Có ai qua cầu dừa…

Thứ Sáu, 04/03/2022, 15:54 [GMT+7]
In bài này
.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long do đặc tính vùng miền nên có rất nhiều kênh rạch, thậm chí nhiều vùng sâu, vùng xa kênh rạch chằng chịt. Để nối liền giao thông thủy, bộ ở những nơi được ví von là “khỉ ho, cò gáy” chẳng còn cách nào khác, người dân quê tôi tùy theo phương tiện sẵn có ở địa phương mà chọn “nguyên liệu” gỗ để bắc cầu.

Ở miệt U Minh thì dùng cây tràm để làm cầu qua xẻo, qua rạch, ở miệt trên nữa như An Giang, Vĩnh Long thì làm cầu tre, nhưng ở Tiền Giang hoặc Bến Tre, đặc biệt là Bến Tre thì phổ biến làm cầu dừa bắc qua kênh rạch nối liền giao thông vì Bến Tre nổi tiếng xứ Dừa, đi đâu cũng gặp cây dừa. Nhưng xin nói rõ, đây là cây dừa trái to, cho cơm ép lấy dầu chứ không phải cây dừa nước có trái mà trái nhỏ, có cơm mỏng, ăn chơi, lá dùng để lợp nhà, dừng vách.

Do đặc điểm ở Bến Tre hầu hết đều là nhà vườn trồng dừa, có nhiều thớt vườn rộng mênh mông hàng chục mẫu, trong vườn có nhiều bờ dừa nối tiếp nhau, bờ này cách bờ kia một con mương rộng nên muốn đi qua mương vườn phải bắc cầu và không còn gì tiện lợi hơn, dừa sẵn trên bờ cây nào già lão, cao ngất nghểu, ít trái hoặc dừa bị đuôn ăn, bom đạn chém chủ vườn hạ xuống… làm cầu. Nếu là cầu qua kênh rạch thì để nguyên cả cây dừa và thường là cầu đôi, tức hai cây dừa bắc song song sát vào nhau cho dễ đi. Nếu là cầu bắc qua mương vườn, qua con xẻo thì phải cưa cây dừa làm hai, ba đoạn tùy theo khoảng cách con mương, con xẻo dài hay ngắn.

Cây dừa không kén đất, kén nước. Quê tôi vùng biển, 6 tháng nước mặn cây dừa vẫn mọc thẳng đứng, suôn, bền chắc, càng lầu năm càng dẻo dai nên có rất nhiều công dụng, mà hai công dụng chính là làm cột nhà và làm cầu. Nhưng đặc biệt, cây dừa khi làm cột nhà thì thợ mộc phải chành vỏ, bào láng. Nếu dừa lão, nổi nhiều vân, màu sắc khác nhau khi được bào láng làm cột nhà sẽ rất đẹp và nếu được ngâm dưới bùn vài ba tháng vớt lên làm cột nhà thì bền chắc hết ý. Nhưng cây dừa dùng bắc cầu thì để nguyên cả vỏ và cầu dừa bắc qua mương vườn thường là cầu chiếc, ít ai bắc cầu đôi. Chính vì đặc điểm này nên mới có bài hát “cây cầu dừa” của một nhạc sĩ mang âm điệu dân ca Nam Bộ, có lẽ cảm tác từ mối tình của chàng trai thành phố và cô gái miệt vườn khi chàng trai thành phố theo cô gái miệt vườn về thăm quê bước qua cây cầu dừa mùa mưa.

Nhưng chẳng đợi tới mùa mưa cầu dừa mới trơn trợt, mùa nắng ai không quen đi cầu dừa, nắm được bí quyết, kinh nghiệm, bước chân trên cầy cầu dừa rất dễ té xuống mương vườn. Bởi vì chỉ cần một vài người chân lấm bùn sình đi qua cầu dừa trước, người đi sau sẽ lãnh đủ vì dấu chân người đi trước sẽ để lại bùn bám trên cây cầu dừa trơn… hơn bị đổ nhớt hay bôi mỡ. Ai bước lên sẽ té ngay mà không có cách nào 

chống đỡ.

Cầu dừa đối với nhiều người ở miệt vườn chắc chắn có không ít kỷ niệm. Lúc tuổi nhỏ qua cầu dừa để tới trường học, lớn lên phụ ba mẹ vác lúa qua cầu dừa tới nhà máy chà gạo. Lớn hơn nữa ở tuổi yêu đương, biết hò hẹn thì nam, nữ rủ nhau ra cầu dừa ngồi ngắm trăng sáng lên trong vườn… thề non hẹn biển, khi nhìn xuống mặt nước thấy vầng trăng lung linh lúc vỡ ra, lúc ráp lại nguyên vẹn tha hồ cho trí tưởng tượng… phiêu linh. Nhưng với tôi, thời tuổi nhỏ, cầu dừa là nơi tắm rạch tuyệt cú mèo. Tắm rạch không đứa nào tắm một mình mà rủ cả đám bạn cùng trang lứa đợi cho nước lớn đầy vào buổi trưa kéo nhau ra rạch, đứng trên cầu dừa “bông nhông” xuống nước với nhiều tư thế khác nhau: khum người bổ thẳng xuống như ếch phóng, nhún chân lấy đà lộn nhào như làm xiếc, nhảy xuống theo chiều thẳng đứng mà phần lưng quay ra mặt nước…

Nhưng có lẽ thú vị nhất là ngồi trên cầu dừa thòng hai chân xuống mặt nước đang đổ vào rạch, vào mương trong những đêm trăng sáng để câu cá chốt đêm. Cá chốt ăn câu khi nước “nhữn lớn”, trên mặt nước nổi ván phù sa màu mỡ gà mà dân miệt vườn thường gọi là “nổi màng màng” cho đến khi nước đứng, tức lúc nước đã lớn đầy. Sau đó thì tuyệt nhiên, chẳng còn con cá chốt nào ăn câu dù có câu với cần không lưỡi như Khương Tử Nha câu cá chờ thời. Đặc biệt, ban ngày cá chốt ăn mồi tép phơi “một nắng”, nhưng ban đêm chúng ít ăn mồi tép mà mồi câu cá chốt đêm tuyệt cú mèo là con hà. Loài này thân dẹp như cọng lác chẻ nhỏ, da láng bóng, màu nâu, có con dài đến 10cm, ở sâu trong lớp bùn dẻ dưới chân bụi lúa, gốc rạ trên đồng ruộng nước mặn. Muốn bắt loài hà này phải thọc cả hai bàn tay sâu vào gốc rạ bứng lớp đất bùn dẻ lên rồi bắt từng con bỏ vào lon sữa bò có sẵn một lớp bùn nén chặt. Thứ mồi này rất “nhạy” để dụ cá chốt ăn câu vào ban đêm.

Người thành phố khi về quê chơi muốn đi qua cầu dừa mùa mưa dính bùn trơn trợt phải làm sao cho khỏi té ngả? Có một vài bí quyết nhỏ, đồng thời cũng là kinh nghiệm. Trước hết phải lột giày, lột dép, bỏ guốc cao gót cầm tay, quần xắn ống lên cao, đứng lên đầu cầu theo thế nghiêng chân trái làm chuẩn, bàn chân phải sát vào bàn chân trái cố gắng giữ thăng bằng từ hai bàn chân rồi nín thở, lấy trớn… tuột một cái thật nhanh qua đầu cầu bên kia, bảo đảm không té ngã dù cầu rất trơn. Kinh nghiệm thứ hai: bước thẳng lên đầu cầu theo tư thế hai chân đi… hai hàng, mặt nhìn thẳng, dùng gan bàn chân làm điểm tựa, bám sát lớp vỏ gồ lên của cây cầu dừa từng đoạn và mạnh dạn bước qua, đi theo cách này sẽ không té ngã lộn mèo xuống mương, xuống rạch.

Không cứ gì dân miệt vườn, người thành phố nếu có dịp về quê sẽ rất thú vị nếu được bước chân đi qua cây cầu dừa. Dù cầu dừa bắc qua con mương ngắn hay con xẻo, con rạch rộng dài, và dù có trơn trợt đến đâu hãy cứ xem đây là sự thử thách, sự khám phá, trải nghiệm. Khi đã chinh phục được… cây cầu dừa miệt vườn rồi thì có thể bước qua bất cứ một cây cầu nào cũng sẽ thấy rất dễ dàng. Đặc biệt là khi thử thách này được đặt vào một thanh niên thành phố từ một cô bạn gái ở miệt vườn. Nếu anh bước qua được cây cầu dừa trơn trợt mùa mưa mà không té ngã thì xem như đã bước tới được trái tim cô ấy vậy.

TỪ KẾ TƯỜNG

;
.