Người "giữ lửa" nghề may áo dài

Thứ Sáu, 04/03/2022, 15:52 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày đầu tháng 3, trên Facebook “Hội chị em” xúng xính mặc áo dài tham gia cuộc thi “Tuần lễ áo dài” nhân Ngày quốc tế phụ nữ 8/3, rộn ràng hẳn. Cũng vì thế mà công việc của những thợ may áo dài trở nên đặc biệt hơn, được trân trọng hơn khi họ không chỉ tạo ra những sản phẩm thời trang mà còn tôn vinh được nét đẹp của tà áo chứa đựng tinh hoa - văn hóa Việt.

Chị Thúy Hằng (bên phải), Chủ tiệm may Hằng Nga đang tư vấn cho khách hàng áo dài do chị thiết kế.
Chị Thúy Hằng (bên phải), Chủ tiệm may Hằng Nga đang tư vấn cho khách hàng áo dài do chị thiết kế.

Những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3 này, cửa hàng may đo áo dài truyền thống của chị Kim Tuyết tại số 06 Ung Văn Khiêm, phường Long Toàn, TP.Bà Rịa khách tới đặt may áo dài nhiều hơn hẳn. Trong cửa hàng của chị có đa dạng các loại vải, màu sắc luôn thu hút sự chú ý của nhiều người đi đường và họ đã ghé vào cửa hàng chọn vải may áo dài.

Khách đông nên chị Tuyết luôn bận rộn với việc tư vấn, đo, vẽ, cắt may áo dài. Dừng tay cắt tấm vải trải phẳng đã được kẻ vẽ bởi nhiều đường phấn trên mặt bàn, chị Tuyết tâm sự: “Đam mê về thời trang nhất là may áo dài trong tôi rất mãnh liệt và cháy bỏng từ hồi còn là thiếu nữ. Quyết tâm theo đuổi đam mê, tôi đăng ký nhiều lớp học về nghề may áo dài truyền thống. Sau nhiều năm làm thợ, tôi quyết định tự mở cửa hàng cho riêng mình”.

Gần 35 năm làm nghề, chị Tuyết không nhớ đã may bao nhiêu bộ áo dài mang thương hiệu “Kim Tuyết” cho khách hàng. Nhưng chị luôn tâm niệm phải luôn sáng tạo kiểu dáng, cập nhật những mẫu vải mới để làm hài lòng khách hàng.

Không chỉ Cửa hàng may đo áo dài truyền thống của chị Kim Tuyết, nhiều tiệm áo dài thời điểm này đều đắt khách; trong đó có Tiệm may Hằng Nga tại số 3 Nguyễn Tri Phương, phường 7, TP. Vũng Tàu do chị Thúy Hằng làm chủ. Chị Hằng cho biết, để hoàn thiện lên một bộ áo dài đẹp, thợ may phải thật cẩn thận, khéo léo từng nét vẽ, từng đường kim và mũi chỉ. Trung bình một người thợ may thường mất thời gian khoảng 1 ngày để may được một bộ áo dài hoàn chỉnh. Khâu khó nhất để hoàn thành chiếc áo dài là làm phần cổ áo. Hiện tại, một bộ áo dài được may với mức giá dao động từ 4-5 trăm ngàn đồng, tùy theo chất liệu vải may áo. Có những bộ thiết kế riêng, công phu hơn sẽ có giá từ 7 trăm ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng.

Tính đến nay, chị Hằng đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề may áo dài. Tiệm may Hằng Nga và chị Thúy Hằng đã khẳng định được tên tuổi trên thị trường may áo dài ở TP.Vũng Tàu và các địa phương trong tỉnh. Năm 2020 hưởng ứng cuộc vận động Thiết kế Tự hào áo dài Việt của Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, chị Thúy Hằng đại diện cho tỉnh BRVT dự thi với  Bộ sưu tập có tên gọi “Danh lam thắng cảnh Vũng Tàu” đã lọt vào chung kết và đoạt giải Phong cách tại Thủ đô Hà Nội.

Trên địa bàn TP.Vũng Tàu còn có một tiệm may áo dài có tiếng là Tiệm may Thanh Vân (189-Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường Thắng Tam). Khách đến may luôn được chị Thanh Vân, chủ tiệm tư vấn cách lựa chọn vải, màu sắc, kiểu dáng để may áo dài sao cho phù hợp với vóc dáng, hoàn cảnh sử dụng và tính chất công việc… Để giữ uy tín với khách, khi khách tới đo may áo, chị Vân luôn đảm bảo giao đúng ngày hẹn và chủ động chỉnh sửa nhanh chóng nếu khách mặc thử mà chiếc áo chưa thật ưng ý. Những khách ở xa không ghé lấy được thì chị sẽ gửi qua đường bưu điện.

Chị Thanh Vân đo may cho  khách hàng.
Chị Thanh Vân đo may cho khách hàng.

Là khách hàng thân quen của tiệm may, chị Thùy Trang (giáo viên Trường THPT Vũng Tàu) chia sẻ: “Là giáo viên nên phải mặc áo dài mỗi khi tới trường. Tôi đã chọn may áo dài ở tiệm chị Vân hơn 10 năm nay. Tôi rất hài lòng vì áo dài do chị Thanh Vân may chuẩn từ phom đến mũi chỉ”.

Tuy ngày nay áo dài đã thay đổi rất nhiều từ kiểu cách, tinh tế hơn, cầu kỳ hơn và có phần hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống vốn có của chiếc áo dài là tôn lên vẻ đẹp hình thể người mặc.

Thật đáng trân trọng với những người thợ may áo dài luôn nhiệt huyết với nghề như chị Tuyết, chị Hằng và chị Vân… Các chị tiếp tục gắn bó, đam mê “giữ lửa” nghề cũng là cách nâng niu gìn giữ nét văn hóa dân tộc cho mai sau. Để mỗi khi nghe câu hát: “Tà áo em bay bay trong gió nhẹ nhàng/ Tà áo em bay bay bay bay trên phố dịu dàng…” lòng ta lại thổn thức!

THÙY HƯƠNG

;
.