Người mẹ thời @
Năm con vào lớp 6, tôi hỏi con gái có ước muốn gì. Con bảo ước mình biến thành cái điện thoại thông minh của mẹ. Tôi quá bất ngờ, sắc mặt thất thần, bèn hỏi con tại sao. Con nhìn tôi rồi nói với một giọng buồn buồn. Ở nhà mẹ lúc nào cũng ôm điện thoại nói đủ thứ chuyện, không nói chuyện điện thoại thì mẹ lại vào facebook, zalo, lướt web kể cả Chủ nhật, con ước mình là cái điện thoại để mẹ suốt ngày ôm con không rời như vậy.
Tôi giật mình và cảm nhận trái tim người mẹ quặt thắt, nỗi ân hận của một người làm mẹ bèn chống chế: Con sai rồi, mẹ yêu con nhất. Con gái tôi lắc đầu lia lịa rồi bỗng nhiên quay qua tôi nói với một vẻ thờ ơ, mẹ nói sai rồi, mẹ yêu nhất là tiền đấy. Tôi bất giác gần như nhảy nhổm lên, ngạc nhiên hỏi, tại sao con lại nghĩ như vậy. Muốn vớt vát nên tôi bình tĩnh nói tiếp, mẹ kiếm tiền là để lo cho con đúng không nào. Con gần như đáp lại tôi ngay không cần phải suy nghĩ, mẹ lại nói sai rồi, con cần mẹ chứ không cần tiền.
Con buồn buồn nói tiếp, lúc nào mẹ cũng chỉ quan tâm đến tiền, hôm nào kiếm được nhiều tiền thì mẹ vui lắm cười với con suốt. Nhưng hôm nào không kiếm được tiền thì mẹ cứ la mắng con hoài cho dù con chẳng làm gì sai. Cổ họng tôi nghẹn đắng lại, không dám hỏi gì thêm vì sợ càng hỏi thì càng thất vọng. Những lời của con gái khiến tôi bàng hoàng, sửng sốt. Chẳng lẽ trong mắt con gái, tôi là người mẹ tệ như thế sao. Suy đi nghĩ lại con gái suy nghĩ như vậy chẳng phải là vô lý. Hình ảnh của tôi và hình ảnh người mẹ thời đại @ gần như là giống nhau.
Người mẹ thời @ mỗi ngày vẫn lên mạng học hỏi cách dạy con, bày tỏ sự lo lắng vì con cái, sợ con nghe theo bạn xấu, sợ con chống đối với mẹ, sợ con bất hợp tác mỗi khi mẹ dạy bảo. Và họ phải xù lông nhím vào vai mẹ ác, khi chứng kiến ngoài kia hàng triệu đứa trẻ hư hỏng. Mẹ vào vai ác, vai phản diện là hình ảnh quen thuộc với rất rất nhiều các gia đình Việt Nam. Mà quên mất rằng, con chỉ cần một người mẹ thật sự gần gũi với chúng hằng ngày.
Người lớn lúc nào cũng bảo là con nít không biết gì, không làm được gì. Nhưng nhiều lúc chính con nít lại làm được những việc mà người lớn không làm được. Cho mẹ xin lỗi nhé, con gái! Mẹ cảm ơn con vì những lời nói chân thật. Tôi đã sửa sai ngay từ hôm đó, học làm mẹ lại ngay từ đầu…
Vậy mà từ khi con gái vào lớp 10, mọi thứ dần thay đổi. Bắt đầu bằng những lời từ chối đi chung với ba mẹ. Đó là khi những chương trình hấp dẫn nơi có thần tượng của con sẽ xuất hiện. Chiếc smartphone, là vật quan trọng nhất đối với con hơn cả ba mẹ. Tôi bị cảm giác cho ra rìa, nghĩ đến tuổi già khiến tôi sợ hãi, mối quan hệ ba mẹ con cái ra xa hơn. Ngoài thời gian đi học thì con ru rú trong phòng, thế giới riêng không muốn ba mẹ tham gia.
Những bữa cơm gia đình con thường ăn thật nhanh rồi về phòng. Khoảng cách thế hệ ngày càng lớn, con lớn rồi có cuộc sống riêng của nó. Nhưng chẳng ai hiểu con bằng chính cha mẹ đã sinh ra nó. Kết nối bằng việc lắng nghe con nhiều hơn. Lắng nghe bằng những câu hỏi mở. Lắng nghe bằng trái tim người mẹ. Hãy chọn cách điều hướng, điều chỉnh, căn theo con điều chỉnh chính bản thân mình, đặt mình vào vị trí của con, thay đổi cấu hình để phù hợp với cấu hình của con.
Gia đình chỉ thay đổi khi các thành viên thay đổi. Mối quan hệ gia đình chỉ thay đổi khi ba mẹ thay đổi. Làm một người mẹ @ trong thời buổi hiện đại thật không dễ dàng gì.
THU HIỀN