.

Trần Đức Tiến và mối ''duyên'' với thiếu nhi

Cập nhật: 16:46, 18/09/2022 (GMT+7)

Cùng ở Vũng Tàu, nhưng với một người “tham công tiếc việc” như nhà văn Trần Đức Tiến, phải đến lần hẹn thứ tư, tôi mới có dịp gặp gỡ và trò chuyện với ông.

Nhà văn Trần Đức Tiến (bìa phải) và họa sĩ Kim Duẩn đoạt giải B Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ hai vào năm 2019.
Nhà văn Trần Đức Tiến (bìa phải) và họa sĩ Kim Duẩn đoạt giải B Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ hai vào năm 2019.

Duyên nợ với văn chương

Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà văn Trần Đức Tiến ngay lập tức thu hút người đối diện. Nhà văn Trần Đức Tiến đã xấp xỉ tuổi thất thập nhưng vẫn tinh anh và viết khỏe. Ông quê ở tỉnh Hà Nam, từng theo học trường chuyên văn danh tiếng của TP.Nam Định lúc bấy giờ là Trường Lê Hồng Phong. Thời đi học, ông từng đạt giải Ba học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc.

Ấy thế mà, số phận lắt léo khi ông thi đại học khối C (Văn, Sử, Địa) nhưng lại được xếp vào Đại học Kinh tế Quốc dân rồi làm ở Tổng cục Thống kê tại Hà Nội hơn 10 năm. Thời gian đó ông là phóng viên kiêm biên tập viên tờ đặc san của ngành. Cuối năm 1986, ông  cùng gia đình chuyển vào Vũng Tàu, tiếp tục công tác trong ngành Thống kê đến năm 1989 thì chuyển sang Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhà văn Trần Đức Tiến nhớ lại: “Tác phẩm viết cho thiếu nhi đầu tiên là vào năm 1991 là truyện “Ốc mượn hồn” (sau này được đưa vào sách “Chuyện kể” lớp 2). Đó là câu chuyện đồng thoại khá bi hài kịch về loài nửa cua nửa ốc xuất hiện ở bờ biển Vũng Tàu. Ốc khờ dại, tin người nên đã phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Cua thì độc ác, đã chiếm căn nhà của ốc lại còn ăn thịt ốc. Nhưng cuối cùng, cua cũng phải trả giá cho hành động tội lỗi đó: trở thành kẻ tàn tật, luôn sợ hãi và xấu hổ. Thật đúng là “Gieo gió thì gặt bão”. Truyện còn giải thích đặc điểm của loài “nửa cua – nửa ốc” ở biển một cách khá thú vị”.

Trần Đức Tiến là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1996, Ủy viên Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam Khóa 7 (2005-2010), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam Khóa 8 (2010-2015), Trưởng ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam Khóa 9 (2015-2020), Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam Khu vực Miền Đông Nam bộ các khóa 7, 8, 9. Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 1998 đến năm 2007.
Nhà văn Trần Đức Tiến đã đoạt các giải thưởng: Hai lần giải Nhì truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1987 và 1990), giải Nhất truyện ngắn báo Người Hà Nội (1986), giải Nhất cuộc thi Tiểu thuyết và truyện ngắn của Nhà xuất bản Hà Nội (1993), giải B của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2004), giải Nhất viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn và Bộ Giáo dục – Đào tạo (2005). Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 cho tập truyện Lỏng và tuột; Giải B Giải Sách quốc gia Việt Nam lần thứ hai vào năm 2019.

 

Cảm mến những tác phẩm của nhà văn Trần Đức Tiến viết cho thiếu nhi, nhà báo Nguyễn Thanh Thơm (nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Bà Rịa – Vũng Tàu, lúc bấy giờ là Thư ký tòa soạn Báo Bà Rịa – Vũng Tàu) đã “đặt hàng” cho nhà văn Trần Đức Tiến mỗi tuần một truyện viết cho thiếu nhi để đăng tải trên báo. Từ đó tạo đà cho nhà văn Trần Đức Tiến viết “đều tay” hơn cho thiếu nhi. Những truyện ngắn cho thiếu nhi đăng tải trên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu cũng nhận được nhiều sự yêu mến của trẻ nhỏ. Cộng tác thường xuyên với chuyên trang truyện ngắn dành cho thiếu nhi của Báo Bà Rịa – Vũng Tàu, nhà văn Trần Đức Tiến cũng là cây bút thường xuyên của tờ Khăn quàng đỏ; Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh…

Bằng thể loại truyện đồng thoại, nhà văn khéo léo đưa bạn đọc đến gần với các loài vật, hiểu và cảm thấu vạn vật nhiều hơn. Chính vì thế, truyện viết cho thiếu nhi của ông đều quyện vào thiên nhiên. Các tập truyện: Ốc mượn hồn (1992), Dế mùa thu (1997), Thằng Cúp (2001), Làm mèo (2003, 2015), Trăng vùi trong cỏ (2006),  Những truyện hay viết cho thiếu nhi – Trần Đức Tiến (2013), Trên đôi cánh chuồn chuồn (2015)... và gần nhất là “Xóm bờ giậu” (2019) hay “Alo!... Cậu đấy à?” (2022) đều ăm ắp khung cảnh và nhân vật của thiên nhiên. Cảm tưởng như Trần Đức Tiến không bỏ sót bất cứ mảnh thiên nhiên nào.

Ông dẫn các loài vật về, ra mắt và “đối thoại” với bạn đọc nhỏ tuổi. Đấy có thể là chú kiến, con ve, chuồn chuồn, còng gió, dế mèn, hoặc chú chuột, chào mào, sáo sậu, thạch sùng, cún con, cóc, ốc, rùa đá, cá trê, cá chuồn, con mèo, con gà, con vịt, con giun… và cỏ cây hoa lá.

Bất kể cây gì và con gì có thể lọt vào mắt trẻ đều được nhà văn soi kĩ, dẫn dắt, kết nối thành những câu chuyện. Nhiều truyện ngắn của Trần Đức Tiến được đưa vào sách giáo khoa (Tiếng Việt, các lớp 2, 3, 4, 6… và sách tham khảo) cho con trẻ học. Ở nhiều truyện trong tập sách, độc giả còn thấy nhà văn gửi gắm thông điệp nhẹ nhàng về tình yêu quê hương xứ sở, đạo lý uống nước nhớ nguồn, về cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.

Bìa các tác phẩm dành cho thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến.
Bìa các tác phẩm dành cho thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến.

Hạnh phúc khi viết văn cho thiếu nhi

Nhà văn Trần Đức Tiến đã giành được nhiều giải thưởng lớn, nhỏ với các tác phẩm do mình sáng tác. Gần đây nhất ông đạt giải B Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ hai với “Xóm Bờ Giậu” là tác phẩm dành cho thiếu nhi. Đó là tập hợp những câu chuyện trong trẻo và đầy màu sắc mà nhà văn Trần Đức Tiến viết cho bạn đọc nhỏ tuổi. Ông đưa con trẻ về lại khung cảnh thanh bình của làng quê Bắc bộ cách đây nửa thế kỉ, để nghe chú dế hát ca, hay ngắm những bông hoa đồng nội khoe sắc.

Nhà văn Trần Đức Tiến vốn có tài quan sát tỉ mỉ, nắm bắt tinh tế những đặc điểm về ngoại hình, tập tính của các loài vật. Vì vậy, mỗi nhân vật trong “Xóm Bờ Giậu” đều rất sống động và có cá tính riêng: cụ giáo Cóc thông thái về hưu, nhạc sĩ trứ danh Dế Lửa, chú thợ săn nhiều tâm sự Thằn Lằn, cô người mẫu đáng yêu Ốc Sên, chuyên gia dự báo thời tiết Tắc Kè, vận động viên bận bịu Nhái Xanh, cô nàng điệu đàng Hoa Cúc Áo, thi sĩ nghiệp dư lãng mạn Dế Còm…

Rồi sau “Xóm Bờ Giậu”, Trần Đức Tiến vẫn “chưa thỏa” nên tiếp tục cho ra đời “Alo!... Cậu đấy à?” cũng là xóm bờ giậu ngày ấy nhưng giờ là thế hệ sau của cụ  Cóc, nhạc sĩ Dế, Thằn Lằn. Truyện ra đời đã được nhiều bạn đọc lứa tuổi thiếu nhi hào hứng đón nhận.

Nhà văn Trần Đức Tiến hồn hậu tâm sự: “Tôi vẫn nghĩ có 2 yếu tố quan trọng trong tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi: tưởng tượng và hài hước. Trẻ em thích đọc, chủ yếu nhờ 2 yếu tố đó. Một tác phẩm ra đời, trước hết, phải hấp dẫn các em. Các em thờ ơ thì coi như nhà văn thất bại ngay từ đầu… Các nhà văn lớp trước dường như quá chú trọng đến việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, nên tác phẩm của họ có phần thiếu đi sự hồn nhiên, tươi tắn. Lớp nhà văn trẻ hiện nay chú ý nhiều hơn đến tính giải trí, nên những “thông điệp” trong tác phẩm của họ đến với bạn đọc một cách hồn nhiên, tự nhiên hơn, và cũng chính vì thế mà còn đọng lại lâu dài hơn trong tâm trí các em…

Khi một tác phẩm viết cho thiếu nhi được các em hào hứng đón nhận, nhà văn nào cũng cảm thấy hạnh phúc. Niềm hạnh phúc là động lực giúp cho nhà văn tiếp tục sống và viết. Tôi luôn ý thức một cách sâu sắc: có những tác phẩm văn học được đọc từ lúc còn nhỏ, sẽ đi theo người ta suốt đời”.

Tuy vậy, bên cạnh những tác phẩm dành cho lứa tuổi thiếu nhi, nhà văn Trần Đức Tiến còn rất nhiều tác phẩm dành cho người lớn. Bạn đọc đặc biệt ấn tượng với “Lỏng và tuột” (giải thưởng Hội Nhà văn 2011) – tác phẩm được nhà văn Bùi Ngọc Tấn khen ngợi: “Nhiều truyện ngắn của Trần Đức Tiến là truyện không có chuyện. Những truyện không thể kể lại được. Hấp dẫn ở cách viết, cách dẫn dắt, nhất là ở những chi tiết, những chi tiết không có gì đặc biệt, đầy rẫy quanh ta được tác giả để mắt tới và sử dụng như một phản ứng hóa học, bùng nổ dây chuyền, làm hiện lên căn cốt sâu xa của con người, của cuộc sống… Trong truyện của Trần Đức Tiến, sự thật cứ dần dần hiển lộ đến gai cả người…”

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

.
.
.