Sáng của một ngày xưa cũ, cái rét luồn qua khe cửa sổ, xộc vào căn buồng làn gió lạnh căm, tôi trở mình thức giấc. Nghe tiếng lốp đốp nổ củi khô cháy đượm, tôi chạy vội xuống bếp, bà đang thui chân giò. Tôi thắc mắc: “Bà nấu thịt đông đó ạ?”. Bà tôi đang nhai trầu, cười móm mém: “Ừ, mai giỗ ông rồi”.
Năm nào cũng vậy, trước ngày cúng giỗ ông nội, bà tôi lại cầu kỳ chuẩn bị nấu nồi thịt đông từ chân giò thui rơm vàng ươm, da heo, thịt tày cổ bằng tấm lòng yêu thương hết thảy.
Bà tỉ mỉ chuẩn bị lâu lắm. Từ lúc tháng Tám với những cơn mưa giăng mắc, khi những cây mộc nhĩ mọc trên cây củi mục ngoài vườn, bà đã chăm chút đưa chúng vào chân đống mùn cạnh đống rơm để chúng phát triển. Mộc nhĩ đã vươn mình nở rộ, bà cắt rồi phơi khô. Đến khi mùa Đông se sắt tới, bà mang ra ngâm với nước để chuẩn bị nấu thịt đông.
Để có nguyên liệu nấu thịt đông, bà thường đi chợ sớm. Bà chẳng sợ cái lạnh thấu xương của mùa Đông. Bóng bà liêu xiêu trên con đường đất trơn trượt đi tắt qua cánh đồng mùa nước nổi trắng đồng chiêm trũng. Ngày xưa chợ quê nghèo, cả phiên người ta chỉ bán có hai, ba con heo, nên bà đi sớm lắm mới có thể mua được chân giò ưng ý.
Mưa Đông giăng mắc thấm ướt chiếc áo bông nâu sòng. Tay bà cóng vì lạnh. Bà đỡ cái thúng trên đầu xuống, tôi chạy đến xem kết quả của phiên chợ sớm, đây chân giò, đây miếng da heo được lựa chọn kỹ lưỡng, thịt tày cổ nhiều mỡ, chỉ dính chút nạc...
Bà lụi cụi ra vườn nhổ củ cà rốt, hái ít hành, ngò. Bà mở cửa chạn bát làm bằng tre cũ mèn lấy ra chiếc hũ bằng sành nhỏ. Trong đó có đựng tiêu mà người bà con ở miền Nam mỗi dịp về thăm quê mang đến biếu bà. Bà quý nó như một gia vị đặc biệt. Mỗi lần nấu gì quan trọng lắm bà mới lấy ra rắc rắc chút ít lên thôi.
Bà cặm cụi trong bếp, đôi bàn tay nhăn nheo thái từng miếng da heo đã được trụng qua nước sôi. Bà lọc chân giò thuần thục như một đầu bếp chuyên nghiệp.
Trong lúc chờ gia vị ngấm vào từng thớ thịt, bà chăm chú tỉa tót củ cà rốt thành những bông hoa thật đẹp. Mộc nhĩ sau khi ngâm trong nước nở bung, bà rửa sạch rồi thái thành từng sợi mỏng.
Bà bắc nồi gang lên bếp, dưới ánh lửa bập bùng bà đổ nước xâm xấp. Khi nước sôi, bà lấy muỗng vớt sạch đám bọt đang nổi lên. Bà rút bớt củi để ngọn lửa cháy liu riu. Bà bảo món này càng ninh nhừ càng ngon. Hương thơm ngan ngát tỏa ra khiến tôi thèm lắm. Bà hiểu ý tôi nên cười hiền hậu: “Thịt đông ăn nóng không ngon, phải để đông lạnh, ăn mới đúng vị cháu gái ạ”.
Bà rất cầu kỳ trong nấu món thịt đông, bởi đây là món ông nội thích ăn nhất. Nay ông nội đã là người thiên cổ, nên mỗi dịp giỗ hay Tết bà đều kỳ công nấu để cúng ông. Trong hai dịp này, bà múc thịt đông ra tô, đợi cho màn đêm buông xuống, sương sa xuống buốt giá, bà bỏ chiếc mâm đồng ra sân, đặt những tô thịt ra hong sương đêm giá rét, đậy lên chiếc lồng bàn bằng tre. Dù sau này có tủ lạnh bà cũng nhất quyết giữ thói quen xưa cũ ấy.
Bà giải thích: “Món thịt đông không chỉ đơn thuần là món ăn, mà nó còn có ý nghĩa phong thuỷ nữa. Khi phơi sương món ăn ấy sẽ hấp thụ những tinh tú nhất, bởi buổi tối chính là lúc giao thoa của trời đất. Ngày mai, món ăn sẽ được kết dính bằng chất keo vô hình màu trắng đục đó chính là sự cam kết ngầm rằng tất cả người thân trong gia đình sẽ mãi yêu thương, gắn kết với nhau”.
Bà tôi cả đời sống bên trong luỹ tre làng, vì vậy với bà “vạn vật hữu linh”, bà luôn tin vào tín ngưỡng của tổ tiên truyền lại. Thế nên món thịt đông của bà nhất định phải đủ năm màu ngũ hành kim-mộc-thủy-hỏa-thổ. Đó là màu vàng uơm của chân giò thui rơm, màu trắng của miếng thịt mỡ tày cổ, màu cam của miếng cà rốt, màu đen của mộc nhĩ, màu xanh của hành ngò.
Cả nhà quây quần bên mâm cơm ấm cúng, nồi cơm nghi ngút khói, bà úp chiếc tô vào đĩa, khi nhấc ra là một đĩa thịt đông tròn đầy. Thịt đông ăn với cơm nóng thật tuyệt. Phần mỡ như keo dính tan chảy quyện vào cơm nóng, miếng thịt mỡ mềm ăn không có vị ngấy, miếng da giòn, dai và sần sật, miếng chân giò mềm cứ vấn vương mãi đầu lưỡi.
Sau này dù có ăn biết bao món cao lương mỹ vị, tôi vẫn không thể quên nổi hương vị nồi thịt đông của bà, tôi nhớ đến quoay quắt.
NGUYỄN THẮM