Gió đêm

Thứ Sáu, 04/03/2022, 15:56 [GMT+7]
In bài này
.

Cơn gió rét buốt làm ông Văn hơi co lạnh khẽ ho lên vài tiếng trong đêm. Ông lấy ít dầu khẽ nhìn xung quanh không có ai rồi tháo vội đôi giày thoa thoa vào lòng bàn chân cho ấm chút rồi vội mang lại. Cái áo khoác to bè được ông kéo lên tới tận cổ tưởng chừng như bao bọc lại toàn thân nhưng vẫn khiến ông run rẩy. Căn phòng bảo vệ nhỏ nhìn trống huơ trống hoác đứng đầu cổng như bảo vệ cho cả chung cư mà ông đang gác. Một vài người chủ nhà đi khuya về nhìn thấy ông cũng tạt vô nói chuyện rồi xuýt xoa vì cái lạnh. Ông Khải đốt điếu thuốc rít một hơi rồi tính lấy một điếu khác ra mời ông nhưng ông vội gạt ngay:

- Thôi anh, em không hút thuốc.

- Kinh thế, rồi lạnh thế này không làm một hơi cho ấm người à?

- Bà xã em có chuẩn bị ít trà gừng 

rồi anh.

Nói thì nói thế thôi chứ độ nóng của ly trà cũng rồi sẽ vội tan nhanh sau khi qua cuống họng và từng cơn gió đêm như đang gào thét bên ngoài tưởng chừng như muốn xô ngã người đàn ông luống tuổi đang thu mình nhỏ bé trong căn phòng trực cổng. Phía trước căn chung cư lại là một cái hồ nước nhân tạo khá rộng, thường là để dân chung cư tản bộ tập thể dục và trời nắng thì sẽ mát trời hơn nhưng với cái tiết trời rét buốt như thế này thì lại là cực hình, gió từng đợt thổi từ hồ tràn vào căn phòng bảo vệ ấy không bao giờ thôi ngừng. Đặc biệt ban đêm, khi sương bắt đầu rơi xuống, dù ông đã hạn chế ra ngoài trừ khi đi mở cổng cho vài chiếc xe đi làm đêm về chung cư muộn thì từng đợt gió cũng như len lỏi vào căn phòng khiến dù ông ngồi co ro cũng chợt run rẩy. Nhưng những lúc như thế này ông lại ít khi nghĩ về mình mà chỉ nghĩ về người vợ đang ở một mình ở nhà:

- Đi làm từ chiều chỉ cho bả ăn chén cháo, đã dặn tối ăn thêm rồi không biết có ăn thiệt không. Rồi lạnh vầy nữa, nửa đêm ngủ mà chăn rơi thế nào mai cũng ốm.

Ông tính lấy điện thoại ra gọi nhắc bà nhưng đồng hồ điểm quá nửa đêm lại khiến ông chần chừ sợ bà đương giấc ngủ. Cứ thế ông lại lo, làm mà cứ bứt rứt không yên. Sáng tan ca làm về sớm ông thường ghé chợ mua ít cá, dăm bữa cuối tuần mới đổi món thành thịt và đặc biệt ông luôn cố gắng thay đổi món mua thật nhiều rau vì bác sĩ bảo ăn nhiều rau tốt cho sức khoẻ bà. Bóng dáng người đàn ông tầm sáu mươi gầy gò nhỏ thó ngày nào cũng tranh thủ đi chợ buổi sớm dường như đã quá quen với dân buôn chợ nơi đây, nhiều người biết hoàn cảnh gia đình ông cũng thường bán rẻ và lựa cho ông đồ tốt nhất để ông mau về nhà chăm vợ.

Ông bà không có đứa con nào. Ngày ông còn trẻ bị di chứng chiến tranh, nhưng thời đó nhiều người chưa hiểu biết, ba mẹ ông cứ đổ tại bà, thậm chí bắt ông bỏ bà cưới vợ khác, ông đành dắt díu bà vào miền khác sống, quyết không buông bỏ. Nhiều năm trôi qua, nghĩ chỉ có hai vợ chồng vò võ, đôi khi thấy ông rất thương trẻ con, bà lại bàn lấy vợ khác cho ông thì ông gạt phắt:

- Đời này tui chỉ có bà thôi, bà mà bỏ tui đi là tui đi tìm cho tới khi nào thấy bà mà thôi.

Rồi cứ thế cũng khi tóc đã ngả màu bạc, có lúc ông bà cũng bàn xin đứa con nuôi về nuôi cho vui cửa vui nhà rồi về già còn có chỗ tựa nương, nhưng nghĩ phận mình nghèo quá, nuôi bản thân còn chưa đủ, không muốn lại chuốc khổ cho đứa trẻ thơ khác và cứ thế hai ông bà ở cạnh nhau qua từng ấy năm. Tuổi ông ngấp nghé sáu mươi cũng đã đến lúc về hưu nhưng ông vẫn xin vào làm bảo vệ ở căn chung cư chỉ mong kiếm thêm chút thu nhập lo cho cuộc sống, lo cả tiền thuốc cho bà. Bà trước kia cũng tháo vát, đảm đang việc nhà, trước còn đi phụ hồ kiếm thêm nhưng sau dần sức khoẻ yếu, một lần tai nạn lao động nên chỉ có thể ở nhà nhận việc vặt về làm thêm. Rồi cách đây ít năm qua một cơn tai biến thế là nằm hẳn một chỗ. Những khi ông đi làm ông đành cậy bà con hàng xóm thi thoảng trông bà, có gì gọi ông ngay, nên đi làm mà cứ bận lo.

Vừa bước qua bậu cửa đặt túi đồ ăn xuống, ông vội chạy đến ngay giường bà sờ vào bàn tay ấm nóng của bà rồi kéo chăn đắp lên. Thấy mắt bà vẫn thiêm thiếp ông mới cảm ơn người hàng xóm đã chăm rồi xuống vội nấu ăn cho bà.

- Ông về rồi à? Bên ngoài lạnh không ông?

- Bà cứ nằm yên đó đi, có áo ấm nên cũng không lạnh lắm, để tôi nấu vội tí canh kho xong mớ cá rồi bà ăn.

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

Cứ thế cuộc sống giản đơn của hai vợ chồng già những tưởng sẽ êm đềm trôi qua như thế thì bà lại bỏ ông đi sau một cơn bạo bệnh. Gần như những tháng ngày sau đó ông sống một cuộc sống buông xuôi không màng gì nữa, vì ông không còn động lực để tiếp tục. Nghĩ tới bà không muốn ông sống như vậy ông lại xin về làm bảo vệ căn chung cư, để giết thời gian những lúc cô quạnh.

Vốn là một chú bảo vệ già vui tính nên ông rất được lòng người dân chung cư. Khi thì họ cho ông cái kẹo, chiếc bánh, hay vào những ngày tiết trời se lạnh cắt da như thế này có người đi về buổi chiều lại ghé cho cả tô bún, tô phở nhà nấu. Chính vì thế cuộc sống của ông có phần vui vẻ hơn, duy chỉ có những khi tối trời ông lại nhớ bà tha thiết, chỉ hoạ chăng lỗi của những cơn gió đêm không còn làm bà se sắt lạnh trong cơn nhà trống như khi ấy nữa. Nhưng ông không còn như ngày mới mất bà, ông tận hưởng từng khoảnh khắc thú vị trong cuộc sống để bà cảm thấy yên lòng khi ra đi. Tiếp tục cống hiến mình cho đến những năm cuối đời gắn bó với căn chung cư khi ấy.

Ông ra đi cũng vào một ngày gió đêm thổi từng cơn gào thét rất dữ dội. Dù ông đã từng tưởng ông có cuộc sống cô đơn nhưng vì ông đã luôn hết mình khi còn sống nên thời khắc ông ra đi nhiều người đưa tiễn. Ai cũng cảm thấy dường như ông ra đi rất thanh thản và trên môi khẽ nở nụ cười. Có lẽ ông biết được rằng ông sẽ được gặp lại người vợ thân thương của mình và che chở bà như những tháng năm ấy.

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

;
.