đèn pin lên trần soi thử có chỗ nào dột nước không, kiểm tra từng góc tường có bị thấm ẩm chưa. Hồi nó còn nhỏ, mỗi lần bão tới, nó co ro trong mền nhìn nội từ nhà trên xuống nhà dưới cầm thau hứng dột. Bây chừ, nó đã đủ lớn để lo bớt giùm nội rồi.
***
Bà Bốn hé mở cửa ra nhìn trời ngó đất. Công nhận con bé Son ngó rứa mà giỏi thiệt. Gió quật cái nhà cấp bốn bên cạnh bay mất mấy tấm tôn. Mái ngói nhà kia bị gió thổi tốc hết mấy chục viên, lỗ chỗ hứng mưa. Nhà bà Bốn vẫn nguyên vẹn chẳng hề hấn chi. Tới cây khế cũng đang đó.
“Ui trời, rứa là bão có mắt thiệt hả bây? Nó thấy bà con quê mình khổ quá nên mới đập cái nhẹ hều”.
“Bão biết ổn định tổ chức á nội”.
Son vừa nói vừa cười ha hả, nhớ tới bài báo viết nhầm nó đọc được mấy ngày trước (Dự báo trong 24 giờ tới, sau khi ổn định tổ chức, bão tiếp tục di chuyển rất nhanh và mạnh lên). Bà Bốn nhìn Son bằng ánh mắt dấu hỏi chấm, rồi lại cúi khom quét mớ khế rụng đầy sân.
Bão tan, mưa ngừng, gió lặng, nắng rọi từng tia sáng ấm áp hong khô vạt cỏ sau hè. Son bàn với bà Bốn, đợi qua mùa bão, cuối năm sẽ trồng thêm vài chậu hoa hồng cho sân nhà thêm chút sắc hương.
Truyện ngắn của NY AN