Hồn nhiên Lê Văn Thảo
Năm 1979 tôi công tác ở quận 4 (TP. Hồ Chí Minh), chơi rất thân với các anh Lê Văn Thảo, Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Chí Hiếu. Tôi thường qua tòa soạn Báo Văn Nghệ Giải Phóng (giờ là Văn nghệ TP.HCM) chơi, đưa bài cộng tác. Lúc đó tòa soạn báo còn ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cao Thắng, quận 3.
Mấy anh em thường kéo nhau qua quán cà phê cóc nằm phía bên kia ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Cao Thắng uống cà phê, nói dóc. Ngược lại, mấy anh cũng thường qua cơ quan tôi chơi, cộng tác với những sinh hoạt mang tính văn chương, văn nghệ khi tôi phụ trách Nhà Văn hóa quận, cả với tờ Tin quận 4 mà tôi đảm nhiệm vai trò TKTS. Nhưng thường xuyên nhất, gắn bó nhất, có lẽ là nhà văn Lê Văn Thảo. Giờ thì 3 trong số các anh nói trên từng xem tôi là bạn vong niên đã là người thiên cổ, chỉ còn lại nhà thơ Nguyễn Chí Hiếu đang làm Tổng Biên tập Báo Văn nghệ TP.HCM. Và với tôi, nhà văn Lê Văn Thảo, giữa hai người bạn vong niên đã có nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất.
Lúc đó anh Lê Văn Thảo ở cư xá Phú Lâm B quận 11, trong một ngôi biệt thự rộng mênh mông do một người bà con ra nước ngoài để lại. Tối nào Lê Văn Thảo cũng gọi tôi qua nhà chơi và tôi thường ngủ lại bởi cũng thuộc dạng “độc thân vui tính” như anh “cơm tập thể, nhà cơ quan” nên chẳng có gì ràng buộc. Đạp chiếc xe đạp Cửu Long cơ quan cấp để đi công tác từ quận 4 qua quận 11, tới nhà anh Lê Văn Thảo non 10 cây số, nhưng sao hồi đó “sung” quá, đạp vèo vèo mà cứ nghĩ như đi chợ.
Nếu là tối thứ Bảy hoặc cuối tuần thì nhà anh Lê Văn Thảo bày sẵn một cuộc nhậu, thường xuyên có mặt họa sĩ Nguyễn Trung, họa sĩ Ca Lê Thắng, nhà thơ Lê Chí, nhà báo Quang Thắng công tác ở NXB Mũi Cà Mau và vài gương mặt trong giới văn nghệ nữa mà tôi không thể nhớ hết. Họa sĩ Nguyễn Trung thì tôi biết từ trước năm 1975, các anh còn lại tôi biết qua anh Lê Văn Thảo. Cuộc nhậu chẳng có gì hoành tráng, rượu đế miền Tây hoặc Cây Lý, mồi bén toàn cây nhà lá vườn nhưng rất vui. Trong cái hội nhậu này tôi uống tệ nhất, mấy nhà khác uống thầy chạy. Ai xỉn thì ngủ lại trong ngôi nhà rộng mênh mông này, mỗi người một phòng cũng rộng mênh mông và thường thì mỗi người chiếm trọn một tầng.
Tôi nhớ, một phần dưới nhà của ngôi biệt thự được họa sĩ Nguyễn Trung và Ca Lê Thắng làm xưởng vẽ, tới chơi tôi thấy nhiều phác thảo tranh của hai họa sĩ bày la liệt trong phòng.
Nguyễn Trung chuyên trị sơn dầu, vẽ thiếu nữ và cá, hoặc thiếu nữ và ngựa, màu sắc thiên về sáng trắng, lung linh, huyền ảo, thơ mộng. Còn Ca Lê Thắng chơi tranh trừu tượng, hình ảnh góc cạnh, màu sắc nóng… xem một lúc thấy nhức đầu. Điều thú vị là, hai họa sĩ vừa nhậu vừa vẽ, cứ ngồi mâm nhậu “lỳ một lam” cho “xé lỗ tai”, khi thấy cao hứng lững thững sang phòng vẽ cạnh phòng nhậu múa cọ tiếp. Múa xong vài đường phiêu phiêu trở lại mâm nhậu.
Có vài lần anh Lê Văn Thảo gọi tôi qua nhà chơi, không phải để nhậu mà giới thiệu cho tôi một lúc mấy người đẹp miền Tây hiện hoạt động trong các đoàn văn công hay các đội văn nghệ gì đó muốn chuyển địa bàn về thành phố. Tôi không nhớ hết tên các người đẹp miền Tây này, nhưng có một cô chân dài, đẹp thiệt, da ngăm ngăm, là ca sĩ, có nguyện vọng về cơ quan tôi công tác và xin cụ thể vào đội ca khúc chính trị. Tôi nể lời anh Thảo nhận ngay và yêu cầu cô qua cơ quan tôi để làm việc cụ thể. Nhưng rồi không hiểu lý do gì cô lại đổi ý.
Bẵng đi một thời gian, tôi hầu như quên chuyện cô ca sĩ này, thì một hôm anh Lê Văn Thảo lại gọi cho tôi bảo cô ca sĩ ấy muốn… giải phẫu thẩm mỹ, cà một cái sẹo gì đó và nhờ tôi giới thiệu cho một bác sĩ thẩm mỹ uy tín. Tôi dẫn cô ấy đến bác sĩ Thanh Vân bạn tôi, rất nổi tiếng trong giới thẩm mỹ, và bác sĩ Thanh Vân đã thực hiện giúp ca này với giá hữu nghị. Từ đó không thấy cô ca sĩ ấy liên lạc với tôi nữa, hỏi anh Lê Văn Thảo, anh chỉ cười trừ bảo “Tao có thân thiết gì với con nhỏ ấy đâu, nó là bồ của thằng bạn, nhờ tao giúp, tao ở trong rừng ra, ít quen biết nên nhờ mày giúp vì mày có uy hơn tao. Sau khi sửa sắc đẹp rồi nó cũng biến, chắc sống với thằng bạn tao ở dưới miền Tây luôn rồi”. Tánh anh Lê Văn Thảo là vậy, rất hồn nhiên.
Một hôm, vào buổi chiều, anh Lê Văn Thảo gọi cho tôi bảo “mày rảnh không, tao qua uống cà phê, mà phải đi quán xa xa, không ở quận 4 chỗ mày nghen. Được hôn?”. Tất nhiên là được, gì chứ quán cà phê xa xa thì tôi rành. Anh Thảo qua, không đi một mình mà chở theo cô bạn gái, giới thiệu với tôi là V. Cô gái cao ráo, xinh xắn, dễ thương và phải nói là đẹp như người mẫu. Tôi đưa anh chị qua một quán cà phê bên quận 7, ngồi uống cà phê, chứng kiến anh chị rỉ rả tâm tình, tôi thấy mình là người thừa, ngồi kỳ đà cản mũi cũng chướng nên xin về trước cho anh chị được tự do. Nhưng anh Lê Văn Thảo không chịu cứ bắt tôi phải ngổi lại để chứng kiến.
Thế là tôi bị bắt buộc ngồi lại để chứng kiến đôi tình nhân đang trong giai đoạn tìm hiểu nhau giống như hồi trong… chiến khu. Tôi đành chịu trận. Nhưng không chỉ một lần, mà nhiều lần như vậy, đến lúc tôi buộc phải nói ra thắc mắc của mình thì anh Thảo cười gượng bảo: “Mày thông cảm, không có mày, tao không biết nói gì, ngượng nghịu, lướng vướng lắm”. Tôi chỉ biết kêu trời và mới hiểu nhà văn Lê Văn Thảo viết truyện ngắn, tiểu thuyết, diễn tả trai gái yêu đương, tán tỉnh nhau ra trò, nhưng thực tế anh Thảo rất nhát trong việc tán gái.
Rất may, anh Thảo và cô V. đã thành vợ chồng. Tôi là người chứng kiến mối tình này từ lúc anh chị mới quen nhau, yêu nhau cho tới ngày đám cưới. Để chuẩn bị cho đám cưới, việc đầu tiên là in thiệp cưới. Anh Thảo lại nhờ tôi thiết kế và in luôn thiệp cưới mới là điều hết sức ly kỳ.
Lúc đó, tại xưởng vẽ ngay nhà anh đã có hai họa sĩ tên tuổi là Nguyễn Trung và Ca Lê Thắng nhưng anh Thảo không nhờ thiết kế thiệp cưới mà lại nhờ tôi. Khi tôi thắc mắc, anh Thảo cười khà khà giải thích: “Hai thằng đó vẽ rồng vẽ rắn thì được, chứ thiết kế thiệp cưới thì tao không tin tưởng bằng mày”.
Dạo đó hầu như chưa có thiệp cưới bán đại trà ngoài phố như hiện giờ. Cũng may thời điểm đám cưới của anh Lê Văn Thảo tôi đã chuyển công tác từ Nhà văn hóa quận 4 sang phụ trách Xí nghiệp in quận 4. Việc in thiệp cưới cũng chẳng có gì khó khăn, nhà in của tôi đã có mấy cái máy bế hộp, máy in đặt tay, dư sức in thiệp cưới.
Tôi nhờ anh Tư Nén sếp Ty-pô chạy vào khu Phùng Hưng đèn năm ngọn Chợ Lớn mua loại giấy couché thật tốt, tự tôi thiết kế một loại thiệp cưới hình vuông, to kềnh như bìa tập nhạc của Trịnh Công Sơn trước năm 1975, chọn co chữ độc đáo mạ nhũ vàng để nổi bật tên cô dâu chú rể, và phía sau thiệp cưới tôi làm một bài thơ lục bát lấy tên là “Đám cưới”. Thiệp cưới in số lượng 200 bản theo lời anh Thảo dặn. Và đám cưới đã diễn ra hoàn hảo tại ngôi biệt thự ở cư xá Phú Lâm B. Ai cũng khen… thiệp cưới tôi thiết kế và in quá đẹp, quá độc đáo.
Hầu như cuộc hôn nhân nào rồi cũng có sự trục trặc, nếu không hàn gắn được thì phải chia tay. Tôi lại là người chứng kiến sự chia tay này. Khi anh Lê Văn Thảo lập gia đình, bạn bè thưa dần, người lên chơi nhà anh Thảo thường xuyên là tôi, nhưng chỉ khi nào anh Thảo tha thiết gọi tôi mới lên chơi và ngủ lại đêm. Tôi quá thân thiết với hai vợ chồng nên điều này là bình thường. Nhưng rồi tự tôi cảm nhận có sự trục trặc trong cuộc sống hôn nhân của nhà văn Lê Văn Thảo và chị V. Tôi không thường xuyên tới chơi với anh Lê Văn Thảo nữa.
Ngôi biệt thự ở cư xá Phú Lâm B đã bán hay giao lại cho người bà con của anh Thảo tôi không rõ, nhưng khi anh Lê Văn Thảo về ở ngôi nhà trên đường Nguyễn Phi Khanh quận 1, gần số 45B (tòa soạn Báo Văn nghệ TP.HCM mà lúc ấy anh là Phó Tổng Biên tập) thì tôi biết cuộc hôn nhân của anh đã tan vỡ, chị V. chia tay với anh, để lại một đứa con trai.
Khi tôi về công tác ở Báo Văn nghệ TP.HCM thời anh Nguyễn Chí Hiếu làm Tổng Biên tập thì anh Lê Văn Thảo đã nghỉ hưu, anh lui về ở một ngôi nhà thuộc địa bàn quận Bình Thạnh, gần cầu Bình Lợi và sau này nghe nói anh bị bạo bệnh.
Tôi chỉ gặp anh một vài lần trong các cuộc họp tòa soạn mà anh được mời dự lúc anh còn khỏe, không nói với nhau gì nhiều, nhưng tôi tự hứa sẽ lên nhà mới của anh thăm anh một lần. Vậy mà do việc công tư quá bận rộn tôi chưa đi được thì bất ngờ nghe tin anh mất. (Lê Văn Thảo mất ngày 21/10/2016).
Kỷ niệm với anh Lê Văn Thảo còn nhiều, chỉ xin ghi lại vài chuyện nho nhỏ, thay cho nén tâm hương gửi vong linh một nhà văn đậm đặc tính Nam Bộ, một người bạn vong niên, cầu mong anh thanh thản nơi cõi khác.
Chuyện văn chương là chuyện muôn đời, chuyện bạn bè là chuyện chỉ một đời, và quý nhất của một đời người là kỷ niệm với một người bạn thân thiết. Tôi xin giữ những kỷ niệm này, với anh Lê Văn Thảo như một tình cảm quý báu nhất cần lưu giữ không chỉ với tình đồng nghiệp, tình văn chương mà cả với một đời người.
(Kỷ niệm 6 năm ngày mất của nhà văn Lê Văn Thảo).
TỪ KẾ TƯỜNG