Sân trường ngập nắng

Thứ Sáu, 25/02/2022, 17:53 [GMT+7]
In bài này
.

Tôi ngập ngừng một lúc rồi nói với Sơn:

- Em thôi dạy, anh có nuôi nổi em không?

Câu nói nửa đùa nửa thật của tôi cùng tràng cười mà ẩn đằng sau là chút gì ngậm ngùi chua chát đã khiến Sơn nhìn tôi đăm đăm.

- Nghỉ dạy? Em tính chuyển nghề hả?

- Chỉ là em không còn tha thiết nữa thôi Sơn.

- Sao vậy em, làm cô giáo từng là ước mơ cháy bỏng của em từ hồi cấp ba còn gì?

Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của: MINH SƠN

Lòng tôi như có trăm mũi kim đâm vào đau buốt. Tôi đã từng ước mơ được làm cô giáo, sáng nào cũng mặc áo dài lên lớp. Niềm vui của tôi đơn giản chỉ là nhìn thấy những đứa học trò của mình hiểu bài, ngày một trưởng thành hơn. 

Học hết lớp 12, tôi cũng như bao cô cậu khác có rất nhiều hướng đi, nhiều sự lựa chọn. Không chần chừ, tôi chọn thi vào trường Đại học Sư phạm. Ba tôi biết được rầy tôi suốt một buổi chiều, ba không thích tôi học sư phạm. Ba nói:

- Học gì không học, đi học “gõ đầu trẻ”. Lương bổng được bao nhiêu. Làm giáo viên vất vả lắm, con ơi!

Hồ sơ dự thi tôi đã nộp. Thật ra thì tôi có thể thay đổi, nhưng khoảnh khắc tôi đạp chiếc xe đạp cũ lóc cóc 6km từ nhà đến trường để thay đổi thông tin, ước mơ làm cô giáo lại cháy bùng trong tôi. Tôi tưởng tượng một ngày không xa mình sẽ được đứng trên bục giảng, trước bảng đen, đọc cho đám học trò nghe những bài thơ tôi nâng niu trong cuốn sổ tay suốt một thời áo trắng. Tôi quay xe trở lại. Có một mùa phượng đỏ rực cháy trong tim tôi…

***

Ngày tôi nhận bằng tốt nghiệp, ba má tôi đã ngồi xe đò mấy trăm cây số lên thành phố với tôi. Tôi không về quê, má cũng không ép tôi về quê xin việc dù chị hai lấy chồng, ba má chẳng còn ai cận kề bên cạnh. Tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc giúp tôi xin được công việc ở trường tư một cách dễ dàng. Ngôi trường nhỏ nhắn nhưng cao ráo, nhiều tầng, nằm ở dãy phố hiện đại nhất nhì thành phố. Dù ước mơ chưa thực sự trọn vẹn nhưng tôi thấy hạnh phúc trong lòng, ít ra tôi vẫn được làm cô giáo, không phải làm trái ngành như mấy cậu bạn của tôi hồi sinh viên.

Ngày đầu tiên đến trường, tôi chọn chiếc áo dài đẹp nhất má may cho mà tôi chỉ để mặc trong những buổi lễ trang trọng. Qua cổng trường “Văn Nhân”, tôi như lọt thỏm giữa những người mặc vest - đồng phục giáo viên của trường. Ở đây giáo viên nữ không chuộng áo dài. “Vest đồng phục hoặc váy ngang gối cho gọn, như mấy trường quốc tế” - chị đồng nghiệp bảo. Sau hôm đó, tôi cất chiếc áo dài vào trong tủ. Mặc váy. “Cho giống trường quốc tế”, theo lời của chị đồng nghiệp trường tôi.

Ở trường tư, tôi luôn tuân thủ quy định mà nhà trường đặt ra dù đôi lúc tôi không thực sự thoải mái. Ngày tôi nộp đơn xin việc ở trường, thầy hiệu trưởng nhìn vóc người nhỏ nhắn và gương mặt có phần “hồn nhiên” - theo cách mà những đứa bạn thân hồi sinh viên vẫn thường bình phẩm. Thầy nói:

- Ở đây chúng tôi không quá nặng nề việc chuyên môn cao hay thấp khi tuyển dụng, điều mà em cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi bước vào ngôi trường Văn Nhân này là: em có chịu đựng nổi cái tính của những “cậu ấm, cô chiêu” hay không?!

Tôi ngồi ngẫm ngợi vài giây trước mặt thầy hiệu trưởng. Có “cậu ấm, cô chiêu” thì tụi nó vẫn phải học, điểm thấp luôn là nỗi ám ảnh của bất cứ người học trò nào. Tôi tin đứa học trò nào cũng sẽ có ý thức, quan trọng là người thầy có tận tâm truyền đạt, dùng tình yêu thương và sự quan tâm để cảm hóa chúng hay không. Tất nhiên là tôi không ngần ngại, miễn là được đứng lớp.

- Thưa thầy, em chịu được, em sẽ không để nhà trường thất vọng.

Thầy hiệu trưởng nhìn tôi, cười, thầy nhận tôi vào trường, phân cho tôi giảng dạy môn Ngữ văn của ba lớp khối 11.

Điểm thấp luôn là nỗi ám ảnh của bất cứ người học trò nào, tình yêu thương và sự quan tâm của người thầy sẽ cảm hóa được những đứa học trò cá biệt… - Suy nghĩ đó của tôi thực chất chỉ phù hợp với thời tôi còn là học sinh, học trường làng chứ chưa hề biết đến cái trường được gắn mác “Quốc tế”. Thời đó, thầy cô như cha mẹ, thầy nói gì tôi nghe đó, chẳng dám cãi lời. Mà thầy toàn nói những điều đúng đắn, thầy là tấm gương để chúng tôi soi mình…

Còn bây giờ…

Tôi đứng trên bục giảng, mặt nóng bừng. Tôi cố kìm nén cảm xúc bực tức của mình nhưng tự dưng nước mắt của tôi bật ra giàn rụa. Tôi quay mặt đi, lấy ống tay áo thấm nước mắt, hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh và rồi nói bằng giọng điềm nhiên như thể lũ học trò kia không đủ sức lấy đi những giọt nước mắt tôi, không thể chọc tức được tôi.

- Sao các em không sợ điểm thấp?

Trong nháo nhào, một cậu học trò cao ráo mạnh dạn nói vống lên, không “thưa, cũng chẳng “gửi”:

- Ba mẹ tụi em đã tốn cả đống tiền để gửi tụi em vô trường này, tụi em là “thượng đế”, làm sao mà lưu ban được cô!

Tôi cảm giác như ai đó vả vào mặt tôi một cái đau đớn để tôi tỉnh ngộ và nhận ra rằng ở cái trường tư này, người thầy chẳng còn ở vị trí độc tôn, được kính trọng như tôi đã từng nghĩ. Thường thì tôi chỉ nghe câu “Khách hàng là thượng đế”, còn ở Văn Nhân, học trò là “thượng đế”. Học trò chính là “khách hàng” bỏ tiền ra để mua mớ “tri thức”, mấy con điểm cao ngất trời, mua cả lòng tự trọng của người thầy.

Tôi ngồi phụp xuống ghế, tưởng như đôi chân mình không thể nào đứng vững được nữa. Lớp trưởng lớp 11C2 vội chạy lên nắm tay tôi hỏi “Cô có sao không?”. Trong cái lớp học 25 học trò ngồi phòng lạnh, trước mặt có tivi siêu mỏng… chỉ có cô bé lớp trưởng là quan tâm đến tôi. Cô bé ấy, tuy là con nhà giàu, nhưng trái tim em vô cùng ấm áp.

Nửa năm công tác tại trường Văn Nhân, tôi đã bao lần khóc. Thầy hiệu trưởng thấy tôi mắt đỏ hoe, nước mắt ròng ròng, thầy gọi tôi lên văn phòng, rầy:

- Là giáo viên mà khóc trước mặt học trò thì còn ra thể thống gì nữa?

Tôi im lặng. Thầy nói tiếp:

- Tôi đã hỏi em ngay từ đầu rồi, “em có chịu nổi những cậu ấm, cô chiêu không?”, em đã tự tin gật đầu. Em nên nhớ: trường Văn Nhân không thiếu giáo viên xin vào dạy. Chúng tôi không quá phân vân khi sa thải bất kỳ giáo viên nào đang công tác tại đây!

Câu nói cuối cùng thầy hiệu trưởng nhấn nhá từng nhịp, như từng nhịp bóp vào lòng tôi, đau nhói.

Tôi trở về nhà mang theo bao uất ức. Ở Văn Nhân, học trò chẳng xem tôi ra gì, với chúng nó, tôi chẳng qua chỉ là một cô gái học xong đại học, ra trường và xin vào dạy ở trường Văn Nhân để mưu sinh. Tôi cũng như người bán hàng ngoài chợ, chỉ biết phục vụ, chiều lòng của chúng và ban cho chúng những con điểm “đẹp” để đem về cho ba mẹ. Nghề giáo viên trường tư bạc bẽo thế sao? Tôi tự hỏi lòng.

Sơn nói: “Dạy trường tư cực lắm, nhưng cái cực đó không phải là kiến thức. Chúng mình là giáo viên, việc nâng cao chuyên môn để bài giảng thêm chất lượng thì có gì đâu mà cực?”. Tôi đã từng nhiệt huyết với nghề, bước ra khỏi cánh cổng Đại học với bao hoài bão nhiệt huyết, ước mơ sẽ được đứng lớp, được trao truyền kiến thức cho học trò và nhận về bao hoa thơm trái ngọt. Vậy mà…

Tôi đã phải sống trong sự chật vật của nghề giáo trường tư, đó là quãng thời gian buồn tủi nhất của tôi từ hồi tôi học đại học đến bây giờ. Ngày còn là sinh viên, sau giờ học tôi đạp xe đi làm thêm, khi rửa bát, khi bưng bê, mỗi giờ 15.000 đồng, vậy mà tôi vẫn chấp nhận được. Đơn giản vì đó là “cái giá” phải trả cho nhân viên làm thêm, bằng những công việc chân tay. Giờ thì tôi đã là giáo viên, đã vận dụng những gì mình được học ở trường đại học để cống hiến cho nhà trường, truyền đạt cho học trò, nhưng lương bổng vẫn bèo bọt, nói đúng hơn là tôi không đủ sống. Tôi không phải là giáo viên cơ hữu nên dạy bao nhiêu tiết thì hưởng lương bấy nhiêu. Mỗi tiết cũng chỉ được trả 80.000 đồng. Trường tư thường ít lớp bởi học phí khá đắt đỏ, nhưng chế độ lương bổng cho giáo viên lại eo hẹp vô cùng. Vì trường nhiều giáo viên Ngữ văn nên mỗi tuần tôi chỉ được xếp dạy 9 tiết theo thời khóa biểu, mỗi tháng chỉ được nhận hơn 2 triệu rưỡi. Với số tiền ít ỏi đó làm sao tôi có thể sống thoải mái ở cái thành phố này? Làm sao tôi có thể trụ chân lại được?

Tôi tự hỏi rằng: kiến thức mà tôi tích lũy có giá trị thấp như vậy sao? Giáo viên trường tư khổ dữ vậy sao?

Tôi khóc ròng sau mỗi lần trò chuyện với má qua điện thoại. Miệng thì cứ bảo: “Con ổn, công việc tốt, chế độ đãi ngộ cũng rộng rãi lắm! Má đừng lo”, nhưng thực tế mỗi tháng tôi phải nơm nớp lo thiếu tiền nhà, tiền ăn, tiền xăng xe… Mặc dù tôi đã cắt mọi cuộc hò hẹn, ăn uống, tiệc tùng với đồng nghiệp để tập trung cho chuyên môn.

Nửa năm trời, ước mơ của tôi vỡ tan, màu áo trắng và màu đỏ của phượng vĩ vỡ vụn trong tôi tự hồi nào không biết…

- Sơn, em mệt rồi, anh nghĩ em có nên ở lại trường tư này nữa hay không?

- Miễn em thấy thoải mái, quyết định nào của em anh cũng tôn trọng cả!

- Em vẫn yêu học trò, yêu nghề, vẫn làm đúng lương tâm của một người thầy. Nhưng hiện thực chua chát quá, phải không anh?

Sơn kéo tôi ngả đầu lên vai anh. Một bờ vai ấm áp. Bờ vai ấy không phải lúc nào cũng song hành bên tôi, nhưng bờ vai ấy luôn xuất hiện đúng lúc tôi cần. Là điểm tựa chắc chắn cho tôi.

Tôi quyết định nộp đơn xin nghỉ việc tại Văn Nhân. Sơn không bất ngờ về điều này. Thầy hiệu trưởng và đồng nghiệp cũng không níu giữ. Bởi đó là chuyện thường tình ở Văn Nhân, những cuộc chia tay như vậy chẳng bao giờ có sắc thái luyến lưu, bịn rịn cả…

Tôi bước ra khỏi cổng trường tư là khi nắng vàng ánh lên, rực rỡ cả khoảng sân trường. Tôi không ngoái lại nhìn trường tư, tôi bỏ sau lưng mình đám học trò ngỗ nghịch chẳng bao giờ chịu cúi đầu chào tôi mỗi khi đi ngang qua mặt tôi, hôm nào vào lớp cũng í ới khoe Iphone 12, 13 Pro Max,… Tôi không ghét chúng. Có thầy cô nào mà lại ghét học trò, dù học trò có ngỗ ngược đến đâu. Chỉ là tôi thấy mình không phù hợp với môi trường của trường tư Văn Nhân, chỉ là tôi không đủ kiên nhẫn để chờ đợi một ngày mình sẽ nhận được từ chúng cái cúi đầu tôn kính, câu “thưa cô” mà tôi đã được nghe ở những ngôi trường tôi từng thực tập. Ở đó, mỗi sớm mai có sắc áo dài trắng tung bay…

Nghĩ đến sắc áo dài trắng giữa sân trường đầy hoa nắng, tự dưng lòng tôi rộn rã vui.

Truyện ngắn của HOÀNG KHÁNH DUY
;
.