Bảo tồn và lưu giữ nghệ thuật Đờn ca tài tử
BR-VT là 1 trong 21 tỉnh, thành phố phía Nam có phong trào nghệ thuật Đờn ca tài tử (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013). Để bảo tồn và lưu giữ nghệ thuật ĐCTT, ngày 18/12/2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Sau 3 năm triển khai Đề án, bộ môn nghệ thuật này đã lan tỏa vào đời sống cộng đồng, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.
Tài tử Ngọc Hiền CLB ĐCTT xã Hòa Long (TP. Bà Rịa) trong chương trình giao lưu ĐCTT chủ đề “Bà Rịa – Vũng Tàu vang mãi tiếng đờn ca”. |
Món ăn tinh thần không thể thiếu
Từ những ngày đầu chỉ có vài CLB Đờn ca tài tử (ĐCTT), đến nay đã hình thành và phát triển được 25 CLB sinh hoạt thường xuyên rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 1 CLB cấp tỉnh, 8 CLB cấp huyện, 16 CLB cấp xã, phường, thị trấn. Ngoài việc tổ chức sinh hoạt mang tính nội bộ, trình diễn phục vụ nhân dân vào các dịp lễ, hội, một số CLB đã tổ chức được hình thức kết bạn giao lưu và đặc biệt là tổ chức trình diễn ĐCTT định kỳ hàng tháng: Chương trình “Đêm biển gọi” tại TT.Long Hải, huyện Long Điền; “Đêm trăng rằm” của phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa; “Điểm hẹn Sông Dinh” của CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật (VH-NT) tỉnh...
Bên cạnh đó, hoạt động biểu diễn giao lưu ĐCTT tại cơ sở, các tỉnh, thành phố bạn và tham gia các cuộc liên hoan, hội thi do khu vực và Cục Văn hóa cơ sở tổ chức cũng được lãnh đạo các cấp, các ngành và nghệ nhân ĐCTT trong tỉnh hưởng ứng. Các chương trình, tiết mục, tài tử đờn, ca được sự đón nhận, mến yêu của người hâm mộ.
Qua 3 năm triển khai đề án, nghệ thuật ĐCTT đã gắn bó với đời sống nhân dân trên địa bàn. Để làm phong phú nguồn tác phẩm mới, trình diễn phục vụ nhân dân, cũng như tuyển chọn những bài ca hay tham gia Hội thi ĐCTT tỉnh BR-VT, Trung tâm VH-NT tỉnh đã tổ chức 2 lần Cuộc thi sáng tác lời mới 20 bài bản tổ nghệ thuật ĐCTT; phát hành những tập bài bản ĐCTT dành cho thiếu nhi và người lớn có nội dung ca ngợi quê hương BR-VT, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu… đến các CLB ĐCTT trên địa bàn tỉnh.
Song song với việc tổ chức các chương trình giao lưu các CLB ĐCTT trong tỉnh, Trung tâm VH-NT tỉnh còn tổ chức giao lưu các CLB ĐCTT của tỉnh với các tỉnh trong khu vực Nam Bộ. Hàng năm, tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật ĐCTT cho tài tử; mở các lớp hướng dẫn, truyền nghề dạy kỹ năng sáng tác lời mới 20 bài bản tổ ĐCTT nhằm từng bước nâng dần số lượng tài tử, nghệ nhân của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, từ kinh phí của Đề án, Sở VH-TT đã cấp 15 bộ nhạc cụ cho 15 CLB có phong trào ĐCTT phát triển; tạo điều kiện cho các tài tử đờn có nhạc cụ để luyện tập và giao lưu biểu diễn; giới thiệu nghệ thuật ĐCTT bằng phim, video clip phổ biến rộng khắp trong hệ thống trường học, các sở, ban, ngành và phát trên hệ thống truyền thanh các huyện, Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng phường xã và hệ thống các trường học.
Nỗ lực lưu giữ nghệ thuật ĐCTT
Theo ông Phạm Diêm, Giám đốc Trung tâm VH-NT tỉnh, năm 2021, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp dẫn đến rất nhiều khó khăn trong việc triển khai tổ chức các hoạt động VH, NT, trong đó có hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. Tuy nhiên, Trung tâm VH-NT tỉnh đã linh hoạt chuyển đổi hình thức tổ chức từ trực tiếp sang hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến các chương trình giao lưu, hội thi ĐCTT, tạo sân chơi giao lưu cho tài tử, nghệ nhân. “Khó khăn hiện nay là số lượng người biết đờn và ca các bài bản ĐCTT trên địa bàn tỉnh không nhiều. Hầu hết họ chủ yếu làm nghề tự do, cuộc sống mưu sinh vất vả trong khi không căn cứ, quy định nào trong đề án để hỗ trợ sinh hoạt định kỳ cho các CLB và các thành viên. Do vậy muốn bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT cần có sự quan tâm, động viên, hỗ trợ để các hội viên có điều kiện duy trì sinh hoạt”, ông Phạm Diêm kiến nghị.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Sở VH-TT cho biết, ĐCTT trong tỉnh được trao truyền qua nhiều thế hệ, đi sâu vào tâm thức của nhân dân, có sức sống mãnh liệt, lan tỏa và trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, được cộng đồng và người dân BR-VT bảo tồn, từng bước phát huy giá trị. Để lưu giữ và phát triển nghệ thuật ĐCTT, ngành văn hóa tiếp tục nỗ lực xây dựng các chuyên đề biểu diễn nghệ thuật truyền thống như: Giới thiệu, hướng dẫn, giảng dạy nghệ thuật ĐCTT trên sóng phát thanh, truyền hình nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn tỉnh; đề xuất thêm chương trình biểu diễn giao lưu các CLB ĐCTT trong tỉnh, định kỳ 1 tháng/lần nhằm động viên khuyến khích cho hội viên và Ban Chủ nhiệm các CLB ĐCTT trên địa bàn tỉnh. Từ đó gây dựng và đẩy mạnh thêm phong trào ĐCTT của các địa phương trong tỉnh.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG