Tháng Mười chạm vào miền nhớ
Đôi khi, tôi cảm thấy nhịp thời gian trôi đi thật vội. Mới ngày nào các cô cậu học trò còn rộn ràng cùng tiếng trống ngày tựu trường tháng Chín. Vậy mà giờ đây tháng Mười đã ùa tới tiếp bước những ngày Thu dịu ngọt, cùng những sợi nắng vương dịu dàng trên đóa sen cuối mùa và một chút se se lành lạnh của mùa chớm heo may.
Tháng Mười lạ lắm, lắm lúc ta cứ phải trầm mặc một chút, nhớ nhớ thương thương một chút về điều gì đó cứ tưởng chừng như đã trôi thật xa. Nhưng thực lòng không phải thế đâu. Chính tháng Mười đã thực sự đánh thức ta nhớ về nhiều miền kí ức xưa. Nhớ mẹ, thương cha, nhớ quê nhà. Những ngày tháng Mười thuở ấy sao mà bình yên đến lạ.
Tháng Mười về bất chợt nhớ tiếng cười giòn tan của đám bạn chăn trâu ngoài đồng. Rồi cùng chơi trò rồng rắn lên mây, kéo co. Chao ôi, sao mà vui thế nhỉ. Trải lòng lại tự hỏi mùi của tháng Mười là gì nhỉ? Phải chăng đó là mùi đốt đồng ngai ngái. Thế vị của tháng Mười là gì? Là vị ngọt bùi của những củ sắn, củ khoai nướng. Ăn không đủ vẫn cứ thèm thuồng mà cả đám cứ vui như tết. Chơi không đã chỉ mong ngày dài thêm. Chỉ có vậy thôi mà những đứa trẻ lớn lên ở miền quê đều mang theo nỗi nhớ ấy cả cuộc đời. Để rồi có những lúc bất chợt mỉm cười nhưng khóe mắt lại cay bởi vị nhớ hòa lẫn vị thương nhiều tới nỗi khó diễn đạt thành lời.
Bỗng thấy lòng nhớ thương mẹ nhiều hơn khi ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 gần tới. Mẹ vẫn vậy tần tảo sớm hôm lo cho đàn con bé bỏng. Tháng Mười mẹ đem hết áo khoác, chăn bông ra phơi lại để chuẩn bị cho một mùa Đông giá lạnh sắp về. Đứng phơi áo mẹ mỉm cười trong nắng và nói vọng vào nhà “cái Tèo nhà mình nhanh lớn thật, áo khoác này chật rồi. Để lại cho em đi. Bán lúa mới mẹ sẽ mua cho cái khác”. Mẹ lúc nào cũng vậy. Cho tới tận bây giờ vẫn chưa có được giây phút thảnh thơi. Ở mẹ lúc nào cũng có cái mưa nắng của cuộc đời, cái sương gió của thời gian. Có vậy thôi, mà bây giờ nghĩ lại lòng bâng khuâng nhớ mẹ nhiều hơn.
Tháng Mười, vườn cây của bà ngoại sai quả. Này chuối hoa cau thơm lừng trong gió. Kia là na, là bưởi, là hồng giòn. Đứng giữa vườn của bà lại khe khẽ nhớ về những câu thơ ngày nhỏ bà dạy lũ cháu tập đọc: “Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió/Sẽ được nghe thấy tiếng chim hay/Tiếng lích chích chim sâu trong lá/Con chìa vôi vừa hót vừa bay...”.
Ở phố thị bon chen với những toan tính cơm áo gạo tiền. Những ngày tháng Mười này đôi lúc lại thèm cuộc sống bình dị ở thôn quê. Nơi chan chứa nghĩa tình làng nghĩa xóm. Lắm lúc nghĩ về ngày xưa ấy tuy vất vả mà vui. Giờ được ăn nhiều món ngon mỗi ngày nhưng nhiều khi lại thèm món ăn mẹ nấu như rau muống, ngọn khoai luộc chấm nước tương bần, quả cà muối mặn mà lại ngon. Thèm lắm vị quê khi mình còn bé. Làm cho nhiều người đi xa quê vẫn nhớ, vẫn muốn quay về.
Tháng Mười, nghe tin báo bão về, mưa thối đất thối cát. Gọi về cho mẹ cha mà cứ nghẹn lòng khi nghe mẹ rưng rưng trong từng lời nói không giấu được nỗi lòng lo lắng. Là những nỗi âu lo trằn trọc không ngủ được. Cha mẹ oằn lưng chống bão. Nhiều lúc trách ông trời sao nỡ bất công với những người dân quê cần cù, vất vả “một nắng hai sương”? Đâu còn nhà còn cửa nữa đâu. Tất cả chìm trong biển nước. Thương lắm tháng Mười, thương lắm miền Trung ơi. Thương không kể hết những khó khăn chông chênh xuôi ngược. Nghĩ vậy thôi mà gối ướt đẫm nước mắt lúc nào không hay.
Tháng Mười ơi, những niềm nhớ niềm thương chưa bao giờ vơi cạn. Sẽ mãi là những ngày Tháng Mười tươi đẹp đáng trân quý. Những ký ức ấy sẽ luôn theo ta đi cùng năm tháng để rồi có những lúc mệt mỏi vụn vỡ của đời thường ta sẽ nhớ về để là chính mình, là tìm thấy được cảm giác bình yên.
THÙY HƯƠNG