Mùa trám
Bà chị họ gọi điện cho tôi: Mùa trám đến rồi, nhà xe Bắc Nam cũng thông thương rồi, để chị gửi ít trám làm quà cho em nhé. Tôi bỗng bồi hồi. Bởi cả 2 năm Covid, điều này gần như bị lãng quên. Trước đây, kể cả chị không gửi thì mùa trám về, tôi cũng có thể mua tại các hàng bán đặc sản Bắc. Và món trám mùa tháng tám này người dân gốc quê tôi ai cũng xao xuyến nhớ nếu chưa được thưởng thức một lần.
Gần như ai cũng thuộc câu thơ trong bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu: Mình về rừng núi nhớ ai /Trám bùi để rụng măng mai để già. Trong câu đó có 2 thứ đặc sản được nhắc tới là trái trám và món măng. Là người Việt Nam thì ai cũng biết măng, nhưng trái trám thì có thể nhiều người không biết, nhất là ở khu vực phía Nam, nơi tôi đang sống. Bằng chứng là trong những lần có quà quê là món trám kho gửi vào, tôi mang ra “chiêu đãi” thì nhiều người nói rằng đây là lần đầu được ăn.
Quê hương của cây trám là những vùng có đồi núi cao. Tuy nhiên ngày thơ ấu tôi cũng chỉ thấy chúng có mặt rải rác ở những nhà ven đồi. Có 2 loại trám đen và trám trắng nhưng trám đen ngon hơn nên ở quê tôi ít khi thấy trồng trám trắng. Đó là một cây lưu niên có dáng cao vút, trồng mấy năm mới ra trái. Nhà ông nội tôi hồi đó cũng có một cây cao sùng sững trước cổng nhà. Vào khoảng giữa tháng bảy âm lịch, lúc cái nắng cuối hạ trở nên chói chang, trong những khu vườn rậm rạp vẫn còn sót lại dăm chú ve muộn màng đang réo rắt khúc nhạc giã từ mùa hè, đó là vào mùa trám bắt đầu chín bói. Trái trám có hình thoi thuôn dài 2 đầu, bình thường màu xanh, nằm lẫn trong tán lá, chẳng ai nhìn thấy. Bây giờ chúng bắt đầu tím dần, và khi chín hẳn thì chúng đã đen thẫm lại. Vì cây rất cao nên người ta leo lên cây để hái và phải nhờ vào cái sào đã được chế tác dành riêng để hái trám.
Chế biến trám tương đối đơn giản nhưng cũng phải làm đúng cách mới được. Người ta cho trám đã rửa sạch vào nồi rồi đổ nước nóng già vào om. Om độ 1 giờ thì quả trám mềm ra. Sau đó thì có thể kho, làm gỏi hay kho chung với thịt hoặc cá. Nếu muốn để dành thì bỏ hạt rồi phơi khô, cho vào chai sạch dùng dần.
Mùa trám, chợ phiên ở quê tôi trám bày từng dãy. Chẳng người bán nào có nhiều để đổ đống như những đống trái cây cam quýt ở trong này. Đơn giản là vì mỗi nhà chỉ có vài cây và hái nó không dễ nên mỗi phiên chợ chỉ được một mẹt nhỏ hay lưng cái thúng là cùng.
Những lần về phép đúng mùa trám, giữa màn mưa mờ trắng của mùa thu, nhìn những mẹt trám đen thẫm bày từng dãy trong cái chợ nhỏ, các bà các chị co ro trong tấm áo mưa luôn miệng chào mời, chẳng hiểu sao trong tôi cứ bồi hồi, xao xuyến. Đây là hình ảnh đặc trưng nhất khác với nhiều nơi khác mà tôi đã đi qua. Nó nói với tôi về những nhỏ bé, hiu hắt, nghèo khó của một miền quê. Nó cũng nói về những tinh túy, thảo thơm, đậm đà được chắt chiu từ đất cằn đá sỏi. Nó là ám ảnh, là hương vị riêng neo lòng tôi lại, để dù có ở chân trời góc biển nào tôi vẫn là một đứa con của quê hương.
HỘI AN