.

Đêm tàn Bến Ngự Bản tình ca nối nhịp cầu duyên

Cập nhật: 14:48, 25/12/2021 (GMT+7)

Trong số những bài hát nổi tiếng được nhiều thế hệ yêu thích, vượt qua không gian, thời gian in đậm dấu ấn vào nền âm nhạc Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 có bản “Đêm tàn Bến Ngự” của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Đây là một ca khúc lấy bối cảnh cố đô Huế, tiết tấu chậm, buồn với ca từ mượt mà, sang trọng, tình tứ mà mỗi khi ca sĩ hát lên khiến lòng người nghe rung động, cảm thụ âm nhạc thật tuyệt vời.

Ca sĩ Minh Trang và chồng nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. (Ảnh: Tư liệu)
Ca sĩ Minh Trang và chồng nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. (Ảnh: Tư liệu)

Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, chính ca khúc “Đêm tàn Bến Ngự” đã gắn liền một mối tình tuyệt đẹp, vượt qua không gian, bền bỉ theo thời gian đến hết cuộc đời của hai người nghệ sĩ nỗi tiếng tài danh một thời của Sài Gòn. Đó là ca sĩ Minh Trang và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

Cô gái dòng dõi quý tộc

Minh Trang là nghệ danh khi trở thành ca sĩ của cô gái Nguyễn Thị Ngọc Trâm, bà sinh ngày 18/8/1921 tại một nhà hộ sinh nằm ngay trên Bến Ngự kinh đô Huế. Ở Huế, vào thế kỷ 19 mọi người hầu như đều nghe danh Mỹ Lương Công chúa hay còn gọi là Bà Chúa Nhứt vốn là chị ruột của vua Thành Thái. Mỹ Lương Công chúa là dòng dõi quý tộc nhưng lại có máu nghệ sĩ, bà có nuôi một ban hát đông tới hàng chục người và có riêng một ban ca Huế trong nhà để giúp vui, phục vụ cho việc giải trí. Chính Mỹ Lương Công chúa là bà ngoại của Nguyễn Thị Ngọc Trâm, tức ca sĩ Minh Trang về sau.

Do thân phụ của ca sĩ Minh Trang là ông Nguyễn Hy một mệnh quan của triều đình Huế, ông thường đáo nhậm nhiệm sở xa nên lúc nhỏ Minh Trang gắn bó với bên ngoại nhiều hơn bên nội. Chính thời thơ ấu cô gái Nguyễn Thị Ngọc Trâm gắn bó với bà ngoại là Mỹ Lương Công chúa nên hấp thụ được âm thanh của dòng nhạc cung đình và mới bảy tám tuổi bà đã thuộc, hát được những bài bản cổ nhạc, ca Huế như Kim Tiền, Lưu Thủy, Nam Ai, Nam Bình… Mặc dù bà Ngọc Trâm nói giọng Quảng theo cha (ông Nguyễn Hy là người Quảng Ngãi), nhưng khi hát, bà lại hát bằng chất giọng Huế rất mượt mà, nhấn nhá, luyến láy rất thu hút, chất giọng truyền cảm tự nhiên ấy dễ đi vào lòng người nghe.

Tuy nhiên, khi lớn lên bà Ngọc Trâm lại được giáo dục theo Tây học nên hấp thụ nền văn hóa phương Tây, bà theo học trường Jeanne d’Arc, một trường dòng của Pháp danh tiếng ở Huế và tất nhiên theo phong cách Tây phương bà Ngọc Trâm đã học và biết đàn dương cầm từ nhỏ. Khi lên bậc trung học bà Ngọc Trâm lại theo gia đình ra Hà Nội vì thân phụ bà đáo nhậm tại đây, Năm 1941 ông Nguyễn Hy trở về Huế nhậm chức ở Bộ Lại nên gia đình về sống ở Huế, bà Ngọc Trâm tiếp tục bậc trung học ở trường Lyceé Khải Định.

Ca sĩ Minh Trang về già cùng con, cháu. (Ảnh: Tư liệu)
Ca sĩ Minh Trang về già cùng con, cháu. (Ảnh: Tư liệu)

Khi còn đi học bà Ngọc Trâm được ông thầy dạy Việt Văn tên Ưng Quả, cũng là vị “phụ giáo” của triều đình chú ý, cảm mến. Ông Ưng Quả góa vợ, có hai con trai nhưng điều này không cản trở tình cảm của hai người đến với nhau. Bà Ngọc Trâm chấp nhận tiến tới hôn nhân với ông Ưng Quả vì hai bên gia đình đều thuộc dạng “môn đăng hộ đối” bởi ông Ưng Quả là cháu nội của Tuy Lý Vương, còn Ngọc Trâm là cháu nội của Diên Lộc Quận công. Cuộc hôn nhân không tuổi tác nhưng lại rất hạnh phúc vì khi gắn bó tình cảm ban đầu “thầy” Ưng Quả và “cô trò nhỏ” Ngọc Trâm đã rất hợp với nhau. Họ sinh được một trai là Bửu Minh và một gái là Công tằng Tôn nữ Đoan Trang, chính bà Ngọc Trâm khi thành ca sĩ đã lấy tên con trai và con gái ghép lại để thành nghệ danh Minh Trang. Bửu Minh sau này cũng trở thành một vĩ cầm thủ nổi tiếng trong ban nhạc đại hòa tấu “Staasphihlarmonic Rheeinland Plalz” của Đức. Còn Công tằng Tôn nữ Đoan Trang sau này chính là ca sĩ có giọng hát trong veo, cao vút Quỳnh Giao nổi tiếng trước năm 1975 ở Sài Gòn và sau năm 1975 khi định cư ở Mỹ.

Trở thành ca sĩ chuyên nghiệp nhờ hát thế

Vào năm 1951, lúc đó Giáo sư Ưng Quả đang làm Giám đốc Nha Học chính Trung phần đột ngột qua đời bà Ngọc Trâm trở thành góa phụ ở tuổi còn xuân một nách hai con vào Sài Gòn sinh sống. Bà giỏi tiếng Pháp, nói tiếng Pháp chuẩn như Tây nên nhanh chóng tìm được việc làm tại Đài phát thanh Pháp Á (France – Asie), vừa đảm nhận vai trò xướng ngôn viên, vừa làm biên tập viên tin tức bằng tiếng Pháp. Cho đến lúc này góa phụ “nửa chừng xuân” Ngọc Trâm chưa hề nghĩ mình sẽ làm ca sĩ, nhưng một dịp tình cờ chương trình ca nhạc của nhạc sĩ Đức Quỳnh phát sóng trên Đài phát thanh Pháp Á ca sĩ chính vắng mặt bất ngờ mà không thể dừng phát sóng nên nhạc sĩ Đức Quỳnh đã nhờ bà Ngọc Trâm hát thế để “chữa cháy” vì nhạc sĩ Đức Quỳnh biết cô xướng ngôn viên kiêm biên tập viên của đài có giọng hát rất tốt.

Thế là Ngọc Trâm nhận lời “hát thế”, bài hát duy nhất Ngọc Trâm thuộc lúc đó là bài “Đêm đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Không ngờ giọng hát mới toanh của Ngọc Trâm được thính giả yêu thích, ủng hộ nhiệt liệt, nhạc sĩ Đức Quỳnh như bắt được vàng mời cô xướng ngôn viên hát luôn cho chương trình và từ đó Ngọc Trâm trở thành ca sĩ Mai Trang, không chỉ hát chuyên nghiệp cho Đài phát thanh Pháp Á, mà Minh Trang còn hát phụ diễn trên sân khấu các rạp chiếu bóng vì hồi ấy trước khi bắt đầu chiếu phim thường có ca sĩ hát “mở màn”. Không ngờ tiếng hát Minh Trang bay ra tới Hà Nội và chinh phục thính giả Hà Nội. Các nhạc sĩ Hà Nội lúc bấy giờ cũng rất “mê” giọng hát sang trọng, cuốn hút của Minh Trang nên gửi bài hát mới vào nhờ Minh Trang phổ biến trên đài như nhạc sĩ: Vũ Thành, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Khánh, Hoàng Giác, Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ…

Mối duyên văn nghệ thành duyên vợ chồng

Lại một dịp tình có khác đưa ca sĩ Minh Trang ra hát ở Hà Nội. Lúc đó Thủ hiến Bắc Việt là ông Nguyễn Hữu Trí, do cảm mến giọng hát của Minh Trang ông này đã khẩn khoản mời cô ca sĩ ra hát ở hội chợ tổ chức tại Hà Nội vào dịp Tết. Ca sĩ Minh Trang ra Hà Nội hát, cũng lại là sự tình cờ khi chọn ban nhạc, vì lúc này có hai ban nhạc đệm cho ca sĩ hát, một là ban Việt Nhạc của nhạc sĩ Vũ Thành, ban thứ hai là Bảo An Đoàn của nhạc sĩ Hoàng Trọng, ca sĩ Minh Trang được quyền chọn ban nhạc đệm cho mình hát. Minh Trang đã chọn ban Việt Nhạc, trong ban nhạc này có nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Và thế là họ quen nhau, từ chỗ chỉ nghe tên, biết tiếng, giờ gặp mặt, người đệm đàn, người hát… thành mối duyên văn nghệ.

Khi Minh Trang trở lại Sài Gòn, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tiếp tục liên lạc qua thư từ, tình cảm giữa hai người sâu đậm dần và trong thời gian ngắn hai người nên duyên chồng vợ. Trong thời gian mới quen nhau kẻ Bắc người Nam, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã sáng tác bài “Sóng lòng” để nói lên niềm nhớ thương gửi tới ca sĩ Minh Trang, rồi bài “Ngọc Lan”, tuy nói về một loài hoa nhưng thực ra là để nói về một người con gái và người đó là ca sĩ Minh Trang. Nhưng chính bài “Đêm tàn Bến Ngự” mới là nhịp cầu duyên đưa họ đến với nhau. Để cho ra đời bài “Đêm tàn Bến Ngự”, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã vào Huế, ngủ đò trên sông Hương 2 đêm và cảm xúc của ông đã thể hiện thành bài “Đêm tàn Bến Ngự” theo giai điệu ngũ cung của Huế.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã đưa bài “Đêm tàn Bến Ngự” cho nữ ca sĩ Minh Đỗ hát, nhưng do Minh Đỗ không quen hát nhạc theo âm điệu ngũ cung nên từ chối và ca sĩ Minh Trang đã hát bài này. Đối với Minh Trang do thẩm âm ca Huế đã có sẵn trong máu lẫn trong hồn từ thủa nhỏ nên việc luyến láy ngũ cung và hát cho ra chất Huế đối với bà vô cùng dễ dàng. Do đó không chỉ có nhạc sĩ Dương Thiệu Tước rất hài lòng mà có thể nói ca khúc “Đêm tàn Bến Ngự” từ nửa cuối thế kỷ trước cho tới bây giờ sau ca sĩ Minh Trang không ai hát thành công hơn. Nhưng không chỉ có “Đêm tàn Bến Ngự” hay các ca khúc khác của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, ca sĩ Minh Trang còn hát rất nhiều ca khúc nổi tiếng của những nhạc sĩ khác và đều thành công, để lại cho đời một giọng hát khó thay thế.

Cuộc hôn nhân của ca sĩ Minh Trang và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước kéo dài 30 năm trong hạnh phúc, họ có với nhau 5 người con một trai, bốn gái là: Dương Hồng Phong, Vân Quỳnh, Vân Khanh, Vân Hòa, Vân Dung. Vân Quỳnh hiện cũng là một nữ ca sĩ trẻ, có tên tuổi ở hài ngoại. Sau năm 1975, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vẫn dạy nhạc ở Quốc gia Âm nhạc và do bệnh tật nên ông ở lại Sài Gòn còn bà Minh Trang định cư ở Mỹ năm 1978 với các con. Hiện các con bà đều đã thành danh ở nước ngoài. Bà Minh Trang mất vào ngày 17/8/2010 tại thành phố Garden Grove, California (Mỹ) ở tuổi 90.

TỪ KẾ TƯỜNG

.
.
.