Nuôi dưỡng tình yêu sách
Sau 1 năm triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc tỉnh BR-VT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng ngành văn hóa đã linh hoạt tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc để lan tỏa tình yêu sách.
HS tham quan các gian hàng sách tại Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam tỉnh BR-VT lần thứ VIII do Sở TT-TT phối hợp Sở VH-TT tổ chức tại công viên Lê Thành Duy (TP.Bà Rịa) trong 2 ngày (17 và 18/4). |
Lan tỏa tình yêu sách
Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc (21/4), Sở TT-TT phối hợp Sở VH-TT, Hội VHNT và các nhà sách tổ chức các hoạt động “Ngày Sách và Văn hóa đọc” lần thứ VIII của tỉnh BR-VT tại Công viên Lê Thành Duy (TP. Bà Rịa) trong hai ngày 17 và 18/4. Sự kiện đã thu hút đông đảo HS, SV và người dân tham dự… Với nhiều nội dung như: hội thi kể chuyện theo sách; nghe diễn giả nói chuyện chuyên đề về sách; gặp gỡ, giới thiệu sách văn học Việt Nam với độc giả trẻ; ký tặng sách cho bạn đọc; tổ chức các hoạt động văn nghệ; giao lưu chuyên đề “Đọc trong kỷ nguyên số”; thi vẽ tranh; giao lưu vui học Anh ngữ; đố vui; tham quan triển lãm sách, đọc sách tại khu trưng bày sách… sự kiện đã góp phần nuôi dưỡng tình yêu sách và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh.
Từ tháng 5/2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Thư viện tỉnh chuyển đổi linh hoạt các hoạt động thu hút bạn đọc bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, trang Fanpage Thư viện tỉnh đã mở thêm chuyên mục mới được mang tên “Mỗi ngày một quyển sách” hàng ngày giới thiệu những quyển sách mới, sách hay, sách chuyên đề bảo vệ sức khỏe… Qua đó, những câu chuyện, bài học cũng như những kiến thức bổ ích góp phần giúp bạn đọc bớt lo lắng và lạc quan hơn, phòng chống dịch COVID-19 an toàn và hiệu quả.
Em Nguyễn Ngọc Bảo Thi (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) chia sẻ: “Em xem sách như người bạn thân thiết nên trong thời gian giãn cách xã hội, em vẫn không ngừng đọc sách, “nuôi dưỡng” niềm đam mê đọc sách, đam mê khám phá tri thức, đồng thời tham gia tích cực vào các chương trình, hội thi sách trực tuyến do Thư viện tỉnh tổ chức”.
Bên cạnh đó, ngành văn hóa cũng tích cực phối hợp các sở, ban, ngành trong tỉnh, các đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan, xí nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động đưa nhiệm vụ tuyên truyền phát triển văn hóa đọc vào cơ quan, đơn vị, địa phương với hơn 18.177 lượt bạn đọc/59.401 lượt tài liệu/42 đơn vị; phối hợp với Sở GD-ĐT tuyên truyền, khuyến khích đọc sách trong cán bộ, giáo viên, HS, SV với 19.192 lượt bạn đọc/107.184 lượt tài liệu/32 đơn vị; tổ chức tọa đàm, hội thảo về văn hoá đọc; tăng cường hoạt động luân chuyển sách, xe thư viện thông minh phục vụ lưu động của Thư viện tỉnh đã hỗ trợ trong việc đem sách cũng như thông tin và tri thức đến với người dân, HS vùng đặc biệt khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...
Cùng với đó, Sở VH-TT triển khai hàng loạt các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong toàn tỉnh như: Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc; cuộc thi ảnh trực tuyến: “Tự học - Gia đình cùng đọc sách” với số lượng hơn 700 bài dự thi. Các hoạt động này đã tạo dấu ấn trong cộng đồng đọc sách và nhân rộng mô hình khuyến đọc.
Mục tiêu của Đề án phát triển văn hóa đọc tỉnh BR-VT đến năm 2025 là: 80% học sinh, sinh viên và 15% người dân khu vực nông thôn sử dụng dịch vụ thư viện; 100% thư viện tại các cơ sở giáo dục có vốn tài liệu phù hợp; 100% thư viện công cộng có vốn tài liệu đáp ứng mọi đối tượng… Đến năm 2030, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sống, học tập và công tác; các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được duy trì và củng cố; hoạt động của thư viện đáp ứng được nhu cầu đọc của người dân. |
Khẳng định giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc
Ông Trần Minh Thế, Giám đốc Thư viện tỉnh cho hay, để phát triển Đề án văn hóa đọc, Thư viện tỉnh tiếp tục mở rộng các hoạt động thu hút bạn đọc, xây dựng các tủ sách liên kết và thành lập các CLB bạn đọc hoạt động định kỳ tại Thư viện tỉnh; vận động được đội ngũ tình nguyện viên tham gia các hoạt động phát triển văn hóa đọc tại đơn vị; duy trì và phát triển hệ thống thư viện cơ sở trong toàn tỉnh, mở rộng hoạt động của hệ thống các thư viện vệ tinh; phát huy hiệu quả của 8 mô hình phát triển văn hóa đọc tại các thư viện.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Sở VH-TT, Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ VHTTDL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017. Đề án nêu rõ “Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp văn hóa, giáo dục đất nước”. Tỉnh BR-VT là một trong những địa phương sớm triển khai, cụ thể hóa Đề án này tại địa phương.
Trong đó, định hướng phát triển văn hóa đọc trên cơ sở xây dựng và phát triển ngành thư viện nhằm hình thành thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh thiếu niên, HS, SV. Trong năm 2022, ngành văn hóa tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động thường niên của đề án; bổ sung tài nguyên thông tin thư viện cho hệ thống thư viện công cộng; xây dựng thói quen đọc sách, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc…
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG