Con chim nói tiếng người

Thứ Sáu, 17/06/2022, 17:23 [GMT+7]
In bài này
.

Hồi ở Gò Vấp, đường Lê Văn Thọ phường 10, ngôi nhà nằm trong con hẻm cụt có cây sa kê thường rụng trái chín trước sân tôi trồng lan và nuôi chim.

Chim nhồng (Yểng).
Chim nhồng (Yểng).

Trong số chim nói được tiếng người này tôi thích nhất là con chim nhồng. Chim nhồng là loài chim sống ở vùng cao, rừng núi hoang dã, dáng to, cao rất đẹp với bộ lông màu đen huyền chỉ hai chéo cánh có những điểm trắng, mỏ dày, cứng màu ngà phớt hồng, đôi chân màu vàng có vẩy như vẩy gà. Trong thiên nhiên hoang dã chim nhồng chỉ kêu tiếng của bầy đàn, đó là tiếng rừng. Nhưng khi được người lấy tổ bắt chim con mới tập bay mang về nuôi, thuần dưỡng, dạy cho nói tiếng người thì khi chim trưởng thành sẽ bắt chước nói theo tiếng người. Dù chỉ nói được vài câu đơn giản, thông thường như: chào khách, có nhà không, ăn cơm chưa… nhưng giọng chim nhồng nghe rất rõ, giống như người. So với mấy loại chim kia chỉ nói trọ trẹ, ngọng nghịu như giọng của trẻ con.

Người bắt được tổ chim nhồng ở cao nguyên hoang sơ mang về thành phố bán cho mấy cửa hàng ở chợ chim, nhiều nhất là chợ chim Lê Hồng Phong Q.10. Một tổ chim nhồng thường có 3 đến 4 con cả trống lẫn mái. Muốn nuôi chim nhồng dạy cho nói tiếng người phải chọn, lựa mua chim con về nuôi chúng mới khôn, chim nhồng người bẫy trong thiên nhiên bán dọc đường đã là chim rừng nên không thể thuần hóa được.

Tuy nhiên, dù là chim con cũng phải lựa mua được chim trống mới thông minh, nói nhiều, còn chim mái hầu như không nói được. Hoặc con chim mái nào thông minh đột xuất, có nói, cũng không nói được nhiều và rõ giọng như chim trống.

Muốn lựa chim trống phải có kinh nghiệm thực tế. Vì chim nhồng con trống mái đều rất giống nhau nên khó phân biệt. Người có kinh nghiệm lựa con chim nhồng con đầu to, mỏ màu đậm, chân to, ngón chân cứng cáp.

Lần đó tôi may mắn lựa mua được con chim nhồng trống rất khôn, về mỗi ngày 3 bữa phải đút thức ăn cho chú nhồng con này. Thức ăn của chim nhồng con là cơm bóp nhuyễn trộn ớt chín bầm rồi vò viên cỡ ngón tay đút cho nó. Thỉnh thoảng cho ăn chuối xiêm chín. Nhưng thức ăn mỗi ngày chủ yếu vẫn là cơm trộn ớt. Công dụng của ớt trộn vào cơm là để cho chim nhồng con ấm bụng, chim nhồng con rất dễ lạnh bụng vào ban đêm, thiếu ớt chim dễ đau bụng và dễ chết bất đắc kỳ tử. Chim nhồng con lớn rất nhanh, sau 3 tháng đã khác, đã nhảy nhót trong lồng và mổ thức ăn tự ăn không cần người nuôi phải đút. Lúc này có thể cho ăn thêm cám viên. Nhưng theo kinh nghiệm nuôi chim nhồng của tôi, vẫn cứ cho ăn cơm trộn ớt là tốt nhất. Thỉnh thoảng mới cho ăn thêm chuối chín, hoặc dế, cào cào, châu chấu tùy thích cho có thêm chất xanh dinh dưỡng như ngoài thiên nhiên.

Con chim nhồng tôi nuôi khoảng 5 tháng thì trưởng thành, lúc này chú nhồng “thanh niên” đã dậy thì, trổ mã, màu sắc, vóc dáng rất đẹp. Chú chim nhồng đã quen người, quen cảnh, nên có thả ra cũng không bay mà chỉ loanh quanh trong nhà, trước sân, bay đậu trên cây sa kê rồi bay xuống, vào lồng. Mỗi buổi trưa nên múc một thau nước để trong sân rồi mở cửa lồng cho chú chim nhồng ra tắm. Tháng thứ bảy, khi nghe chú chim nhồng bắt đầu huýt sáo bâng quơ, trọ trẹ vài tiếng thì lột lưỡi cho mau nói tiếng người và nói rõ giọng.

Muốn lột lưỡi cho chim nhồng mau biết nói tiếng người cũng cần phải có chút kinh nghiệm. Người nuôi nhẹ tay, khéo léo bắt chú nhồng ra khỏi lồng, cho chú nhồng nằm ngửa trong lòng bàn tay trái, khéo léo giữ đôi chân bằng ba ngón giữa, ngón danh và ngón út. Hai ngón cái và ngón trõ vạch miệng chú nhồng vừa đủ để ngón trõ tay phải luồn vào phía dưới lưỡi chú nhồng cạo lớp màng cứng dưới lưỡi màu vàng vàng, kéo ra. Thế là xong. Lúc này chú chim nhồng sẽ lắng nghe người trong nhà nói, hoặc người đi đường nói vọng vào để học, bắt chước nói theo. Cũng là lúc tăng  cường khẩu phần ớt cho lưỡi chú nhồng mềm hơn, học nói mau hơn.

Chính trong ngôi nhà ở Gò Vấp ngày xưa tôi đã nuôi được chú chim nhồng cực thông minh, nói rất rõ tiếng người. Suốt ngày cứ nghe nó kêu “Tường ơi, Tường ơi cơm chưa” Hay bắt chước chị đổ rác kêu giọng thanh thoát của phụ nữ: “Đổ rác đi, đổ rác đi”. Một chú chim nhồng nói được tiếng người như thế làm sao không thú vị, và không thể không luyến tiếc khi một hôm tôi vô tình không biết cho chú nhồng ăn một miếng dưa hấu bị người bán ở chợ tẩm chất làm cho ruột dưa đỏ thẩm bắt mắt và ngọt gắt, nhưng lại là cực độc. Người ăn thì đau bụng, còn chú chim nhồng yêu quý sáng ra chết rũ trong lồng. Biết được thì đã muộn.

VÕ THU SƠN

;
.