Tiếc nuối hoa hồng – Du ký Phan Quang

Thứ Ba, 02/08/2022, 16:34 [GMT+7]
In bài này
.

Nhà văn, nhà báo Phan Quang vừa xuất bản tập du ký có tựa đề “Du ký Phan Quang - Tiếc nuối hoa hồng” (NXB Văn học, tháng 4/2022). Tập sách dày dạn gần 700 trang. Với tập du ký này, càng thấy sức viết, sức sáng tạo của cây bút lão thành Phan Quang thật đáng nể. Sinh năm 1928, tuổi Mậu Thìn, vậy là năm 2022  ông đã bước vào ngưỡng tuổi 95, sự minh mẫn và thông tuệ, sức dẻo dai “tải đạo”  hiếm có.

Nhà văn, nhà báo Phan Quang. Ảnh: VIỆT HƯNG
Nhà văn, nhà báo Phan Quang. Ảnh: VIỆT HƯNG

Tập 50 du ký xuất bản năm 2022 của Phan Quang được tập hợp và xuất bản, ông viết vào những thời điểm khác nhau, sau các chuyến đi làm việc ở nước ngoài, như: Paris đời thường; Quán nghệ sĩ ở Paris; Paris có gì lạ không anh; Hành hương về chốn tuổi thơ; Bậc tài danh và nhà vạn bảo; Có một quán rượu mang tên Van Gogh; Waterloo - nơi tan tành Đế chế Napoleon; Vị ngọt Gruzia; Tiếc nuối hoa hồng;  Borobodur - Nam mô A di đà Phật;  Tiếng trống điện Thiên Hoàng; Thưởng thức trà đạo cố đô nước Phù Tang; Tây Hồ mùa thu; Triều sông Tiền Đường; Thượng Hải một thời chưa xa; Chuyện ngài Đại sứ kể; Vị hoàng đế cuối cùng triều Mãn Thanh; Trầm ngâm bên mộ vua Tần v.v…

Với các du ký được tuyển chọn, người đọc dễ nhận dạng, định vị nhà báo, nhà văn Phan Quang có mặt gần như khắp nơi trên hành tinh này, với tư cách một chính khách. Gần như không nơi nào ông không đặt chân đến, có đất nước ông đến nhiều lần. Đó là Paris, thủ đô ánh sáng  của nước Pháp hoa lệ; Mùa thu nước Nga - xứ sở Bạch Dương đẹp mê hồn, một Liên bang Xô viết vĩ đại; Là  một nước Trung Hoa -  nôi văn hóa của nhân loại, chiêm ngưỡng Vạn lý Trường thành, Di hòa viên, Tây Hồ bên dòng Tiền Đường; là Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên; là nước Úc kỳ thú, xứ sở của loài chuột túi kangaroo; đất nước Vạn Đảo, đan xen nền văn hóa Phật giáo với Đạo Hồi; Đất nước Ai Cập có  kim tự tháp kỳ vĩ,  dòng sông Nin dài cả ngàn cây số; là đất nước Gabon thuộc châu Phi xích đạo. Bàn chân  Phan Quang sải đều ở Trung Đông, lục địa Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ - từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đến Peru, Ecuado, Cuba v.v…

Và không có nơi nào trên trái đất có dịp đặt chân đến một lần, hai lần hay nhiều lần mà Phan Quang không… du ký, không nặng tình nặng nghĩa với các bút ký, ghi chép lại để lại cho đời những tuyệt tác ký sự, tân văn nhuần nhuyễn, quyện chặt giữa báo chí và  văn học. Mỗi du ký một cách viết, mỗi cách thể hiện, độc đáo đến bất ngờ. Du ký của Phan Quang luôn hướng đến cái đẹp, lòng vị tha, nhân văn, cổ vũ cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác - người với người là bạn. Những trang du ký, lối diễn đạt tài hoa của Phan Quang giàu kiến thức địa chính trị; những trang sử thi huyền hoặc xưa gắn với thời cuộc nay rất sống động. Đó là những trang tư liệu chuẩn xác, tài liệu gối đầu giường cho các nhà khảo cứu.

Đọc du ký của Phan Quang, tôi nhận ra một nghiền ngẫm nghề nghiệp như là một chân lý, một định đề của Phan Quang mà ông đã tổng kết: ĐỌC, ĐI, NGHĨ, VIẾT. Phan Quang tâm tình với các cây bút trẻ: Đọc, hãy đọc nhiều, đọc kỹ, đọc có ghi chép, thu hoạch. Đọc để làm cho bộ nhớ của mình được nạp năng lượng gốc. Trước khi đi là đọc. Đi chỉ là để có tư liệu sống, để có cảm xúc, để nâng tầm cao sau khi đọc. Đọc và đi trên cơ sở suy nghĩ và cũng là để tư duy cho cái mới, tư duy từ điều mình đọc được và đi được. Sau cùng là viết. Viết là cái cuối cùng, là khâu thành phẩm của đọc, đi, nghĩ. Bạn trẻ mới vào nghề, đọc Du ký Phan Quang là để học, góp phần rèn luyện kỹ năng tự học, kỹ năng tác nghiệp báo chí hiện đại - nhân văn và chuyên nghiệp!

Có thể nói, đọc và ngẫm suy “Tiếc nuối hoa hồng - Du ký Phan Quang”, người cầm bút vô cùng thú vị. Và người đọc bình thường cũng sẽ vô cùng thích thú. Bởi những đất nước và con người  mà Phan Quang chiêm nghiệm,  đặt chân đến cho ta rất nhiều kiến thức, soi rọi văn hóa thật  bổ ích. Tôi đồng tình với nhận xét của  một đồng nghiệp lão thành có uy tín, du ký  Phan Quang là  những trang tư liệu quý như vàng, bền chặt chẳng khác gì kim cương?

Mấy năm gần đây: Phan Quang kết hợp dành thời gian của tuổi già dịch truyện cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, ký bút danh “Già Phan”. Cùng với Phan Quang, Già Phan cũng đã là một thương hiệu. Nhiều chuyện dịch của ông chọn lọc công phu, chuyện ngữ  hay - chuẩn mực ngôn ngữ Việt. Ông nói, cách nói khiêm nhường vốn có nơi ông, dịch sách cho trẻ nhỏ mình như trẻ lại, như góp thêm sức lực nhỏ nhoi còn lại bồi dưỡng kỹ năng sống cho các cháu, góp sức mọn làm giàu thêm kho sách  “Hạt giống tâm hồn” (!).

Sách của Phan Quang hay sách của Già Phan -  dù là viết hay chuyển ngữ; dù là du ký, truyện dài, bút ký, ghi chép,  truyện ngắn hay tiểu thuyết… tất cả cùng tạo nên một PHAN QUANG chính khách, nhà báo, nhà văn, dịch giả đồ sộ, uyên bác, dễ đọc, dễ đi vào lòng người.

Phan Quang - Già Phan tấm gương đam mê nghề nghiệp, tự học, tự trui rèn mà các cây bút trẻ hướng tới. Quý lắm thay!

TP.Hồ Chí Minh - Vũng Tàu, 26/7/2022

PHẠM QUỐC TOÀN

 
;
.