COVID-19 đáng giá bao nhiêu?

Thứ Bảy, 25/12/2021, 14:47 [GMT+7]
In bài này
.

Giữa tháng 4 năm 2021, khi cà phê sáng bên vịnh biển đẹp Vũng Tàu với một người bạn, tôi hỏi:

- Ly cà phê đáng giá bao nhiêu?

Bạn trả lời:

- Anh hỏi ly cà phê sáng nay tại đây đáng giá bao nhiêu ư? Xin thưa,   giá cao lắm, cũng có thể nói là vô giá.

Tôi xiết chặt tay bạn, bởi buổi sáng hôm đó, chỉ mỗi người một ly cà phê mà chúng tôi đã nói bao chuyện, trải nghiệm thật nhiều, nhìn lại những điều giản dị vẫn xẩy ra quanh ta mà lại mang tính chân lý. Buổi cà phê hôm đó tôi đã viết thành một tản mạn vui, một kỷ niệm đẹp đăng trên trang báo Văn nghệ, báo Vũng Tàu Chủ nhật, sau đó in vào tập sách năm 2021.

Giữa tháng 12 năm 2021, tôi và bạn mới có dịp gặp cà phê sáng, bên  biển, gió se lạnh thật dễ chịu. Tám tháng ròng rã, do đại dịch COVID-19 bùng phát, thành phố biển cùng cả nước thực hiện giãn cách xã hội. Một ca nhiễm, khu phố, ngõ xóm thậm chí cả phường, xã được giăng dây nội bất xuất, ngoại bất nhập, tiệm cà phê đóng cửa, nhà hàng cấm kỵ, một ca dương tính thì đó là ổ dịch, cứ như là bệnh hủi, dịch hạch thế kỷ trước. Cuộc chiến COVID-19 đã ngăn cách chúng tôi. Cả xã hội đều vậy, đám giỗ, đám tang … nhà nào nhà nấy lo!

Lúc này đây, các rào chắn, giăng dây, thép gai đã được phá bỏ thực hiện “Thích ứng an toàn - linh hoạt - chống dịch hiệu quả”. Tiệm cà phê mở lại và sáng nay chúng tôi đã tay trong tay. Tôi hỏi bạn:

- Em ơi, dich COVID-19 đáng giá bao nhiêu?

Câu hỏi tương tự của tám tháng trước “Ly cà phê đáng giá bao nhiêu?”. Em mỉm cười thật xinh mà ẩn bao tâm trạng. Em tâm sự:

- Đại dịch COVID-19 là cơn địa chấn toàn cầu đánh vào loài người. Đại dịch đã làm cho các nền kinh tế suy thoái, cuộc sống đảo lộn, giá trị văn hóa đổi thay, nếp nghĩ khác trước. Đến cuối năm 2021, gần 300 triệu người trên hành tinh nhiễm bệnh, khoảng 5.5 triệu người tử vong. Riêng Việt Nam gần 1,6 triệu người nhiễm bệnh; gần 1,2 triệu bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; gần 30.000 ca tử vong. Những con số đau thương, đẫm nước mắt vẫn chưa dừng.

Nét mặt thanh tú lấm tấm mồ hôi, bạn tôi nhỏ nhẹ:

- Tổn thất và đau thương, đại dịch COVID-19 là sự trả giá về môi trường sống, tàn phá cảnh quan, thậm chí là nhân tình thế thái, văn hóa xuống cấp đối với cuộc sống hôm nay.

Bạn tôi tiếp tục mạch nghĩ:

- Với em, đại dịch là sự trải nghiệm lớn lao. Em đã sống chậm lại, tối giản. Em tự hỏi, vì sao trong kinh doanh lại mưu tính, chỉ vì tiền mà có lúc quên đi tình thương yêu?

Em tâm tình tự đáy lòng mình:

- Em học quản trị kinh doanh, ngành học Marketing, nghiên cứu sâu thêm và mở lớp đào tạo Kỹ năng sống, truyền thụ kinh nghiệm khởi nghiệp cho người trẻ. Vậy mà, trong đại dịch và cả sau đại dịch, sinh tử quá mong manh, cơ sở đào tạo cửa đóng then cài, nhân viên thất nghiệp, tự nhiên tình thương yêu trong em trỗi dậy, sẻ chia nhiều hơn với mọi người, biết chăm lo nhiều hơn cho những người chung quanh.

Bạn tôi nói tiếp:

- Thì ra mấy lâu nay, ngay cả với mẹ của mình, với ông bà, thậm chí cả trong quan hệ chồng vợ, mình ít dành thời gian cho họ. Kỹ năng sống là ở đấy chứ ở đâu xa. Nếu không có COVID-19 mình đã không nhận ra nhiều điều về lẽ sống. Chỉ lao vào kiếm tiến và mưu tính đâu phải là điều tốt đẹp. Đi mua sắm, cái gì không cần thì không mua; sử dụng đồng tiền thật có ích cho mình và cho mọi người.

Trong nguy có cơ! Với đại dịch COVID-19 bên cạnh những tổn thất, đau thương, con người - văn hóa sống đã ngộ ra nhiều điều bổ ích, cần sự chỉn chu, ngẫm suy và điều chỉnh. Đại dịch cần sự đo đếm dưới góc nhìn văn hóa, phép ứng xử và tình yêu thương dành cho nhau! Tự mình vào bếp chuẩn bị cơm ngon canh ngọt cho mình và gia đình, tại sao không?

Tình yêu thương đưa chúng ta xích lại gần nhau hơn, chung sức chung lòng đẩy lùi đại dịch đang diễn biến phức tạp, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, nuôi dưỡng đời sống văn hóa tinh thần, đễ mãi mãi “Văn hóa soi đường quốc dân đi” như Bác Hồ kính yêu đã từng nhắn nhủ đồng chí, đồng bào!

Trước thềm năm mới 2022

PHẠM QUỐC TOÀN

;
.